Gần cửa biển Thuận An (thị trấn Thuận An, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) ngày nay vẫn còn di tích của một tòathành cổ có quy mô khá bề thế.
Đó tòa thành được vua Gia Long xây dựng vào năm 1813 để kiểm soát và điều khiển lưu thông tàu thuyền trong và ngoài nước ra vào cửa biển Thuận An, phòng thủ cho Kinh thành Huế. Ban đầu thành có tên Trấn Hải đài, sau nhiều lần nâng cấp, đến năm 1834 được đổi tên thành Trấn Hải thành
Kiến trúc của Trấn Hải thành được xây dựng theo kiểu Vauban - loại thành lũy mang tính bố phòng rất vững chắc - với diện tích khoảng 5.000 m2.
Thành được xây bằng gạch với chu vi 302,04 m, cao 4,40 m, dày 12,60 m, có 2 cửa: cửa chính mặt trước, nhìn về hướng Nam và cửa phụ ở mặt sau
Trên thành bố trí 99 ụ súng, quanh chân thành là hệ thống hào rộng 9 m, sâu 2,4m
Trấn Hải thành là công trình đã chứng kiến trang sử bi thương của Huế trong công cuộc chống giặc ngoại xâm cuối thế kỷ 19.
Năm 1883, quân Pháp với tàu chiến và hỏa lực mạnh tấn công vào Trấn Hải thành. Quân nhà Nguyễn đã kháng cự anh dũng suốt hai ngày đêm, nhưng do vũ khí quá thua kém nên cuối cùng Trấn Hải thành thất thủ vào ngày 20/8/883.
Mặc dù thua trận, nhưng lòng quả cảm của quân dân nước Việt đã làm quân Pháp cảm phục. Destelan, một sĩ quan chỉ huy chiến hạm Pháp sau khi chiếm thành đã ghi lại trong hồi ký: "Các pháo thủ đã chết trên các khẩu đại bác của họ, họ là những người dũng cảm. Họ nằm xuống và cát vùi họ vào lòng đất ở sau những khẩu đại bác làm cho họ trở nên tuyệt vời...".
Sau khi chiếm Thuận An, quân Pháp đã đồn trú ở Trấn Hải thành từ đó cho đến năm 1954.
Vì vậy, trong Trấn Hải thành, ngoài dấu tích của những công trình kiến trúc triều Nguyễn còn có những dãy nhà, lô cốt, công sự của người Pháp để lại.
Năm 1998, Trấn Hải thành đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia và ngay từ năm 1993, đã trở thành một bộ phận trong Quần thể di tích Cố đô Huế, Di sản Thế giới.
Tuy vậy, do sự tàn phá của thời gian và thiếu sự tu bổ nên tòa tành 200 tuổi này đang nằm trong tình trạng hoang phế và xuống cấp, cũng như nhiều di tích lịch sử khác ở Huế.
Quốc Lê
Trang sử bi thương của cửa biển Thuận An
Cửa biển Thuận An là nơi sông Hương đổ ra phá Tam Giang rồi chảy ra biển Đông, cách Kinh thành Huế về hướng đông khoảng 13 km, gắn với di tích Trấn Hải thành, được vua Thiệu Trị xếp là cảnh đẹp thứ 10 trong Thần kinh nhị thập cảnh.
Dấu xưa giờ đã không còn
Không ít người khi nghe đến cảnh đẹp của cửa biển Thuận An đã nhầm tưởng với cửa biển đang tồn tại hiện nay.
Trong chuyến về thăm lại cảnh đẹp xưa đã đi vào sử sách, ngay tại di tích Trấn Hải thành (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An) chúng tôi may mắn gặp trung tá Nguyễn Đăng Tâm, Đồn trưởng. Vị sĩ quan biên phòng có hơn 20 năm gắn bó với vùng đất này là một người rất am tường lịch sử. Ông cho biết, thực chất cửa biển hiện nay, nằm ở vị trí cắt đôi làng Thái Dương Hạ (phía bắc thuộc xã Hải Dương, TX.Hương Trà và phía nam thuộc thị trấn Thuận An, H.Phú Vang) là cửa biển mới, được mở trong trận lụt lịch sử năm 1904. Còn cảnh đẹp cửa biển Thuận An được mô tả trong bài thơ Thuận Hải quy phàm của vua Thiệu Trị lại thuộc làng Hòa Duân (thị trấn Thuận An, H.Phú Vang), ngày nay đã bị bồi lấp hoàn toàn.
Vị trung tá dẫn sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, cửa biển Thuận An xưa có tên là cửa Eo, được mở vào năm Giáp Thân (1404) đời nhà Hồ. Địa danh này trong sử sách còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như Yêu Hải môn, Noãn Hải môn và Nhuyễn Hải môn. Như vậy, cửa biển Thuận An mà vua Thiệu Trị mô tả từng tồn tại 500 năm (1404 - 1904), nay không còn.
Theo đó, tại cửa biển Thuận An (cũ) triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng một tòa thành với tính chất của một pháo đài kiên cố để phòng thủ. Dư địa chí Thừa Thiên-Huế cho biết, thành được xây vào năm 1813 dưới thời vua Gia Long và có tên Trấn Hải đài, có chức năng kiểm soát và điều khiển lưu thông tàu thuyền trong và ngoài nước ra vào cửa biển Thuận An, phòng thủ cho Kinh thành Huế. Đến thời Minh Mạng, các năm 1820, 1826, 1830, 1831, Trấn Hải đài được gia cố thêm. Đến năm 1834, triều đình đổi tên thành Trấn Hải thành và cho xây thêm trên đài một tòa nhà cao gọi là lầu Quan Hải, để kiểm soát mặt biển rõ hơn và cho trồng thêm 9.000 cây dừa để chống xâm thực. Năm 1840, triều đình cho treo trên lầu Quan Hải một đèn lồng lớn đường kính 3 m xem như ngọn hải đăng. Dưới triều Tự Đức, triều đình cho củng cố hệ thống đồn lũy ở Thuận An, xây thêm nhiều đồn bốt để phòng thủ.
Kiến trúc của Trấn Hải thành được xây dựng theo kiểu Vauban (kiểu công trình quân sự lấy theo tên kỹ sư Vauban người Pháp, với diện tích khoảng 5.000 m2), là loại thành lũy mang tính bố phòng rất vững chắc. Thành được xây bằng gạch, chu vi 302,04 m, cao 4,40 m, dày 12,60 m, có 2 cửa: cửa chính mặt trước, nhìn về hướng nam, cao 2,60 m, rộng 2,16 m và cửa phụ ở mặt sau. Trên thành bố trí 99 ụ súng. Quanh chân thành là hệ thống hào rộng 9,04 m, sâu 2,40 m.
Cảnh đẹp và trang sử bi hùng
Khi đặt tên cho cảnh đẹp này, vua Thiệu Trị đã dùng một hình ảnh vô cùng thơ mộng, cảnh thuyền buồm nối đuôi kéo nhau về cửa biển Thuận An (Thuận Hải quy phàm).
|
Trong lời đề dẫn bài thơ đệ thập cảnh Thuận Hải quy phàm, nhà vua mô tả khung cảnh cửa biển Thuận An về chiều vừa thanh bình nhưng cũng thật hùng tráng trong khí thế của một tiền đồn quân sự trấn ải nơi đầu sóng:“Trấn Hải thành ở cửa biển Thuận An, lớp lớp tường thành, cúi nhìn biển cả. Lầu cao ngắm biển, trời nước mênh mông. Nắng chiều vạn dặm, sóng lặng gió mát thoảng qua. Thuyền buồm căng gió, ngàn chiếc nương sóng quay về. Quân thuyền diễn trận nối đuôi nhau như đàn cá, trở về như tên bắn. Chiến hạm tuần dương đối đầu rẽ sóng tựa thoi đưa. Ghe đánh cá xếp hàng về chợ. Thuyền tải hàng theo lớp về kho…” (theo bản dịch của sách Thần kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị, NXB Thuận Hóa 1997).
Theo tài liệu lịch sử mô tả, quân Pháp với tàu chiến và hỏa lực mạnh tấn công vào Trấn Hải thành. Quân Nam triều đã kháng cự anh dũng. Trận chiến diễn ra suốt hai ngày đêm, nhưng do vũ khí quá thua kém nên cuối cùng Trấn Hải thành thất thủ vào ngày 20.8.1883. Các tướng lĩnh Nam triều hy sinh trong trận đánh này gồm Thống chế Lê Chuẩn, Đô thống Lê Sĩ, Chưởng vệ Nguyễn Trung. Sách Việt Nam sử lược cho biết, cũng ngay hôm ấy Trần Thúc Nhẫn, Tham tri Bộ Lễ, trưởng đoàn đi thương thuyết với quân Pháp bất thành và Lâm Hoành (cũng được gọi là Lâm Hoằng, quan trấn giữ Trấn Hải thành) nghĩ mình không làm tròn trọng trách với non sông, đã gieo mình xuống sông tự tử. Cuộc chiến đẫm máu đã làm hơn 1.200 binh lính và dân thường bỏ mạng.
Mặc dù Trấn Hải thành thất thủ, nhưng lòng quả cảm của quân dân nước Việt đã làm quân Pháp cảm phục. Trong hồi ký của mình, Destelan, một sĩ quan chỉ huy chiến hạm Pháp sau khi chiếm thành đã ghi lại: "Các pháo thủ đã chết trên các khẩu đại bác của họ, họ là những người dũng cảm. Họ nằm xuống và cát vùi họ vào lòng đất ở sau những khẩu đại bác làm cho họ trở nên tuyệt vời...".
Để tỏ lòng thương tiếc những chiến sĩ và nhân dân hy sinh trong trận đánh này, người dân địa phương đã gom toàn bộ thi thể chôn thành hai ngôi mộ tập thể và lập miếu Linh Từ để thờ cúng hằng năm vào ngày 16.7 âm lịch. Lễ tế này vẫn được duy trì cho đến nay.
Sau khi Pháp chiếm Thuận An (1883), quân Pháp đã đồn trú ở Trấn Hải thành từ đó cho đến năm 1954. Chính vì vậy, ngay trong Trấn Hải thành, ngoài dấu tích của những công trình kiến trúc triều Nguyễn còn có những lô cốt, công sự của người Pháp để lại.
Bùi Ngọc Long
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét