Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Theo dấu sông Chu


(HQ Online)- Bắt nguồn từ vùng núi Houa thuộc Tây bắc Sầm Nưa, có một dòng chảy miệt mài qua 325km núi đồi, ghềnh thác rồi đổ vào Việt Nam qua hai huyện Quế Phong (Nghệ An) và Thường Xuân, Thọ Xuân (Thanh Hoá) trước khi sầm sập hoà nước nơi Ngã Ba Giàng, trở thành phụ lưu lớn nhất của sông Mã.
Người Tày, Thái gọi đó là Nậm Sam, người Kinh đặt tên là sông Lường hay sông Sủ. Và dòng sông nhỏ như một vết mào cào trên bản đồ đất nước ấy đã được người Pháp ghi lên là sông Chu. Những người dân biên giới Quế Phong đã men theo đường mòn ngược dòng sông này sang nước bạn mua bán trâu bò, cây cảnh. Theo dấu chân họ, chúng tôi cùng ngược dòng sông Chu.
Sau một đêm dừng chân ở Mường Hinh, tờ mờ sáng, cả đoàn đã sẵn sàng lên đường. Tuy quãng đường từ Mường Hinh lên cột mốc biên giới chỉ vài chục cây số nhưng cần phải đi sớm để tránh những cơn mưa rừng thường bất ngờ ập tới. Sương len vào tay áo, quấn lên mi mắt và luẩn quẩn trong cả làn khói đen ngòm phả ra từ ống xả của chiếc xe Win cổ lỗ. Mặt trời vừa ló rạng trên đỉnh Tà Láo thì  cũng là lúc chúng tôi đến Trạm kiểm soát Biên phòng Mường Phú. Trung tá Hồ Hồng Sơn, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng 519 (Quế Phong- Nghệ An) tỏ vẻ ái ngại khi thấy chúng tôi quyết tâm xuất cảnh giữa lúc thời tiết không thuận lợi.
Ngay ở đường biên giới, chúng tôi gặp rất nhiều đồng bào hai dân tộc Việt- Lào mua bán, trao đổi hàng hóa. Phần lớn chỉ là lương thực, thực phẩm, hàng hóa nhỏ lẻ, từ bao gạo, tải khoai đến vài ba tấm vải thổ cẩm, quần áo trẻ em, đồ dùng gia đình. Họ đến, rồi đi, thanh bình như những phiên chợ quê mộc mạc, bình dị, không hề có cảnh tranh giành, mặc cả, chen lấn, xô bồ. Những cô gái Lào mặc váy liền ống đen tuyền, cười răng vàng chóe. Những cô, những bà người Mông, người Thái… xênh xang váy áo sặc sỡ, nhai trầu bỏm bẻm
Từ cửa khẩu Thông Thụ theo hướng tây chưa đầy 5km, chúng tôi đã gặp dòng Nậm Sam. Theo lời anh Gió, người dẫn đường của tôi thì đây được coi là “quãng nghỉ” của con sông. Trên khoảng sông rộng một vài km2, sương mờ giăng bảng lảng, dòng nước lững lờ, khoan thai chảy, giống như người đi bộ nghỉ chân sau một hành trình vượt núi dài dằng dặc, nghỉ để lấy đà, tiếp sức trước khi chảy tiếp quãng đường gần 160km đèo núi trên địa phận Việt Nam và chính thức thay tên đổi họ thành sông Chu. Những em bé Lào mình trần đen nhẻm, bì bõm nô đùa trên dòng sông ngầu đục phù sa, ngước cặp mắt tròn đen lay láy nhìn chúng tôi dò dẫm bước qua cây cầu gỗ Piêngkhun ẩn hiện trong làn sương mờ. Khi đi trên cây cầu gỗ do bà con Lào Lùm làm vội bắc qua sông đó, tôi có cảm giác giống như đi trong cổ tích. Những cây gỗ dài xếp thành hai thân cầu, ở giữa là những cây gỗ nhỏ hơn được đan xếp thật khéo, đi không lọt bàn chân. Mỗi khi trời mưa, cây cầu này trôi vèo theo dòng lũ dữ, bà con lại bắt tay làm lại, đẹp và chắc chắn hơn lần trước.
Vì là “quãng nghỉ” của dòng sông, nên hai bên bờ xuất hiện bãi bồi bạt ngàn lau, sậy, thấp thoáng những ngôi nhà sàn nhỏ xinh, nhìn xa như những cái chuồng chim. Người sinh sống ở đây chủ yếu là người Lào Lùm, Lào Sủng và một phần người Mông ở Việt Nam di cư sang đây làm ăn rồi bén duyên nên vợ, thành chồng với người bản địa. Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào những nương ngô, nương nếp và những chiếc thuyền độc mộc dùng để đánh cá trên dòng sông Chu nhỏ hẹp, nhiều ghềnh đá. Hầu như không có chuyện người dân phá rừng, đốt nương làm rẫy một cách tuỳ tiện theo ý mình.
Có lẽ chính nhờ ý thức tự giác này mà những cánh rừng của Lào nơi thượng nguồn con sông Chu vẫn giữ được đôi nét nguyên sơ, như chưa bị tác động lớn từ bàn tay con người. Dày đặc trong cánh rừng Houaylin ngút ngàn là chò chỉ, săng lẻ, sến, táu.. cổ thụ hàng chục năm tuổi. Nó trái ngược hoàn toàn với những cánh rừng trơ khấc, nhuôm nhoam vài loại cai bụi, cây tạp ở Việt Nam mà dù đi bất cứ vùng núi nào trên dải đất hình chữ S, ta cũng có thể bắt gặp. Ngay cạnh con đường mòn đất đỏ từ biên giới vào thị trấn Sầm Tớ (huyện Sầm Tớ - tỉnh Hủa Phăn - Lào), có cơ man những cây cổ thụ soi bóng xuống dòng Nậm Sam khiến nước sông đã xanh lại càng trở nên ánh biếc.
Thiếu tá Vixay Vilaynon, Trưởng Đồn Biên phòng 32 (bản Nậm Tảy - Sầm Tớ - Hủa Phăn - Lào) nói rằng, người dân các bộ tộc Lào ở đây có lòng kính ngưỡng rất lớn đối với rừng, tinh thần bảo vệ rừng như một ý thức hệ được truyền đời này qua đời khác. Mỗi người dân đều xem rừng là đức mẹ tối cao, đem nguồn sống, cơm ăn, áo mặc, chở che cho họ qua những cơn lũ dữ. Bất cứ ai phá rừng đều bị cộng đồng tẩy chay, gia đình nào muốn vào rừng chặt cây gỗ to dựng nhà cho con trai lớn lấy vợ, hay chỉ vài cây gỗ nhỏ để cắm ngoài bờ rào cho con gà, con lợn khỏi chạy lên núi quên đường về, đều phải xin ý kiến già làng, trưởng bản thì mới dám vào rừng lấy gỗ.
Trái với mường tượng của tôi về một dòng sông to lớn, hùng vĩ hiên ngang chảy giữa những cánh rừng già, sông Chu trên đoạn chảy qua địa phận huyện Sầm Tớ chỉ rộng gần 20m. Án ngữ hai bên bờ sông là hai dãy núi cao sừng sững, dòng sông như bị siết chặt lại đến nghẹt thở. Nó vẫn mải miết, kiên trì nín chảy. Suốt cuộc hành trình chảy trải dài gần 325km, sông Chu chỉ mong manh như sợi chỉ, kiên nhẫn gom góp những giọt nước từ khắp các cánh rừng Sầm Nưa, Sầm Tớ để dòng chảy luôn ăm ắp nước và quần tụ biết bao tôm cá.
Đứng nơi đầu nguồn sông, lòng chợt nao nao nghĩ đến biết bao công khó mà sông đã bền bỉ tích tụ từ những nét văn hóa cộng đồng đặc sắc của các bộ tộc Lào đến phù sa màu mỡ trên khắp vùng cao nguyên Houa…, để khi về đến Việt Nam thì bung chảy, vỡ òa tạo nguồn than trắng cho thủy điện Cửa Đạt, thủy điện Hủa Na, sáng bừng lên cả một vùng biên giới phía Tây Tổ quốc.
Phạm Vân Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét