Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Độc đáo Lễ hội "Ngăh Yang pơ dei kăm hau" của người Jrai A ráp


Trong cuộc sống tinh thần của người Tây Nguyên nói chung và các dân tộc thiểu số ở Sa Thầy nói riêng, lễ hội luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng. 

Le hoi viet Cùng với thời gian, lễ hội đồng hành, lưu truyền qua bao thế hệ, góp phần tạo nên bản sắc văn hoá độc đáo của mỗi dân tộc trên địa bàn.
"Ngăh Yang pơ dei kăm hau" là lễ hội cúng Yàng trước khi đưa lúa về kho của người Jrai A ráp. Vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm, khi những bông lúa ngoài rẫy sắp bước vào kỳ chín rộ, già làng liền triệu tập một cuộc họp gồm những người có trách nhiệm, bàn bạc công việc chuẩn bị cho lễ hội.
Tuỳ thuộc vào tín hiệu mùa màng mà quyết định quy mô tổ chức. Sau khi đã thống nhất về thời gian, mức đóng góp của các chủ hộ, già làng với vai trò là tổng chỉ huy, phân công các thành viên thực hiện những công việc cụ thể như mua trâu, dê, heo, gà làm vật hiến tế, chặt cây dựng nêu.v.v..Không khí chuẩn bị nhanh chóng lan toả, tất bật trong mỗi gia đình.
Thông thường, thời gian tiến hành lễ hội được tổ chức trong 3 ngày. Ngày đầu tiên, mọi người tập trung làm cây nêu. Từng nhóm nghệ nhân chịu trách nhiệm mỗi công việc một cách trôi chảy, thành thạo. Già làng chọn vị trí để tốp thanh niên đào hố, cắt máu gà đổ xuống, thắp lửa khấn Yàng rồi dựng cây nêu.
Sau đó trâu được dắt về, cột vào thòng lọng kết bằng dây mây vô cùng chắc chắn. Ngay lúc này, một con heo nhỏ được hiến sinh lấy máu quết vào cây nêu. Đêm hôm đó, cả làng không ngủ mà thực hiện lễ thức góp gạo thiêng. Một ban đại diện đốt đuốc đi đến từng nhà, chủ hộ lấy một nắm gạo thơm góp vào gùi chung của làng để đưa về nhà rông.
Ngày thứ hai mới thực sự là chính lễ. Khi mặt trời vừa thức, cồng chiêng vang lên. Âm thanh rộn rã của chiêng bằng, chiêng núm vọng vào vách núi, trầm bổng lan toả trong không gian như báo với thần linh dân làng bắt đầu hành lễ. Già làng trong trang phục truyền thống, vai mang kiếm, tiến hành các nghi thức rắc gạo thiêng, dâng rượu thiêng, khấn Yàng và nhảy múa rồi chém nhẹ vào mình trâu. Gọi là chém vì người Jrai A ráp chỉ đâm trâu khi mừng chiến công, mừng chiến thắng.
Tiếng cồng chiêng vang lên rộn rã, trầm hùng. Vòng xoang bắt đầu hình thành rộng dần, nhiều lớp dần. Trâu được tốp thanh niên lực lưỡng quật ngã, cắt lấy máu, treo đầu và đuôi lên cây nêu. Lúc này bên trong nhà rông đã chuẩn bị sẵn hai ghè rượu thiêng, giá trị mỗi ghè lên đến vài chục con trâu. Cùng với rượu, một ít tim, gan trâu được bỏ vào vật dụng đan bằng cây lồ ô tươi, kết hoa văn vô cùng tinh tế để dâng lên Yàng.
Già làng tiếp tục chủ trì nghi lễ, với lời khấn đại ý cảm ơn Yàng đã cho mưa, nắng thuận hoà, cây lúa không bị con heo, con nai, con chuột rừng phá hoại. Nghi lễ này chỉ có già làng và những người uy tín, dân làng kính trọng mới được tham gia. Mọi người vừa lầm rầm khấn cầu, vừa chấm ngón tay vào ghè rượu thiêng rồi đưa lên miệng ngậm. Tiếp đến là lễ thức nắm dây, một thủ tục tâm linh vô cùng độc đáo gọi là Hrế Prang được tiến hành.
Sợi dây cột từ cổ ghè rượu thiêng, dòng xuống bên dưới nhà rông, dân làng nắm vào đó tạo thành dòng người tiếp nối dài ra mãi. Theo quan niệm, sợi dây là mối liên hệ giao cảm giữa con người với thần linh. Khi nắm dây, những mong muốn của mỗi người sẽ được thần linh chấp nhận giúp đỡ. Nắm dây còn biểu hiện tính cộng đồng rất cao, mang ý nghĩa gắn kết mọi thành viên trong làng như một khối thống nhất.
Phần nghi lễ đến lúc này coi như đã hoàn tất. Mọi người bắt tay vào chia thịt cho các hộ. Đồng thời từ các hướng, dân làng cõng rượu đến góp để chuẩn bị cho phần hội thâu đêm. Những ghè rượu cứ nối tiếp nhau thành hàng, thành lối. Chủ ghè vồn vã mời khách hết căn này đến căn khác, khách phải uống cho thật say mới thực tình. Khi đã chuếnh choáng hơi men, cũng là lúc những điệu hát giao duyên bắt đầu cất lên, cùng những ánh mắt đắm say, tình tứ.
Ngày thứ ba chỉ mang tính nội bộ. Già làng và những người có trách nhiệm xem xét những cái được và chưa được về lễ hội vừa tổ chức để rút kinh nghiệm. Tiếp tục ăn đầu trâu, uống rượu, bàn việc thu hoạch lúa đại trà sao cho nhanh gọn, tránh thất thoát. Trồng cây Pơ lang, một nhánh nhỏ như cây gậy nằm giữa các cột "Gưng". Đây là loại cây có sức sống mãnh liệt, tượng trưng cho sức mạnh của cộng đồng và kết thúc bằng việc treo xương đầu trâu lên mái nhà rông.
Lễ hội "Ngăh Yang pơ dei kăm hau" thực chất là một cách thể hiện văn hoá ứng xử của con người với thần linh. Nó xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất vốn phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Theo cách nghĩ của người Jrai A ráp, nhờ có Yàng che chở, phù hộ nên thóc lúa mới đầy kho. Vì vậy tổ chức lễ hội là để tỏ lòng biết ơn, là hành động trả nghĩa đối với thần linh.
Đồng thời thông qua lễ hội, là dịp để từng thành viên trong cộng đồng làng nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi của mình. Biểu hiện rõ nhất trong lễ thức nắm dây, ai không tự nguyện tham gia, có nghĩa người đó tự tách ra khỏi cộng đồng. Lễ hội còn là môi trường nhằm thoả mãn nhu cầu được giao lưu của con người, sau những tháng ngày lao động miệt mài vất vả.
Trải qua bao đời nay, mặc dù chịu nhiều tác động của môi trường xã hội, thiên nhiên...nhưng lễ hội "Ngăh Yang pơ dei kăm hau" vẫn được người Jrai A ráp lưu giữ, khẳng định sức sống mãnh liệt trong cuộc sống tinh thần của cộng đồng. Ở lễ hội này, yếu tố duy tâm giống như một lớp bụi mờ, phía sau nó lấp lánh những giá trị văn hoá vượt ngưỡng tâm linh.

Cinet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét