Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Đêm Đồng Văn thưởng thức cà phê phố cổ

Ngồi trong ngôi nhà cổ sắp bước sang tuổi 102, nhâm nhi tách cà phê nóng hổi và lắng nghe tiếng khèn Mông đủ để khiến người ta quên đi cái giá giữa cao nguyên đá Đồng Văn.
Trên con đường Hạnh Phúc những ngày cuối năm tấp nập từng đoàn xe đưa khách du lịch miền xuôi về cao nguyên đá Đồng Văn. Do cách thành phố Hà Giang 145 km với những cung đường đèo khúc khuỷu, nên gần như chiều tối du khách mới đến đặt chân đến được thị trấn Đồng Văn, sau hành trình Quản Bạ - Yên Minh, khám phá Dinh nhà họ Vương và chinh phục cột cờ Lũng Cú.
Vốn đã biết bao trùm cái lạnh cao nguyên khi thị trấn nằm trên độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, nhưng cái giá giữa mùa đông sau khi mặt trời khuất núi khiến nhiều người phải rùng mình e ngại. Chỉ trong chốc lát, bóng tối đổ ụp toàn thị trấn. Trên khắp các con đường, bóng người và xe thưa dần, thế vào đó là ánh sáng mờ ảo của những quán nướng ven đường quốc lộ.
Đồ nướng ở Đồng Văn không nhiều và đa dạng như Sapa, chỉ có thịt xiên, xúc xích và ngô, khoai nướng, nhưng lại vô cùng thu hút bởi những lò than hồng lửa, điều đặc biệt hấp dẫn với tiết trời 6 – 7 độ ở đây. Mỗi quán lác đác vài ba người khách, túm tụm quanh bếp, người nướng, người hơ tay sưởi ấm, tiếng cười nói rộn vang cả góc đường.
DSC-3052-JPG-3120-1388339125.jpg
Cà phê phố cổ như một điểm sáng trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Thị trấn Đồng Văn khá nhỏ, lại lọt thỏm giữa thung lũng bốn bề núi đá nên dạo một vòng là thuộc lòng các con đường. Khác với vẻ tĩnh lặng đoạn quốc lộ chạy qua thị trấn, khu phố cổ nằm ở bên trong lại có phần ồn ào và náo nhiệt hơn. Dưới ánh đèn vàng cao áp mờ sương, dãy nhà cổ nổi bật với những chiếc đèn lồng đỏ treo cao.
Khách du lịch theo đoàn buổi tối thường tập trung ở khu phố cổ này để giao lưu, đốt lửa trại, hát hò, những người đi đôi hay nhóm nhỏ lại chọn nơi đây để trò chuyện và cà phê. Hai dãy nhà cổ nằm vuông góc ngay sân trung tâm thị trấn là nơi ưa thích của những nhóm đi đông. Với kiến trúc đặc trưng của khu chợ xưa: cửa vòm ở hai bên hiên nhà cùng các cột chống và mái che, lại hướng mặt ra sân lớn nên những quán cà phê ở đây tạo không gian mở để giao lưu.
DSC-3030-JPG-2496-1388339126.jpg
Tiếng khèn trong đêm Đồng Văn.
Vào những ngày cuối tuần, khách du lịch ra vào cà phê nườm nượp. Người bên ngoài tổ chức trò chơi, hát tập thể, người trong quán có thể vừa nhâm nhi cà phê, vừa cổ vũ theo. Xen lẫn những bài hát Kinh rộn ràng là tiếng khèn réo rắt và điệu múa uyển chuyển của cô gái Lô Lô. Dù chẳng thể hiểu hết những ngôn từ bài hát hay giai điệu bản khèn, nhưng người ta vẫn cảm nhận được tình cảm gần gũi và ấm áp qua tiếng vỗ tay.
Với những người thích không gian trầm lắng sẽ chọn cho mình một góc quán Cà phê phố cổ. Được xây dựng từ năm 1912, tuy trải qua nhiều thăng trầm cùng khu phố cổ, nhưng ngôi nhà vẫn còn gần như nguyên vẹn. Cũng như nhiều ngôi nhà cổ khác ở Đồng Văn, ngôi nhà này mang dấu ấn kiến trúc giao thoa Việt – Hoa với kiến trúc hai tầng cùng hành lang và lan can gỗ.
DSC-3046-JPG-9370-1388339126.jpg
Không gian cà phê phố cổ.
Chỉ cách dãy nhà cổ phía trước mặt vài bước chân nhưng không gian bên trong quán Cà phê phố cổ hoàn toàn khác biệt, trầm mặc và vương màu hoài cổ. Tầng 1 là những bộ bàn ghế bằng tre đặt quanh các góc nhà, tầng 2 khu cà phê bệt, hướng nhìn thẳng ra khu phố cổ. Thứ ánh sáng chiếu rọi duy nhất ở đây phát ra từ những chiếc đèn lồng đỏ, kết hợp với màu gạch non chưa nung khiến không gian thêm phần bí ẩn.
Chọn cho mình một góc bàn có hướng nhìn ra khu cà phê phía trước để có một không gian riêng nhưng vẫn có thể hòa chung niềm vui đêm thị trấn. Trong hơi ấm của tách cà phê, người ta vẫn có thể cảm nhận cơn gió lùa qua từng ô cửa của ngôi nhà. Có tiếng người trò chuyện râm ran ở bàn bên cạnh, có tiếng khèn vọng lại từ xa, đêm phố cổ Đồng Văn quyến rũ người ta đến lạ.
Bài và ảnh: Vy An


Phố chợ Đồng Văn

PNO - Du ngoạn Hà Giang, mọi người thường nói nhiều về Cao nguyên đá Đồng Văn, mùa hoa tam giác mạch, cột cờ Lũng Cú và ruộng bậc thang Hoàng Su Phì...Với nhóm chúng tôi, dừng chân ở phố chợ Đồng Văn là khoảng thời gian lý thú với nhiều kỷ niệm đẹp về một thị trấn vùng cao lặng lẽ.
    Sau chuyến đi dài hơn 400km từ Hà Nội, đến tối mịt xe mới tới thị trấn Yên Minh. Sáng hôm sau, từ Yên Minh nhìn lên hướng Đồng Văn, bình minh ửng hồng trên chập chùng dãy núi đá cao ngất, hệt như một bức tranh sơn thủy cực kỳ hùng vĩ. Từ đây mới bắt đầu chuyến hành trình đường núi lạ lùng, hấp dẫn và nhiều đoạn không kém phần mạo hiểm.

    Từ Yên Minh nhìn lên phía Đồng Văn
    Bạn chắc đã quen với những đoạn đường đèo Tây Nguyên, những dãy núi miền Trung ven biển hoặc đường lên Sa Pa nhiều lúc mây giăng ngang đường. Cũng núi cũng đèo, nhưng chỉ ở cung đường lên Đồng Văn này, du khách mới thực sự choáng ngợp giữa vô vàn núi đá sừng sững, vô vàn đỉnh núi nhọn hoắt tiếp nối nhau. Đường xe chạy nhỏ xíu, len lỏi giữa vách đá và bờ vực có chỗ sâu hút cả ngàn mét. Thật khó quên tiếng máy xe rù rù chạy chậm lên cao suốt cung đường, nhiều đoạn ngoằn ngoèo khó đi, cả giờ chưa được 20km.
    Bao nỗi căng thẳng dọc đường chợt lắng xuống khi du khách đặt chân đến Đồng Văn. Lặng lẽ như nhiều phố nhỏ vùng cao phía Bắc, nhưng trung tâm thị trấn Đồng Văn có khu phố chợ xưa cũ, nhà lồng chợ, những ngôi nhà trong phố với mái ngói rêu phong có từ cả trăm năm nay.

    Mái ngói rêu phong phố chợ Đồng Văn
    Từ trên cao nhìn xuống, phố chợ Đồng Văn gợi nhớ bóng dáng phố cổ Hội An hoặc khu phố xưa Hà Nội. Nhưng điểm độc đáo là bóng dáng đó lại được thấy ở đây, một thị trấn vùng cao xa xôi tách biệt, vào những năm tháng ở thế kỷ trước càng heo hút, từ các thị trấn dưới xuôi phải đi cả tháng trời mới đến được đây.
    Ba khu nhà lồng chợ bố trí hình chữ U ôm lấy sân chợ, dưới mái ngói âm dương là hàng chục cột đá vững chắc. Hai đầu hồi mỗi nhà lồng là cửa cuốn vòng cũng bằng đá ám khói đen bóng. Khói của không biết bao nhiêu bếp nấu những chảo thắng cố sôi sục trong các phiên chợ xưa. Người Tày, người Mông từ các bản xa trên núi đá xuống chợ phiên mua bán, tụ hội. Quanh chợ, hai dãy phố cổ chạy vào sát chân núi. Dưới vách đá thẳng đứng, mái phố âm dương cao thấp những ngôi nhà hai tầng, ngày phiên chợ, ngày lễ thấy treo đèn lồng đỏ. Được biết từ cuối thế kỷ 19 khi chiếm đóng vùng này, người Pháp đã quy hoạch toàn bộ thị trấn trong đó có khu phố cổ còn lại đến nay.
    Cuối phố chợ có một căn nhà kiểu dinh thự cũ của người Mông, ba vòm cửa nổi bật trên màu gạch trần nâu đỏ nhạt, nay là quán Café Phố Cổ. Đi vào khoảng sân vuông bên trong chính giữa nhà, lên tầng gác ra hàng hiên trước, du khách thư thả ngồi xuống sàn gỗ bên ly café nóng giữa tiếng nói cười của đám bạn trẻ dã ngoại, ngắm nhìn toàn cảnh phố chợ. Chen giữa nhiều ngôi nhà đã xây mới, vẫn còn những ngôi nhà xưa, cửa gỗ, tường đất nện dày, mặt trước tầng trên có hàng lan can, cùng kiểu nhà người Hoa vùng Quảng Tây, Vân Nam bên kia biên giới.

    Nhà trong phố cổ

    Nhà cổ nền cao, bậc đá có từ đầu TK20
    Ẩm thực phố chợ Đồng Văn khá độc đáo. Du khách dễ dàng thưởng thức đặc sản vùng cao Hà Giang trong những quán ăn bình dân: gà đen H’Mong, trám kho cá suối, xôi ngũ sắc, cháo ấu tẩu. Một bữa cơm bình thường trong quán cũng có cách trình bày ngon mắt: canh măng chua, thịt heo quay chấm mắc mật, trái bí non luộc xắt ra như trái cam, xá xíu, đậu luộc, và thịt kho tàu xếp lớp như những múi bưởi. Du khách nâng ly rượu ngô khai vị để nhớ một lần gặp mặt trên thị trấn cao nguyên đá vùng cực Bắc.

    Bữa cơm Đồng Văn
    Đồng Văn luôn là điểm dừng chân để du khách từ đây đi thăm Cột cờ Lũng Cú hoặc cùng vượt lên đỉnh Mã Pí Lèng cheo leo trên đèo cao 1800m, cảnh quan hết sức hùng vĩ của Con đường Hạnh Phúc sang Mèo Vạc.
    Giữa phố chợ Đồng Văn, bạn có thể bắt gặp các cô gái dân tộc tươi cười, hồn nhiên mến khách, giúp du khách giữ lại kỷ niệm đẹp nơi phố chợ vùng cao xa xôi.
    Bài và ảnh: NGUYỄN VIỆT BẮC

    Ngồi uống cà phê trong ngôi nhà trăm năm tuổi

    Giữa không gian của đất trời, ngồi nhâm nhi một tách cà phê trong ngôi nhà cổ hơn trăm năm tuổi, khiến ta cảm thấy cuộc sống trở nên bình yên.
    Chúng tôi đi gần 450km lên thị trấn Đồng Văn tỉnh Hà Giang, vượt qua bao ngọn núi hùng vĩ, bao con đường ngoằn nghèo đầy hiểm nguy. Khi đã đến cuối của cuộc hành trình, được thư giãn trong căn nhà cổ hơn trăm tuổi đời, ngồi nhâm nhi tách cà phê trên thị trấn có độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển này, nhớ lại những cung đường hùng vĩ đã trải qua thì không còn gì tuyệt vời hơn.
    Quán cà phê nhìn từ bên ngoài. Căn nhà cổ hiện giờ là một quán cà phê nổi tiếng độc nhất vùng cao này.
    Là một ngôi nhà cổ hai tầng, cao to bề thế trong dãy phố cổ ở thị trấn Đồng Văn, trước đây, quán từng là nhà của một địa chủ họ Lương giàu có, có thế lực ở Đồng Văn khi xưa.
    Ngôi nhà được xây dựng chủ yếu bằng gạch, đá, ngói âm dương và đặc biệt là gỗ, với hoa văn trạm trổ cầu kì, tinh xảo khiến nhiều du khách phải ngỡ ngàng với lối kiến trúc mang đậm nét giao thoa giữa Việt – Hoa thế kỉ trước. Nếu ai đã từng ghé thăm dinh nhà cổ họ Vương thì sẽ nhận thấy nhiều sự tương đồng giữa hai ngôi nhà.
    Với mặt tiền rộng, quán nổi bật giữa ngã ba phố cổ là bức tường vàng được xây bằng gạch non, không qua nung, một kĩ thuật xây dựng của người Tày.
    Với màu vàng nghệ, quán nổi bật trong khu phố cổ.
    Khi vào trong nhà là khoảng sân lát đá làm nhiệm vụ chiếu sáng cho ngôi nhà. 4 phía của ngôi nhà gồm tầng 1 và tầng 2 được sử dụng để cho khách du lịch ngồi cà phê, là những chiếc bàn và ghế được làm bằng tre. Trên tầng còn có ban công nhìn xuống khu phố cổ.
    Căn nhà 2 tầng với hành lang bao quanh được sử dụng để làm chỗ ngồi cho khách.
    Ngoài ra gian trong còn được dùng làm phòng nghỉ cho các du khách muốn trải nghiệm cảm giác nghỉ qua đêm trong ngôi nhà cổ này. Ở các bức tường của tòa nhà còn được treo các loại nhạc cụ, cung tên của người dân tộc.
    Tường được xây bằng gạch non, treo các loại nhạc cụ và vũ khí của người dân tộc.
    Phóng to
    Không chỉ là nơi uống cà phê, quán còn là nơi dành cho các du khách đến thăm quan chụp ảnh.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét