Mùa mưa về cũng là mùa của những con sùng tre hóa kiếp thành bướm. Tôi lại nhớ đến món ơm pờ rèng của người Pa Cô, ở vùng cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế). Món ăn đã khiến bất cứ ai rùng mình khi thấy nhưng ngây ngất khi ăn.
Ơm pờ rèng
Đến mùa đông, mỗi lần lên rẫy, người Pa Cô lại đi tìm sùng tre về chế biến món ơm pờ rèng - Ảnh: Tuyết Khoa |
Người Pa Cô kể lại rằng, ngày xưa, có đôi nam nữ người Pa Cô yêu nhau, nhưng họ bị gia đình ngăn cấm vì sợ cận huyết thống. Đôi nam nữ đành bỏ bản làng và trốn vào rừng sâu nguyện thề trọn kiếp bên nhau.
Rừng thiêng nước độc, đôi trai gái chỉ biết lấy cây lồ ô làm bạn, cây cỏ làm thức ăn qua ngày.
Một hôm, khi đôi trai gái đang ngồi bên lũy tre lồ ô ven suối, một cụ già đi ngang qua, thương tình cụ đã chỉ cách bắt con sùng tre, sống trong thân cây tre lồ ô rồi nướng lên để ăn.
Từ đó, con cháu người Pa Cô mới biết đến món ăn này và gọi tên theo tiếng Pa Cô là ơm pờ rèng.
Dẫn tôi vào rừng lồ ô ở xã Hồng Kim, nơi cộng đồng người Pa Cô cư trú đông nhất tại vùng cao A Lưới, chị Hồ Thị Môn và chị Hồ Thị Nga vừa đi vừa tự hào nói về món ơm pờ rèng của quê hương đầy lôi cuốn.
Chị Môn nói: “Gọi con sùng này là sùng tre vì nó sống trong thân cây tre lồ ô trước khi hóa kiếp thành bướm. Sùng tre chỉ có vào mùa đông, đoạn từ tháng 10 âm lịch đến ra giêng. Người Pa Cô quý món này lắm, chỉ có khách quý hay con rể mới được ưu ái tiếp đãi để tỏ lòng quý mến”.
Nhìn rừng cây lồ ô xanh ngắt, nếu không phải là người bản xứ thì khó có thể nhận biết cây nào có sùng đang sống. Chị Môn, tay chỉ vào thân một cây lồ ô vừa nói: “Sùng thường ở những thân cây lồ ô non, đó là những cây măng già đang chuyển thành tre, hoặc vừa mới chuyển thành tre. Bởi lúc này, lồ ô mềm, nhiều chất dinh dưỡng, là nơi cư trú lý tưởng của sùng. Điểm dễ nhận biết là những cây lồ ô có sùng ở thường có những nốt chấm bên ngoài. Cây nào bị sùng sống nhiều quá thường bị còi, ốm yếu và hơi khô”.
Chị Môn kể thêm, đến mùa đông, mỗi lần lên rẫy, người dân ở đây lại khoái đi tìm sùng tre về nướng ăn. Nhiều người kéo nhau lên rừng lồ ô kiếm sùng tre về chợ bán.
Không chỉ người Pa Cô yêu thích món này mà nó còn trở thành đặc sản vùng cao A Lưới, được khách thập phương đặc biệt ưa thích. Nhìn vẻ ái ngại của tôi, chị nhấn mạnh: “Cứ ăn thử một lần xem. Ăn là mê luôn đó. Về xuôi không có món này đâu. Nhiều người đã nếm thử và đều tấm tắc khen ngon”.
Ăn là ghiền!
Quan sát một khóm lồ ô xanh tốt, chị Nga dùng rựa chặt một thân cây măng lồ ô đang cố gắng thoát hình thành tre. Nhanh thoăn thoắt, chị dùng rựa khoét từng đốt cây. Từ những lỗ đó, từng đàn sùng tre từ từ bò ra, trắng và no tròn.
Chị Nga dùng một đốt cây lồ ô khác để đựng sùng. Chỉ một lúc, chị đã nhanh chóng lấy được một ống sùng tre. “Bây giờ chỉ cần xuống suối rửa sạch rồi bỏ một ít muối, tiêu rừng, ớt rừng và vài củ kiệu vào ống lắc đều với sùng. Lấy một nắm lá cây rừng làm nùi đậy kín. Sau đó nướng lên khoảng 20 - 30 phút là chín”, chị Nga nói.
Nhặt vài nhánh cây khô ven suối, chị Nga nhanh chóng nhóm một đống lửa rồi lăn đều ống tre lồ ô trên lửa hồng. Thỉnh thoảng chị lại lắc nhẹ để sùng chín đều. Theo chị Nga, khi nào nghe mùi thơm thơm, ống lồ ô cháy hơi đượm vàng là chín. Nướng chín quá sẽ không ngon vì sùng sẽ teo lại, không bùi và không béo.
Người Pa Cô chỉ cần ngửi mùi thơm từ nắp nùi là biết sùng đã chín hay còn sống mà không cần canh thời gian. “Người đồng bào thích món nướng lắm. Ngày xưa, mỗi lần lên rẫy mùa này, người dân ở đây thường đem đi một nắm gạo. Đến bữa trưa, chỉ cần bỏ gạo vào nồi hoặc ống tre nấu lên. Còn thức ăn thì đi kiếm sùng tre và cá về nướng. Thức ăn rừng vừa ngon, vừa bổ, không cần thuốc thang gì nhưng vẫn qua cái rét của đất trời. Nhiều ngày lễ tết, vui chơi, tụ họp bạn bè, trai gái thường ngồi với nhau bên bếp lửa, uống rượu cần và cùng nướng ơm pờ rèng”, người phụ nữ này kể.
Mùi sùng tre quyện với gia vị bắt đầu chín, thơm phức cả bờ suối, khiến bụng ai cũng cồn cào. Chị Nga nói, nếu hên gặp cây lồ ô nhiều sùng, ăn không hết thì cũng có thể để tuần sau ăn vẫn được. Chỉ cần cho sùng vào ống tre, lấy lá rừng làm nùi đậy, cho vào đó một vài lát măng rồi đem ngâm dưới suối. Ngày mai, ngày mốt hay cả tuần sau vẫn tươi ngon.
“Nhiều người ban đầu nhìn thấy sợ không dám ăn nhưng ăn được thì ghiền luôn. Làm rẫy cả buổi, nhóm lửa lên rồi xuống suối lấy sùng tre lên nướng ăn là sướng nhất, khỏe nhất. Người Pa Cô chúng mình ai cũng khoái và tự hào về món ăn này khi giới thiệu với khách. Mỗi khi có khách quý, mình mới đi kiếm món này về đãi”, chị Nga chia sẻ.
Sùng vừa chín, chị Nga và chị Môn đổ sùng ra trên ngọn lá chuối rừng. Mùi tiêu rừng quyện cùng mùi thịt nướng ống hấp dẫn lạ lùng. Cắn một miếng nghe bùi bùi, bở bở, béo béo, thơm thơm thật khó cưỡng.
Tuyết Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét