Thứ Hai, 13 tháng 1, 2014

Cuối tuần xuống Long An ăn trâu nhúng mẻ

Xưa, đến mùa lũ lụt hoặc dưỡng sức cho trâu ở tây Nam bộ, cánh mục đồng phải vất vả với những đợt len. Nay, dân sành ăn Sài thành cứ nổi cơn thèm thịt trâu là rủ nhau chạy ra Long An - tức thời.

.
 Cuối tuần xuống Long An ăn trâu nhúng mẻ 1
Thịt trâu ở Đức Lập Hạ rất tươi
Thật ra, ở quận Phú Nhuận, TP.HCM cũng có một quán bán các món trâu khá ngon: Tám Khuynh. Tuy vậy, ngoại thành có những trảng cỏ xanh, đồng lúa lắc lư, mấy con cò ruồi nhàn nhã cưỡi trâu... Khoảng không gian trinh nguyên đồng nội ấy, Sài Gòn không có!
Còn vùng Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa của tỉnh Long An, có một dãy khoảng 10 quán bán cơm trâu. Thoạt trông, một nhà thơ lão thành ngơ ngác hỏi: Trâu ở đây cũng ăn cơm à - sang vậy? Khác cơm heo chỗ nào?
Do cách nói rút gọn đến độ ngắn ngủn của dân Nam, mới dễ gây hiểu nhầm. Xin dịch lại cho rõ: Ở đây có bán cơm, ăn kèm nhiều món thịt trâu.
Cơm trâu vừa nói, sang cả hơn cơm heo nhiều. Bởi tô cơm thường nóng, mới đủ tư cách kèm cặp thực đơn trâu rất tươi. Tươi nhất chắc là cơm trâu lò mổ.
Chúng tôi gọi thử 2 món: lòng nhúng mẻ và lẩu “như ý”. Món nào cũng tươi hơn mong đợi. Mặc dù sát nách với nhiều cơ sở làm mắm chua cá đồng nhỏ (lia thia, tép rong, bảy trầu) của miệt Củ Chi, Tây Ninh nhưng quán lại dùng mắm nêm (nước cốt mắm cá cơm) làm thức chấm cho món đầu. Đặc biệt, miếng phèo giòn béo và nhỏ hơn đầu ngón tay út người lớn. Cùng tim, cật tươi còn đỏ hồng nên lúc chín thật ngọt bùi.
Cuối tuần xuống Long An ăn trâu nhúng mẻ 2
Cơm thịt trâu, món ngon quen thuộc ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An 
Cũng như, điểm khác biệt căn bản giữa thịt trâu với bò là lúc gặp nước sôi: “đứa” nở mày nở mặt, “thằng” teo tóp buồn hiu.
Có điều, những quán ở đây thường nêm bột ngọt và đường quá tay. Do vậy, bạn cần nhắc họ nêm ít thôi, nếu có dịp ghé lại.
Riêng món lẩu pín trâu nghé mùi vị cũng không khác mấy pín bò tơ. Mặc dù, ở đây toàn trâu thật. Và được biết, để đủ lượng trâu thịt cung cấp cho thị trường địa phương với TP.HCM, Tiền Giang..., những thương lái ở đây phải bôn ba sang tận Campuchia, Lào thu mua.
Đồng vọng một chút, thời “con trâu là đầu cơ nghiệp”, nhiều nông dân phía tây sông Hậu rất quý trọng. Bạc Liêu xưa còn có ngày Tết trâu, trùng với Tết thầy: Mùng 3 âm lịch, dịp đầu năm mới.
Nhà văn Phan Trung Nghĩa, chứng nhân, kể: “Người làng tôi đặt bàn hương án trước mũi đàn trâu rồi bày đủ hoa quả, thịt, bánh”. Mỗi con trâu được hưởng 2 đòn bánh tét, vài ly rượu đế và một bao giấy đỏ tiền lì xì. Tất nhiên, trâu không hề biết giá trị của tiền, còn mục đồng lại rất rành, nên họ được “hưởng sái” số tiền may mắn đó.
Mặc dù trâu đã hoàn thành sứ mạng lao khổ kéo cày, đem lại ấm no cho bao lớp người chân dính phèn. Song, trâu cũng không kịp ngơi nghỉ. Bởi, nhiều người còn mê dĩa trâu một nắng nướng vừa chín tới, sực thơm mùi sả, ớt... lăn nhẹ trong chén nước mắm me chua ngọt. Ngon chịu không nổi!
Cố lên nhé trâu!

Tạ Tri (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét