Theo Lao động
“Không thể tin được đó là sự thật”, “Địa đạo quá thú vị, làm sao con người có thể sinh sống ở đây suốt 7 năm”… khách tham quan thường thốt lên như vậy khi đến với địa đạo Vịnh Mốc.
Với tổng chiều dài 1,7km nằm sâu dưới lòng đất, địa đạo ở thôn Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) trở thành nơi “thú vị và đáng kinh ngạc” với du khách trong nước và quốc tế. Địa đạo được xây dựng trong những năm chiến tranh ác liệt khi huyện Vĩnh Linh được chọn làm ranh giới quân sự tạm thời chia cắt hai miền Bắc - Nam. Mảnh đất nhỏ này đã phải gánh chịu hàng loạt bom đạn từ trên không dội xuống, từ hạm đội tàu ngoài biển đông bắn vào và hàng rào M.c Namara liên tục nhả đạn. Vĩnh Linh trở thành mảnh đất chết, sự sống bị hủy diệt, xóm làng trở thành bình địa.
Trong khó khăn, người dân ở đây đã đào hầm sâu xuống lòng đất, dựa vào lòng đất để tồn tại. Địa đạo Vịnh Mốc có tất cả 13 cửa ra vào với cấu trúc phức tạp, trở thành nơi trú ẩn hiệu quả trước sức mạnh của không quân Mỹ, cao điểm có thể chứa đến 600 người vừa lao động, sản xuất và chiến đấu. Khi hòa bình lập lại, địa đạo trở thành điểm du lịch khu phi quân sự. Đầu tháng 1 này, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh đã được Chính phủ xếp hạng di tíchquốc gia đặc biệt.
“Không thể tin được đó là sự thật”; “Địa đạo quá thú vị, làm sao con người có thể sinh sống ở đây suốt 7 năm”… khách tham quan thường thốt lên như vậy khi đến với địa đạo Vịnh Mốc.
Địa đạo khởi thủy từ những hệ thống hầm lán, giao thông hào và các tiểu đạo phân bố khắp huyện Vĩnh Linh.
Hàng ngàn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đã đến tham quan di tích.
Phòng bảo tàng trưng bày những hiện vật liên quan đến địa đạo Vịnh Mốc.
Lối vào địa đạo.
Bên trong có đầy đủ giếng nước, nhà vệ sinh, căn hộ từng là nơi sinh hoạt của quân dân ta trong những năm khốc liệt của chiến tranh.
Cậu bé Idan (SN 2001, quốc tịch Hà Lan, áo trắng) băn khoăn và đặt câu hỏi với những người trong đoàn rằng vì sao em bé lại chọn sinh ra ở đây mà không phải mặt đất.
Địa đạo Vịnh Mốc – huyền thoại trong lòng đất
VOV.VN - Địa đạo Vịnh Mốc là một di tích tiêu biểu của hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Vĩnh Linh là huyện phía bắc tỉnh Quảng Trị, bị chia cắt làm đôi bởi vĩ tuyến 17 theo Hiệp định Geneva năm 1954. Từ năm 1965, đế quốc Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại ở miền bắc Việt năm bằng không lực, thì mảnh đất Vĩnh Linh phía bắc sông Bến Hải trở thành túi bom, tuyến lửa của cuộc chiến. Trong khoảng thời gian trước khi Quảng Trị được giải phóng, từ 1965 đến 1972, mảnh đất chưa đầy 820 km2 của Vĩnh Linh phải chịu hơn nửa triệu tấn bom đạn, tính trung bình mỗi người dân phải chịu 7 tấn.
Hệ thống làng hầm - địa đạo Vĩnh Linh đã ra đời để người dân sống và chiến đấu trong hoàn cảnh mưa bom bão đạn. Hệ thống làng hầm này hình thành và phát triển ở khắp địa phương và Vịnh Mốc là tiêu biểu nhất.
Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch) là một làng quê nằm trên một khu đồi đất đỏ sát bờ biển, cách thị trấn Hồ Xá của huyện Vĩnh Linh khoảng 14km về phía đông, cách Cửa Tùng 6km về phía bắc. Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, Vịnh Mốc là tiền đồn của miền bắc và cũng là điểm tập trung chi viện cho đảo Cồn Cỏ, hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng trong việc án giữ vùng biển Vĩnh Linh.
Giếng thông khí cho địa đạo. Đây cũng là nơi vận chuyển đất ra trong quá trình đào.
Hệ thống địa đạo Vịnh Mốc được xây dựng trong khoảng 2 năm, từ năm 1965 đến 1967. Đây là một hệ thống hầm ngầm sâu trong lòng đất. Địa đạo Vịnh Mốc gồm 3 địa đạo chính nối thông với nhau thành một hệ thống liên hoàn với tổng chiều dài trên 1700m. Địa đạo được cấu trúc 3 tầng, trong đó tầng trên cùng sâu 8-10m, tầng thứ 2 sâu 12-15m, tầng thứ ba sâu 23m; các tầng này và các nhánh được kết nối với nhau qua trục chính dài 780m. Trong địa đạo có không gian sinh sống của người dân, kho vận vũ khí đạn dược - lương thực, cơ quan của Đảng và chính quyền, quân sự, các công trình công cộng (hội trường, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, trạm thông tin...). Toàn bộ hệ thống có 13 cửa ra vào (7 cửa thông ra biển, 6 cửa đi lên đồi).
Đây là công trình được tạo dựng bằng sức lực và trí tuệ của quân và dân Vịnh Mốc, với 18.000 ngày công. Trong mưa bom bão đạn họ đã đào và vận chuyển 6000m3 đất đá để hoàn thành nên công trình kỳ vĩ và đặc biệt này.
Địa đạo đã chở che, bảo toàn mạng sống cho người dân Vịnh Mốc. Hơn thế, người dân nơi đây còn sống và chiến đấu, đánh giặc ngay trên quê hương của mình; tập kết vận chuyển vũ khí lương thực, cấp cứu thương binh, chi viện cho đảo Cồn Cỏ... Trong suốt thời gian tồn tại trong lòng địa đạo, người dân Vịnh Mốc không một ai bị thương và 17 em bé đã chào đời...
Trong gần 2000 ngày đêm trong lòng địa đạo, quân và dân Vịnh Mốc nói riêng cũng như Vĩnh Linh đã tạo nên một huyền thoại. Đó là huyền thoại về sức sống kỳ diệu và ý chí quả cảm của con người.
Làng địa đạo Vịnh Mốc đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương 2 lần anh hùng LLVTND. Năm 1976, Bộ Văn hóa-Thông tin đã công nhận Làng địa đạo Vĩnh Mốc là di tích Quốc gia và đưa vào danh mục các di tích đặc biệt quan trọng.
Tháng 3/2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tập hợp tư liệu lịch sử, khoa học để lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc.
Hiện địa đạo Vịnh Mốc là địa danh ngày càng thu hút du khách trong nước và nước ngoài khi đến thăm Quảng Trị./.
Vịnh Mốc là một làng quê nằm trên một khu đồi đất đỏ sát bờ biển
Trong chiến tranh, nơi đây là túi bom, tuyến lửa.
Một căn hầm chữ A.
Một cửa vào hệ thống địa đạo từ phía đồi. Địa đạo Vịnh Mốc có chiều tổng dài hơn 1700m với 3 tầng.
Lối vào địa đạo rất nhỏ. Ở trong này không có ánh sáng mặt trời.
“Căn hộ” của một gia đình trong lòng địa đạo với diện tích khoảng 1,5m2.
Hầm để vũ khí.
Giếng nước sinh hoạt. Địa đạo Vịnh Mốc có 3 giếng nước.
Đây là "hội trường" có thể chứa được hàng chục người
Hầm tránh bom khoan.
Một cửa hầm mở ra phía biển. Đây cũng là hướng tiếp tế chi viện cho đảo Cồn Cỏ.
Chiếc kẻng báo động làm từ vỏ bom Mỹ.
Phù điêu “Tồn tại hay không tồn tại” mô tả cuộc sống ở Vịnh Mốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét