(Dân trí) - Thành Nam vốn nổi tiếng với 4 làng “Vị”: Vị Hoàng và Vị Xuyên với chuối ngự tiến vua, hoa quả để cúng tiến, Vị Lương với ẩm thực và Vị Khê với nghề cây cảnh “danh bất hư truyền”…
Làng Vị Khê (Điền Xá, Nam Trực, Nam Định) là một thôn nằm dọc bờ sông Hồng, đất đai màu mỡ, ruộng đồng phì nhiêu. Đây là một làng hoa, làng cây cảnh không chỉ nổi tiếng cả nước. Theo ngọc phả đình Vị Khê, nghề trồng hoa cây cảnh làng Vị Khê có từ thế kỷ XIII (1211) do Thái uý Tô Trung Tự truyền dạy.
Mỗi thế cây, dáng cây còn được tạo thếvới những vẻ đẹp khác nhau và mang một triết lý khác nhau
Với người Vị Khê, nghe tên gọi, ngắm thế cây, hiểu được phần nào triết lý nhân sinh của ông cha mình thuở trước, chuộng sự thanh cao (hạc lập), cương trực (trực siêu) cùng nếp sống gia đình hòa thuận, với tình cảm mẹ con ôm ấp thân thương (mẫu tử tương thân), với sự dìu dắt của người cha đối với con trai đang rụt rè dấn bước trên đường đời đầy chông gai, cạm bẫy (phụ tử tương tùy)...
Vị Khê, Điền Xá không chỉ là làng hoa mà còn là làng cây cảnh với đa, sung, lộc vừng, sanh, si, tùng, tùng La Hán...Với nhiều kiểu dáng thế cây phong phú, đa dạng như long thăng, long giáng, trực, trực quân tử, trực siêu, thế huyền, thế song phục, huynh đệ, mẫu tử tương thân, phụ tử tương tuỳ...
Mỗi thế cây, dáng cây còn được tạo thếvới những vẻ đẹp khác nhau và mang một triết lý khác nhau. Đối với cây thế Trực, phải phù hợp với những gia đình có cách sống trung thực, có trước, có sau. Bộ tứ quý là cầu mong cuộc sống 4 mùa đều ấm no đầy đủ. Bộ Ngũ phúc khẳng định gia đình có phúc hậu, có đức độ và con cháu thành đạt. Bộ huynh đệ đồng khoa là gia đình vinh hiển... Nhìn vào gia đình chơi bộ cây nào, khách đến chơi có thể hiểu được phần nào về gia đình đó. Nhưng thế cây còn là bài học để các cụ răn dạy con cháu ăn ở có lễ nghĩa, chuyên cần học tập và vươn tới một cuộc sống no đủ, hạnh phúc...
Những ngày cuối năm, về với làng hoa Vị Khê thấy bát ngát những vườn hoa, cây cảnh, cây thế chen nhau nối liền từ trong làng ra tới tận chân con đê đại hà
Những nghệ nhân cây cảnh ở Vị Khê bảo rằng, dù có tỉa, có uốn theo dáng nào đi nữa, với những triết lý thổi hồn vào từng thế cây, ông cha ta cũng luôn hướng đến chân - thiện - mỹ, cái gốc trường tồn của sự sống bao đời. Tâm hồn thanh khiết của bậc tiền nhân được lưu giữ trên mỗi góc vườn, nhành cây nhắc nhở con cháu về tính nhân văn của nghề truyền thống.
Để tạo được dáng cây, những nghệ nhân có khi phải dành cả cuộc đời với sự tỉ mỉ, kiên trì, uốn tỉa tạo dáng cho từng nhánh cây, chồi cây, có khi phải mấy năm mới hình thành một nhánh cây đẹp.
Những ngày cuối năm, về với làng hoa Vị Khê thấy bát ngát những vườn hoa, cây cảnh, cây thế chen nhau nối liền từ trong làng ra tới tận chân con đê đại hà. Ngay cả dưới chân đê phía bờ sông, là những thảm hoa đủ các màu rực rỡ.
Từ trên bờ sông Hồng nhìn xuống cả làng, nhà nào cũng trồng cây cảnh, cây thế
Vào thời gian này, du khách tới Vị Khê sẽ được đắm mình trong một không gian trong lành với cỏ cây hoa lá, được ngắm nhiều loại hoa quý hiếm của dân tộc cùng các loại hoa mới đang du nhập vào Việt Nam như lan tiêu, móng rồng, mộc hương, ngọc lan, dạ hợp, hoa nhài, phong lan, ngọc điểm, vanđa, hồ điệp, phi điệp, đuôi chồn và các loại hoa nghinh xuân như mai hồng, mai vàng, trà my, đỗ quyên, đào bích, đào phai nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán, rực rỡ trong nắng xuân, gợi lên sự sum họp đề huề, mang ước vọng cầu mong Phúc - Lộc - Thọ bất tận cho mọi nhà.
Từ trên bờ sông Hồng nhìn xuống cả làng, nhà nào cũng trồng cây cảnh, cây thế. Nhiều nhất là các loại cây: Sanh, Si, Tùng La Hán, Vạn Tuế, cau Vua... được uốn tỉa chăm sóc công phu thành các dáng, thế, ẩn chứa quan niệm triết học Phương Đông tạo nên sự kỳ thú hấp dẫn du khách.
Minh Phan (tổng hợp
Ngày cuối năm ở làng cây cảnh Vị Khê, Nam Định
Theo VTV)
Ngày cuối năm ở làng cây cảnh Vị Khê, Nam Định
Cùng ghé thăm Nam Trực (Nam Định) vào những ngày giáp Tết Bính Thân để tìm hiểu nghề trồng cây cảnh nổi tiếng nơi đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét