Những ngày này, cả dãy rừng Trường Sơn (Quảng Trị) lại rực sáng, đầy mộng mơ bởi màu hoa trẩu.
Mỗi độ đầu hè, những cánh rừng miền Tây Quảng Trị lại rực trắng tinh khôi và mộng mơ màu hoa trẩu.
Ban đầu, cây trẩu tự mọc trong rừng. Sau này, người dân cũng trồng trẩu quanh vườn để lấy quả và thân gỗ bán.
Trẩu mọc sát hai bên một tuyến đường ở thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).
Với nhiều người dân ở đây, hoa trẩu thường để lại dấu ấn khó quên thuở ấu thơ. Sau này, dù đi khắp bốn phương, họ vẫn nao lòng mỗi khi nhìn lại màu hoa trẩu.
Hoa trẩu trắng muốt khiến bao lữ khách phương xa phải nao lòng. Những bông hoa 5 cánh nhỏ xinh, xòe ra thanh tao, không tỳ vết.
Hương hoa trẩu rất thơm. Mỗi độ sáng sớm khi sương còn đọng trên lá, hương trẩu phủ lên xóm làng và núi rừng một mùi thơm nguyên sơ, trong lành.
Ở miền Tây Quảng Trị, lữ khách dễ dàng gặp hoa trẩu tại thị trấn Khe Sanh hoặc dọc đường HCM nhánh Tây, dẫn từ thị trấn miền núi này ra phía Bắc.
Đến khi rụng xuống đất, hoa vẫn tươi nguyên vẻ rạng rỡ ban đầu.
Trên các cung đường uốn lượn, ít dân cư và người qua lại, những rừng hoa trẩu trắng tươi tắn bất ngờ xuất hiện, gợi sức sống không ngừng.
Cây trẩu là loài thân gỗ, thuộc họ thầu dầu. Một cây trẩu trưởng thành có thể cao 15 - 16m. Lá to bằng bàn tay, nguyên bản hoặc chia nhiều thùy.
Trẩu có rất nhiều công dụng, trong đó thân dùng làm gỗ xây dựng và tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, gỗ trẩu là nguyên liệu rất tốt để sản xuất nấm ăn.
Quả dùng ép lấy dầu làm sơn công nghiệp, da, chất dẻo nhân tạo. Trong dân gian, vỏ trẩu còn có tác dụng chữa nhức răng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét