(VTC News) - Ở làng Mỹ Cụ (Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng), có một ngôi chùa nổi tiếng, mà đến nay, chưa thể xác định được niên đại. Đó là chùa Linh Sơn.
Phóng viên sờ đầu pho tượng bí ẩn
Có ý kiến cho rằng, nó được xây dựng từ thời Lê Hoàn, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, ngôi chùa được xây dựng trước Công nguyên.
Như vậy, đây có thể là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Trong ngôi chùa ấy, còn có một pho tượng cổ khổng lồ và lạ lùng, đó là pho tượng được đắp trên một thân cây.
Theo mấy cụ bà trông chùa, thì người nắm rõ lịch sử ngôi chùa là ông Trần Anh Nghĩa, người làng Mỹ Cụ. Ông Nghĩa từng là công an xã, chủ tịch xã và bây giờ về hưu thì làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh của xã Chính Mỹ.
Dù nhiều năm làm cán bộ, nhưng ông vẫn luôn yêu mến lịch sử, văn hóa nên chịu khó sưu tầm lịch sử địa phương.
Ngôi chùa Linh Sơn dưới chân núi Phượng Hoàng |
Đó là một pho tượng khổng lồ, sơn màu đồng, ngồi tọa thiền trên bệ hình tòa sen. Pho tượng có mái tóc xoăn giống người Ấn Độ.
Theo ông Nghĩa, đây là pho tượng A Di Đà. Tượng cao 2,5m, chu vi 3,2m, được đắp bằng chất liệu đất sét cùng giấy dó. Ông Nghĩa bảo tôi cứ tự nhiên trèo lên ban thờ Phật và… sờ đầu pho tượng.
Sau khi kính cẩn tạ lỗi, tôi trèo lên ban thờ, sờ đầu tượng A Di Đà và thấy rõ đỉnh đầu pho tượng là khúc gỗ trồi lên.
Theo lời ông Nghĩa, vào thời vua Lê Dụ Tông, người dân Mỹ Cụ cho rằng, pho tượng này giống “tượng Tàu”, nên bàn nhau quyết định phá.
Các cụ dùng dao búa phá tượng, thì thấy lộ ra một thân cây trong lòng tượng. Các cụ đào rỗng cả ban thờ, sâu xuống đất, song mãi mà không trốc được gốc cây lên.
Bỗng nhiên, từ dưới gốc cây, vọt lên một dòng nước mát lành, phun lên trời cao đến 10m. Rồi trong làng xảy ra đủ các loại biến cố, trâu chết tươi, người chết đứng.
Nghĩ rằng “người Tàu” đặt pho tượng này để yểm long mạch, hãi quá, dân làng phải đắp lại tượng. Pho tượng này được đắp lại từ thời Hậu Lê và vẫn còn đến ngày hôm nay. Từ đấy, người dân trong vùng kính cẩn thờ phụng pho tượng này.
Pho tượng cổ khổng lồ này được đắp trùm lên thân cây |
Truyền thuyết ngôi chùa và pho tượng lạ
Theo truyền thuyết, từ thời Hùng Vương, làng Mỹ Cụ chỉ là cái trại nhỏ, do một số cư dân đến sinh sống lập ra.
Đến thời Thục Phán An Dương Vương, dân cư đông đúc hơn, trại được mở rộng thành trang (trang là đơn vị hành chính lớn hơn trại), được đặt tên là Mỹ Cát Trang, có nghĩa là bãi cát trắng rất đẹp.
Thành hoàng của làng Mỹ Cụ là vợ chồng cụ Lý Huy Chân và Đào Thị Bảo. Tên tuổi, gia cảnh hai cụ vẫn được ghi trong sử sách của làng, trong các câu chuyện truyền miệng và được thờ tự trong đền, đình.
Quê gốc hai cụ ở Thanh Hóa, là hào phú anh hùng, biết nghề địa lý, giỏi buôn bán thương nghiệp. Thời Hùng Vương, cụ Chân treo ấn từ quan, rồi dắt nhau di cư về vùng đất thuộc huyện Thủy Nguyên bây giờ.
Trên đầu pho tượng này vẫn trồi lên mặt khúc gỗ, là thân cây xuyên xuống tận lòng đất |
Xưa kia, nơi nào có đất thiêng, thì thầy địa lý thường khuyên mang mồ mả tổ tiên đến chôn, với niềm tin sẽ phát nghiệp đời sau.
Tất nhiên, cụ Chân đã rước mồ tổ tiên ra vùng đất này và chôn đúng huyệt thiêng giữa trại. Tuy nhiên, giờ đây, dân làng không biết huyệt đạo đó ở đâu.
Thời kỳ đó, biển tiến sát chân những quả núi này, với bãi cát trắng mênh mông. Công việc buôn thuyền bán bè khắp biển cả của vợ chồng cụ Chân rất phát, giàu có vô biên, vàng bạc chất thành núi.
Trong 4 năm ở làng, hai vợ chồng đã liên tiếp đẻ 4 người con, gồm 3 trai, 1 gái. Những người con được ăn học đầy đủ, lớn lên con trai khỏe mạnh, dũng mãnh, con gái xinh đẹp, cổ cao 3 ngấn, mắt phượng mày ngài.
Linh Sơn tự ẩn dưới những bóng cổ thụ |
Sau khi hai cụ mất, việc buôn bán, làm ăn sa sút. 4 anh em đang giàu có sung túc trở nên nghèo khổ. Không còn chốn dung thân, họ dắt nhau lên núi Phượng Hoàng, chỗ chùa Linh Sơn bây giờ và trú ngụ dưới gốc cây mộc hương (cây gỗ tỏa mùi thơm ngát).
Ngày đó, vùng này là những cánh rừng gỗ lim rậm rịt. Vậy nên, có thời kỳ, người ta gọi núi Rùa, cạnh núi Phượng Hoàng là núi Lim.
Mười mấy năm trước, một số người hút cát ở sông Si, con sông lượn cạnh núi Rùa, khi hút sâu xuống lòng sông vài mét, còn vớt được những thân gỗ lim khổng lồ, không rõ đã nằm dưới lòng sông bao nhiêu trăm, ngàn năm.
Ông Trần Anh Nghĩa bên một tháp mộ cạnh chùa Linh Sơn |
Giết xong hổ tướng, 4 anh em lại trở về gốc mộc hương sinh sống. Tuy nhiên, từ hôm giết con hổ thì phong ba bão táp nổi lên, gió mưa vần vũ suốt 3 ngày liền.
Khi bão táp dừng, người dân nhìn lên núi Phượng Hoàng, thấy cây mộc hương rụng lá xác xơ. Dân trại kéo lên xem, thì không thấy 4 anh em họ Lý đâu cả, chỉ thấy 4 đống mối lùm lùm dưới gốc mộc hương. Người dân thương xót 4 anh em nên dựng miếu thờ.
Thời Hùng Vương, Thục Phán An Dương Vương có ý đồ xâm chiếm nước Việt, nên kéo quân xuống vùng Quảng Ninh. Vua Hùng đã sai tướng Vương Văn Chi đem quân đi chống.
Ngôi tượng giống người Ấn Độ trong chùa và truyền thuyết về Linh Sơn tự khiến người dân tin rằng ngôi chùa này có từ trước Công nguyên |
Thấy sự lạ, ông cho dừng quân, ngủ lại ngôi đền này. Tam nam nhất nữ họ Lý đã báo mộng sẽ đi trước dẫn quân đánh trận. Quả đúng như giấc mơ, quân của Vương Văn Chi đánh đâu thắng đó, như chẻ tre. Quân Thục Phán bỏ chạy tán loạn.
Lúc quay về, Vương Văn Chi đã tụ họp dân trại quanh chân núi Phượng Hoàng và núi Rùa, kể lại sự tình và quyết định đốn hạ cây mộc hương, cắt làm 4 đoạn, tạc 4 pho tượng đặt trên núi để thờ.
Trong các sắc phong, thần phả, truyền thuyết, đều nói rằng, nơi thờ tam nam nhất nữ họ Lý, tiền có rồng đất (núi Rồng – giờ không rõ quả núi này đâu, có lẽ là một phần của dãy Phượng Hoàng - PV), hậu có hổ phục (núi Hổ Phục), tả có đan phượng hàm thư (chim phượng ngậm thư – núi Phượng Hoàng) và hữu có quy ẩn xà (con rắn quấn quanh con rùa – núi Rùa).
Cây tùng cổ tỏa bóng mát che chùa Linh Sơn, được cho rằng đã 700 tuổi |
Như vậy, liệu truyền thuyết này có liên quan gì đến pho tượng trong chùa Linh Sơn ở núi Phượng Hoàng? Liệu pho tượng này có phải được Vương Văn Chi đắp trùm lên cây mộc hương huyền thoại?
Cách đây chừng 20 năm, khi ông Trần Anh Nghĩa còn đương chức Chủ tịch UBND xã Chính Mỹ, đã được vinh dự đón Hòa thượng Kim Cương Tử (Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã mất năm 2001, thọ 88 tuổi) về thăm chùa Linh Sơn.
Sau khi nghiên cứu sắc phong, bia đá, mộ tháp, hòa thượng chỉ nói: “Ngôi chùa này đã có rất lâu đời”. Bản thân hòa thượng cũng không thể khẳng định chùa có từ khi nào. Nhưng trong cổ sử có ghi rằng, cha mẹ Lê Hoàn là người Thanh Hóa, vốn làm nghề đăng đó, đã về ngôi chùa này cầu và sinh vương.
Sau này, nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc cũng về nghiên cứu và cho rằng thời Đinh đã khôi phục lại ngôi chùa này, còn nó có từ khi nào thì không ai biết.
Trong tâm trí người dân Mỹ Cụ, trong các câu chuyện truyền miệng, thì ngôi chùa này có từ trước Công nguyên, khi Phật giáo bắt đầu truyền vào Việt Nam. Hiện trong ngôi chùa này vẫn còn thờ nhiều pho tượng giống người Ấn Độ.
Như vậy, cùng với truyền thuyết về cây mộc hương, pho tượng lạ và chứng tích còn lại, Linh Sơn tự là ngôi chùa được xếp vào hàng cổ nhất Việt Nam?
Nguyệt Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét