Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Vịt gói lá sen nướng đất sét - hương vị quê nhà

Cũng dựa vào nguyên tắc nướng đất sét thời khẩn hoang, nhưng món vịt nướng đất sét ngày nay đã được biến tấu thành nhiều kiểu cách khác nhau, vừa giữ hương vị quê nhà vừa có sức lan tỏa mạnh.


Vịt xiêm gói lá sen nướng đất sét - Ảnh: Hoài Vũ
Hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ 4 - 2015 tại TP Cần Thơ có một gian hàng trình diễn và giới thiệu món “Vịt xiêm gói lá sen nướng đất sét” thu hút nhiều người đến tham quan và thưởng thức.
Sau vài lần quan sát, từ cách nắn đất sét cho đến cách nướng trên bếp than hồng, mùi thịt vịt nướng phảng phất, hòa quyện với mùi đất sét khô cháy tạo thành một thứ hương vị huyền ảo..., tôi cứ đau đáu nhớ lại những kỷ niệm của một khoảng trời thơ ấu.
Đó là lúc còn nhỏ theo cha ra đồng giữ lúa, tôi thường bắt gặp nhiều người quay quần bên đống lửa rơm, cạnh bên là con vịt nướng đất sét đang bốc mùi thơm lựng.
Xưa kia món vịt nướng đất sét rất đơn giản. Người ta để nguyên lông rồi đắp đất lên đem nướng. Khi lớp đất bên ngoài khô trắng, mọi người mới từ từ gỡ hết lông và đất ra, toàn thân vịt chỉ còn lại lớp thịt ửng vàng, bốc mùi ngào ngạt khiến ai nấy cũng hít hà.
Cách nướng này hoàn toàn hoang dã, làn khói rơm quyện vào nhau lan tỏa. Tuy không gia vị nhưng thịt lại đậm đà, mùi vị cứ quấn quít như ẩn chứa bao điều thú vị.
Vịt xiêm chặt miếng gói lá sen nướng đất sét - Ảnh: Hoài Vũ
Ngày nay, cũng dựa vào nguyên tắc nướng đất sét nhưng các đầu bếp đã biến tấu thành nhiều kiểu cách khác nhau mà vẫn giữ được hương vị quê nhà và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thay vì để nguyên lông, người ta nhổ hết lông, móc ruột, làm sạch trước khi chế biến.
Món vịt cuốn lá sen tuy không pha trộn, không màu mè kiểu cọ, không sử dụng gia vị để khi vịt chín có vị ngọt tự nhiên nhưng cũng không kém phần tinh tế và cầu kỳ.
Trước hết phải chọn cho được loại vịt xiêm tơ. Sau khi làm sạch phải dùng gừng và rượu khử mùi. Xong dùng lá sen gói thành nhiều lớp, bên trong lá sen có thêm nhiều rau răm giúp cho mùi vị tăng thêm đậm đà.
Sau cùng là dùng đất sét bao quanh mình vịt trước khi đặt lên bếp than hồng để nướng.
Vịt xiêm nướng đất sét sau khi gỡ bỏ lớp đất khô cháy - Ảnh: Hoài Vũ
Khi dọn lên bàn ăn, nhà hàng vẫn giữ nguyên lớp đất để thực khách vừa ăn vừa khám phá mùi vị nguyên sơ, quyến rũ tỏa ra từ những chiếc lá sen thơm thơm, từ vị cay cay của rau răm và cả cái nồng nàn ngất ngây của làn khói mỏng bốc lên từ đất và từ thịt.
Món này ăn không chỉ bằng miệng mà còn bằng mắt và bằng mũi vì những miếng thịt lấp lánh màu vàng ruộm như mời gọi, nhất là vị thơm ngọt đậm đà, ngon đến ám ảnh.
Gần đây nhiều nhà hàng, quán ăn đặc sản miền Tây đã cách tân món nướng đất sét bằng cách chặt thịt vịt ra thành nhiều miếng nhỏ, kèm thêm rau răm rồi cho vào lá sen gói lại. Sau đó dùng đất sét bao quanh trước khi nướng.
Thực khách chỉ cần gỡ lớp đất bên ngoài, tiếp theo là mở lớp lá sen ra là có ngay món dân dã miệt đồng. Vịt nướng đất sét ăn chung với xôi nếp hoặc cơm gạo lức đều hấp dẫn, tuyệt nhất là chấm với nước mắm gừng hoặc muối tiêu chanh.
Món vịt nướng đất sét ăn kèm với rau cải và dưa chua - Ảnh: Hoài Vũ
Không hẳn đơn thuần là vấn đề ăn uống mà còn là văn hóa, chính những món ăn mang dấu ấn thời khẩn hoang này ngày càng có sức lan tỏa mạnh và cuốn hút nhiều tay sành điệu tứ chiếng.
Đặc biệt các nhà hàng, quán ăn đã háo hức khai thác và nâng lên thành đặc sản “có tiếng”, vượt hẳn nhiều món nướng khác.
 
Theo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét