Bánh beng, một loại bánh vừa đơn giản vừa lạ kỳ của người dân vùng cao ở Quảng Trị.
Ai đó từng bảo với tôi rằng, ở trong nhà người Pa Kô, Vân Kiều mà không có bếp lửa thì cũng giống như ngày lễ trọng mà không có bánh beng. Nói vậy để biết, thứ bánh có cái tên ngồ ngộ ấy rất đỗi gần gũi trong đời sống của người vùng cao Quảng Trị.
Ký ức của người Pa Kô, Vân Kiều không mấy khi được đủ đầy, nói gì việc thừa mứa. Cái ăn luôn là câu hỏi muôn thưở trong khối óc và bàn tay của họ. Nên hơn ai hết người Pa Kô, Vân Kiều rất biết quý trọng lúa gạo, họ còn tôn thờ hạt lúa như một đấng linh thiêng.
Và bánh beng được làm nên từ những hạt ngọc trắng ngần ấy. Ngoài phần lá, dây buộc, bánh beng chỉ có vậy mà thôi. Không lạ sao khi “chỉ có vậy” mà bao người vẫn mê, vẫn ăn, vẫn quý như thể đó là “bào ngư, vi cá”?
Bánh beng chỉ xuất hiện ở những ngày có việc trọng. Là ngày tết hay ngày lễ của làng, của bản (lễ mừng lúa mới, lễ ariêu ping...) hoặc ngày có việc lớn của gia đình (đám cưới, đám ma, vào nhà mới...). Vậy nên, chị Kô Kăn Sương, một người phụ nữ Pa Kô xinh đẹp nhắc rằng: “Muốn ăn phải “hò hẹn” trước, chứ đùng đùng lên thì chỉ vác bụng rỗng mà về”.
Cuối cùng thì tôi cũng “bật mí” được bánh beng nhờ mấy già làng ở xã Tà Rụt (H.Đakrông). Nguyên liệu để làm bánh quả rất giản đơn như lời đồn, chỉ gồm nếp, lá chuối hoặc lá dong để làm vỏ và vài sợt lạt (thân cây tre chẻ nhỏ) để buộc. “Vì thế nên yêu cầu chất lượng nếp phải ngon. Đó phải là nếp mới, được sảy sàng kỹ...”, già Vỗ Kiều ở thôn Tà Rụt 2 chép miệng.
Khi “đóng gói” xong, bánh beng có hình dạng như “anh em” với bánh đòn của người miền xuôi nhưng chỉ nhỏ bằng 2 ngón tay. Chúng cũng không có nhân mà chỉ là nếp đặc.
Biết ăn thì biết làm
Theo những người lớn ở bản Pa Nho (thị trấn Khe Sanh, H.Hướng Hóa), ngày trước việc làm bánh chỉ là việc dành cho đàn bà nhưng về sau thì “nam nữ bình quyền”. Ai cũng có thể làm bánh beng cho mình và cho mọi người.
Hồ Tà Kưm, một thiếu niên ở bản Pa Nho, giảng giải nếp làm bánh không cần ngâm nước mà cứ thế đổ vào khuôn làm bằng gỗ đẽo tròn. Công đoạn lần lượt đổ nếp vào lá chuối (hoặc lá dong) cuộn tròn rồi dùng lạt buộc hai đầu và thân. Một cái bánh beng đạt chuẩn khi dài chừng 40 đến 50 cm, nếp được ép sát, cân đối 2 đầu, dây lạt chặt, sau đó cho vào nồi và luộc chín.
Bánh beng ngon nhất khi vẫn đang còn nóng nhưng cũng có người thích bánh beng khi đã lên mâm, dù nguội như lại dai hơn. Nên câu hỏi liệu rằng một ngày nào đó bánh beng sẽ “mất” sẽ chẳng cần trả lời bởi theo cái lý giản tiện của người vùng cao thì: “Còn thích ăn thì còn thích làm, mà đã làm rồi sẽ có ăn thôi mà...”.
Theo Thanh niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét