(iHay) Chẳng hiểu sao các món vịt ngon lại lên ngôi quanh chợ Lái Thiêu. Trong đó, đáng nể là một loại lẩu vịt mới, tinh tươm trong một tiệm mì người Hoa.
Nghe đồn, ông chủ tiệm gần cây xăng số 4 này có trong tay đến vài ba lò gốm, nên chuyện cơm - áo - gạo tiền trở nên nhỏ hơn con thỏ đối với ông. Và ông, có một đam mê khó cưỡng: thưởng thức - phối chế món ngon. Vì lẽ đó, ông mới mở tiệm mì, nhưng bán đủ loại cơm tây, tàu, hủ tíu cá...
Và quả thật, ông bà ta từng nói: “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, không sai chạy chút nào. Bởi, chính người con của ông chủ tiệm mì vừa kể, đã phối chế thành công một món lẩu vịt mới, khiến dân sành ăn lẫn những “chú Hỏa” hơn 20 năm múa dao, vung vợt... bếp, phải sững sờ kinh ngạc.
Họ thật sự bất ngờ và dường như bị hút hồn, bởi mùi vị: hăng the, thoảng nhẹ từ nồi lẩu tỏa ra thật khẽ khàng ấy. Chính làn hương bí hiểm kia, nó rón rén, dịu dàng tựa như cô gái nhà lành lần đầu rụt rè ra mắt bố mẹ người yêu. Cho nên, những ai lỡ xui rủi bị nghẹt mũi hoặc lạt miệng sẽ không hề nhận ra dư vị chủ đạo khoái khẩu đó. Mà đã chưa nhận ra, xem như bạn mới chạm được phân nửa ngưỡng ngon của món lẩu vịt sa tế. Chính mùi vị nhân nhẫn vừa kể, giúp khứu giác dân mộ điệu thêm tinh nhạy, uyển chuyển hơn và giúp khẩu vị càng thanh tao - lâu ngán.
Song, nói đi phải nói lại, những nguyên liệu rau củ đi kèm trong nồi lẩu, cũng “nồi nào vung nấy”. Đáng kể là, những lát dưa măng tươi (măng chua), nổi vị chua - ngọt - thơm đặc trưng. Còn cà chua, đầu bếp phải chọn loại chín rục. Với lại, dĩa cải bẹ xanh + cải bắp cũng vừa lứa - không quá già cũng chẳng phải loại non tơ. Bởi mỗi loại, chứa độ giòn riêng, đồng thời có thể bù trừ cho nhau. Nhưng nếu đi riêng lẻ, chúng lại đối kháng nhau: đắng (cải bẹ xanh) - ngọt (cải bắp). Thế mới biết, đầu bếp cao tay cỡ nào.
Và ngay cả lượng nước dừa xiêm cho vào nồi lẩu cũng thật vừa phải, nhằm tăng độ ngọt thanh chứ không hề phá vỡ mùi vị tổng thể. Nếm muỗng lẩu đang “thở ra khói”, bạn sẽ nghe: chua chua - ngọt thanh - dìu dịu mê mải! Và tùy “đô” cay của mỗi người, mà tự tay múc lấy mấy muỗng sa tế lưng lửng hay vun ngọn nêm vào. Vì là hàng đặc chế, nên chúng có vị cay ngọt chứ không cay chảy nước mắt như ở mấy quán Huế rặt.
Phần đạm chính là miếng vịt ta săn da chắc thịt, ngọt bùi khỏi chê. Thoạt nhìn, có người lầm tưởng đây là hàng vịt quay loại 1, nhưng không phải vậy. Vịt nguyên liệu sau khi làm sạch, được đầu bếp chiên sơ vừa ửng vàng da, thì họ vớt ra. Kế nữa, “tắm” vịt bằng nước ấm, rồi tỉ mẫn hớt bỏ “mỡ màng” nổi lên (lắng lại nước này pha vào nồi nước lèo). Sau đó, mới đem hấp cách thủy cho vịt vừa chín tới. Thật kỳ công!
Tác giả món cuốn hút này tiết lộ: một hôm lướt mạng học hỏi, sưu tầm món ngon từ Nam ra Bắc. Chợt trong đầu anh lóe lên: sao không chế ra một món vịt mang phong vị Hoa, tích hợp trên nền 2 món ngon dân dã: vịt om sấu và vịt hầm sả. Thế là anh mày mò nấu thử và sai, cho đến lúc đạt mới thôi.
Tấn Tri
'Đặc sản' cháo vịt ở Lái Thiêu
(iHay) Nếu Bạn hỏi Lái Thiêu (Bình Dương) có đặc sản gì, tôi xin đáp ngay: cháo vịt! Món ăn bình dị, thường bắt gặp ở nhiều góc chợ, hẻm phố. Thế nhưng, ở khu chợ có nhiều người Tiều cũ sinh sống này, nó xứng đáng liệt vào món ngon đãi khách phương xa.
Quán ở gần chợ Lái Thiêu, chỉ bán từ 13 giờ chiều đến tối, giá khá bình dân. Hôm chúng tôi ghé lại, kêu một dĩa gỏi gồm góc tư đùi và nửa bộ lòng với một xị rượu chuối hột, giá khoảng 110.000- 120.000 đồng.
Trời càng nóng bức, mây đen chen ngang mây trắng thêm dày, chờn vờn. Trông vẻ mặt “ổng” hầm hầm, chúng tôi lo quán chiều nay vắng khách. Nào ngờ, thực khách kéo tới từng tốp, tường tốp phát...ngộp. Có người đi xe hơi, lúc về còn khệ nệ xách mấy bịch cháo và nguyên con vịt luộc. Khách chạy tay ga, cưỡi xe số đông gấp 3 - 4 lần. Mấy khách ruột gần nhà thì lạch bạch đi bộ sang. Có bà trông mặt còn buồn ngủ, vẫn oang oang hối thúc nhân viên quán, chan chát “chỉ đạo” chồng con giòn giã như ở tại nhà mình. Tội, khi trời không nhịn đất thì đất phải đành gồng mình chiều lại, chứ biết làm sao!
Sực nhớ đến cách xử lý nguyên liệu của quán. Da vịt bóng thơm, không hề nghe hôi lông như một số hàng vịt chợ khác. Nhìn kỹ, những lỗ chân lông đã bị cháy sém. Có thể, họ đã thui sơ lại bằng đèn khò.
Không chỉ miếng thịt tươi ngọt, béo bùi mà dĩa gỏi đi kèm cũng thật tinh tế. Mùi giấm gạo thoang thoảng thơm lẫn chua thanh dịu, tựa những lời thủ thỉ “có cánh” của thiếu nữ lần đầu đánh mất... trái tim. Bọc lót là độ ngọt thanh nhưng không làm gắt cổ người nếm và màu nước xốt khá trong. Có thể, đầu bếp đã gia giảm vào ít đường phèn. Xốc đũa trộn đều rau - thịt, từng giọt xốt nhà nghề ấy lăn dài, uốn lượn, tẩm ướp mùi vị hấp dẫn vào khắp những cọng rau- miếng nạc. Nhờ vậy, nhúm rau: bắp cải, cọng rau muống bào... cong cong, mỏng cỡ phân nửa que tăm; thêm giòn mát và khơi gợi từng đợt sóng... nước bọt ập tới!
Cạnh đó là, chén nước chấm ửng hồng, nhỏ xíu mà dường như chứa cả sông bùa mê! Độ mặn - ngọt - chua -cay... thật vừa phải. Điểm nhấn là, mớ bột gừng củ tươi được xay mịn, chớm lên men, nên tạo vị chua the nhè nhẹ chứ không quá hăng nồng. Kia, hủ ớt hiểm bằm nhỏ đang nằm chờ kế bên, để người ăn tùy ý gia giảm cho vừa khẩu vị.
Chấm ngập miếng đùi vịt, húp muỗng cháo “ngọt ngất” mới biết món ngon chưa hẳn là sơn hào hải vị, mà là sự tỉ mỉ, dày công tuyển chọn - xử lý bất kỳ một nguyên liệu đời thường nào đó, của những đầu bếp bình dân.
Chợt, mưa ầm ào trút xuống. Lạ, khách co ro kéo tới mỗi lúc một đông.
Chợt, mưa ầm ào trút xuống. Lạ, khách co ro kéo tới mỗi lúc một đông.
Tấn Tri
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét