Cần tiến cử một món thắm tinh thần tương thân tương ái lại rẻ tiền, đậm chất Nam bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng - chỉ có thể là bì cuốn.
.
Một số thổ địa ở TP. Mỹ Tho, Tiền Giang và TP.Tuy Hòa, Phú Yên bực bội nói rằng, họ ghét nhất 2 từ: bình dân, ở TP.HCM. Nào là: cơm, hủ tíu, buffet... trưng bảng bình dân, nhưng giá cao mỏi cổ. Và họ từng làm nai tơ!
Bởi không có góc nhìn thân nhân, nên họ chưa phát hiện ra Hòn ngọc Viễn Đông rất đỗi dễ thương. Hầu như hàng quán ở đây thay phiên túc trực phục vụ thực khách 24/24. Ai có nhu cầu vào những giờ tréo ngoe như: 0 - 2h giờ đêm, 2 - 3h giờ sáng vẫn có cơm tấm ma hoặc phở xe lửa giá vừa phải, nổi lửa chờ đợi. Hoặc lỡ cữ, tầm 14h30 - 15h30 chiều, danh sách món ngon thêm dài dằng dặc.
Thường là những món ăn nhẹ, để đến tối người ta không bỏ mâm cơm thân thương gia đình và cũng không sợ nở eo. Đơn cử với món bì cuốn. Nó thật tiện lợi, với các em học sinh túi tiền khiêm tốn, quý bà cần nhiều rau xanh cho đẹp da cũng như thỏa nhu cầu... tám chuyện, hay dùng làm mồi nhẹ dằn bụng cốt để lai rai cho quý ông.
Công bằng mà nói, nguyên liệu làm món này không khó tìm và không hề đắt đỏ. Thế nhưng, để có những cuốn bì ưng ý không hề dễ. Tất cả, đòi hỏi sự dụng công, khéo léo lẫn tinh tế của người làm.
Tuy vậy, phần đông dân Sài Gòn thường than bận rộn, đôi khi lười vào bếp. Bù lại, có những quán chuyên cuốn, tận tình mở cửa.
Những ai từng thưởng thức dĩa bì cuốn Mỹ Liên nổi tiếng từ trước 1975, gần chợ Búng, phường An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương có thể sẽ phát hiện thêm một đối trọng nặng ký khác: cuốn bì ở quán 24 đường Nguyễn Văn Mai, P.8, Q.3,TP.HCM.
Mỗi nơi mỗi vẻ. Tuy nhiên, xét tổng thể thì quán đầu có chén nước mắm pha ngã màu vàng mỡ gà với vị ngọt thanh dịu - chua nhẹ và thơm hơn.
Song, nói về tỷ lệ hài hòa giữa rau mùi (xà lách, dấp cá, tía tô) với bì, thịt cũng như độ dè dặt thì quán sau trội hơn. Khéo đến độ, cứ cắn vào, dân sành ăn cảm thấy bố cục cuốn bì thật hợp lý. Rau mỗi loại chỉ một lá xếp chồng lên nhau, nhỏ trước lớn sau. Vừa đủ thoảng hương vị cay the, giòn mát. Bánh tráng “áo” ngoài rất dẻo, không nghe mùi chua của bột gạo ngâm qua đêm. Còn bì, thịt heo, thính đều tươi mới. Cho nên, khi tất cả cùng quấn quýt rồi ngụp lặn trong chén nước mắm đỏ hồng, nhiều thượng đế liền mê say với dư vị ngọt bùi, chua cay dìu dặt.
Được biết, quán vận hành theo mô hình gia đình, đã đến đời thứ 3.
Một người bạn gần 60 tuổi, ở quận Phú Nhuận, TP. HCM, tình nguyện làm khách quen ở đây thời mới tập yêu. Nay, anh đã lên chức ông ngoại vẫn thường lui tới. Trước quán chỉ có một tầng, hiện đã lên 3 tầng.
Mới biết, khách thì ăn chơi còn chủ quán lại ăn thiệt!
Tạ Tri (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét