Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

Gói bánh tét, một góc hồn quê Nam bộ

TTO - Chỉ riêng món bánh tét, tới chiều cuối năm bà con mới bắt đầu gói và nấu để kịp cúng giao thừa khiến cho không khí tết trở nên ấm cúng diệu kỳ.
Mỗi lần nghe gió bấc về xôn xao, ngoài đường mai vàng chớm nụ là tôi lại nhớ đến tết quê. Chính nơi đây, vào những ngày giáp tết, nhà nhà đều chuẩn bị làm bánh, nơi này quết bánh phồng, chỗ kia tráng bánh thật vui vẻ sum vầy.
Gói bánh tét nếp cẩm nhân đậu xanh
Bánh tét nếp cẩm nhân đậu - thịt
Trong ký ức xa vời của tôi, mỗi lần tiết trời se se lạnh là đầu trên xóm dưới đều hối hả đắp lò, bửa củi, chuẩn bị chuối, nếp, thịt mỡ và những đồ nghề để làm bánh, trong đó bánh phồng và bánh tét được coi là món bánh truyền thống của ngày tết phương Nam. Tưởng đâu “nồi bánh tét” sẽ mãi mãi chìm trong nỗi nhớ, nhưng gần đây, mỗi lần tết đến, phong trào gói bánh tét lại nổi lên rộn rã, nhất là tại các đình chùa và khu nhà tập thể.
Để chuẩn bị cho nồi bánh tét, trước hết mẹ tôi phải đi chọc lá chuối, chẻ lạt phơi khô. Kế đến là chọn nếp loại hảo hạng, thơm ngon và dẻo hột cùng với các nguyên liệu dùng làm nhưn như đậu xanh, chuối, dừa khô, thịt mỡ… Muốn cho đòn bánh no tròn, đều đặn, màu sắc đặc trưng, xẻ ra thơm phức, vừa ngon vừa dẻo, ngoại tôi tốn rất nhiều công phu từ khâu chọn nếp, xào nếp, nêm muối, trộn cơm dừa, xào nhưn cho tới cách gói, cách quấn dây sao cho nhuần nhuyễn, đặc biệt là trong suốt quá trình nấu phải giữ cho lửa cháy đều và luôn châm nước không được để cho nồi bị cạn.
Lúc tôi còn bé nhỏ, nhà tôi năm nào cũng chuẩn bị một nồi bánh tét thật to nên con cháu tụ hội về gói bánh thật đông đủ khiến cho không khí cuối năm trở nên ấm cúng lạ thường. Mẹ tôi lúc nào cũng tất bật giống như một “nhạc trưởng” chuyên lo xào nếp, ướp nhưn, còn các chị thì chuẩn bị lá, lạt để gói. Vậy mà thấm thoát giờ đây họ đã trở thành người muôn năm cũ. 
Do nhu cầu kinh tế phát triển và sự giao lưu hội nhập, nhiều bà con đã sáng tạo ra nhiều cách gói, nhiều loại nhưn để nâng cao chất lượng chiếc bánh. Có nơi gói bằng nếp trắng, đậu trắng, có nhưn hoặc không nhưn. Có nơi lại cầu kỳ gói bánh tét ba màu (màu nếp trắng, màu lá dứa và lá cẩm). Còn nhưn đậu thì lại chọn thêm nào tôm khô, lạp xưởng, giò heo bắc thảo, trứng, đậu phộng, nấm đông cô… cho thành thập cẩm. Tại một số nơi còn có những nghệ nhân tài hoa biết phối trí màu vào trong nếp và nhưn để khi cắt bánh ra chữ sẽ hiện lên thật ấn tượng. 
Bánh gói xong được cho vào một cái nồi thật lớn rồi bắc lên lò hoặc trên ba đầu ông táo, đổ nước xăm xắp nấu liên tục từ chiều cho tới nửa đêm mới vớt ra treo lên một cây đà ngang cho ráo nước, đòn nào cũng căng tỏa mùi nếp thơm quyến rũ. Gần đến giao thừa, cha tôi mới gỡ dây lạt đặt lên bàn thờ mỗi đĩa hai bánh để chuẩn bị cúng giao thừa. Bánh tét ngoài việc cúng ông bà còn được dùng để làm quà tết thầy, tết bạn bè, cơ quan và hàng xóm. 
Nếu như ở miền Bắc ngày tết phải có bánh chưng xanh thì miền Nam không thể thiếu bánh tét. Đó là loại bánh truyền thống có từ lâu đời mà tác giả Trịnh Hoài Đức đã ghi lại trong Gia Định thành thông chí: “Ngày tết ông cha ta uống rượu nếp than và ăn bánh tét”. Vừa là loại bánh cổ truyền, vừa biểu trưng cho tết phương Nam nên có người gọi bánh tét là bánh “hoàng hậu”.
Vớt bánh tét trước giờ giao thừa
Có người lý giải bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho âm tính là tinh hoa của đất. Bánh tét hình trụ, tròn, đầy đặn, tượng trưng cho dương tính, nói lên sự mạnh mẽ, kiên cường. Một đòn bánh tét tròn đầy bao giờ cũng hội đủ âm dương, ngũ hành, ngũ sắc. Thịt heo là dương. Đậu, nếp, lá chuối gói bánh là âm. Gói xong cột lại thành cặp tượng trưng cho sự tốt đẹp song toàn. Có thể nói ở đồng bằng sông Cửu Long, trước đây thôn nữ nào cũng biết gói bánh tét. Ngày giỗ, ngày tết, hội hè, đình đám bao giờ cũng có bánh tét và bánh ít. Bánh tét chưng trên bàn thờ, bày nơi mâm cỗ và bàn khách. Bánh tét còn theo nông dân ra đồng và nằm trong balô chiến sĩ. Ngày tết, bánh tét được coi như bánh tổ, bánh lễ, họp mặt cùng với mâm ngũ quả và đĩa trầu cau, hiện diện ở những nơi trang trọng và thành kính mỗi khi gia đình và đình làng có lễ lộc.
Nhiều sử liệu đã ghi lúc Nguyễn Huệ kéo quân thần tốc ra Thăng Long đại phá quân Thanh, đi đến đâu quân sĩ cũng được nhân dân trao tặng bánh tét, một loại lương thực giữ được lâu ngày. Có thể nói đó là một loại quân lương diệu kỳ góp phần cho cuộc chiến thắng.
Về nguồn gốc của bánh tét, có khá nhiều giả thuyết khác nhau, nhưng về tên gọi có thể nói câu chuyện cảm động và mang tính nhân văn sâu sắc nhất là chuyện một quân sĩ mời vua Quang Trung ăn bánh. Chuyện kể rằng có một quân sĩ được người nhà gởi cho một chiếc bánh giống như bánh tét hiện giờ. Trước khi ăn, anh ta trịnh trọng mời vua Quang Trung thưởng thức, vua ăn thấy ngon liền hỏi đây là bánh gì, do ai gởi đến... Anh lính trả lời:
- Dạ bánh này do vợ tôi tự gói gởi đến. Đây là thứ bánh làm bằng nếp và nhưn đậu xanh, hiện chưa có tên. Mỗi lần ăn vào tôi cảm thấy khỏe mạnh và thương nhớ vợ con vô vàn.
Vua Quang Trung nghe nói cảm động liền đặt tên cho đòn bánh là bánh tết vì đoàn quân đang tiến về Thăng Long trong dịp tết. Để tưởng nhớ chiến công hiển hách vào mùa xuân Kỷ Dậu, vua Quang Trung đã ra lệnh cho bà con hằng năm nên gói bánh tết để đón mừng năm mới. Do lâu ngày chữ “tết” đã đọc trại thành “tét”.
Từ nhỏ, tôi đã thích nhất là đêm ba mươi tết, trời lành lạnh được ngồi canh lửa bên nồi bánh tét nghe nước sôi ùng ục, tiếng củi nổ lép bép thật vui tai. Vui nhất là bạn bè kéo nhau đến quây quần để chuyện trò, đùa giỡn hoặc đốt pháo chuột nghe đì đẹt bên ngọn lửa bập bùng thật vô cùng ấm cúng. Chỉ có thế thôi mà sao tôi cứ nhớ, nhớ đến quay quắt không sao chịu nổi! 
Từ lâu lắm rồi tôi không còn được nghe tiếng quết bánh phồng thình thịch hoặc ngồi bên nồi bánh tét để canh lửa. Tất cả những thứ đó đã đi vào hồn, vào ký ức xa xăm đối với người dân Nam bộ. Trong vài thập kỷ trở lại đây, do nhu cầu kinh tế xã hội phát triển, thời gian nhàn rỗi cũng dần dần thu hẹp nên hầu hết bà con thích ra chợ chọn mua những chiếc bánh gói sẵn để khỏi phải tốn công tốn sức. 
Phần lớn công việc gói bánh chỉ dành cho người lớn tuổi, họ gói bánh với tấm lòng hoài cổ để hướng về cội nguồn. Trẻ con ngày nay hình như tỏ ra lạnh nhạt, vô tâm, không chút nặng lòng với những gì thuộc về hoài niệm, về quá khứ.
Đáng mừng là trong những năm gần đây, nhiều công ty, xí nghiệp đã kết hợp với ngành du lịch địa phương tổ chức các hội thi gói bánh tét và các loại bánh dân gian nhằm bảo tồn và phát huy bánh dân gian Nam bộ, đồng thời khơi dậy niềm tự hào và lòng say mê sáng tạo của các nghệ nhân, từ đó tôn vinh giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam, tạo cơ hội cho khách du lịch quốc tế và trong nước khám phá hương vị và giá trị thẩm mỹ của từng món bánh, đặc biệt là bánh tét.  
Tết nông thôn bây giờ thay đổi quá nhiều vì xã hội phát triển theo cơ chế mở khiến cho các giá trị văn hóa được đánh giá và sàng lọc lại, có cái còn cái mất. Việc gói bánh tét, bánh chưng hay làm bánh phồng bánh tráng giờ đây không còn nguyên ý nghĩa nguyên sơ của nó.
Văn hóa tết bây giờ cũng giống như một dòng sông, nước cũ cứ trôi trôi mãi để rồi đón nhận dòng nước mới và cái mới cái cũ chỉ hòa hợp nhau trong chừng mực nào mà thôi. Cuộc sống ngày càng khẩn trương, vội vã và chịu nhiều áp lực của công việc nên ít ai nghĩ đến nồi bánh tét. Các giá trị cũ và mới có cái không còn phù hợp vì đa số phụ nữ đều không còn thời giờ rỗi rảnh như ngày xưa để quan tâm đến nữ công gia chánh.  
Vậy mà không biết tại sao mỗi lần tết đến, mỗi lần nhìn thấy nồi bánh tét trên ngọn lửa hồng, trong tôi lại bừng lên một tình cảm thiết tha, một nỗi thèm - tiếc - nhớ và một sự rung động thầm kín về hồn quê trăm năm!
HOÀI VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét