(Kiến Thức) - Ông Trần Trọng Kim, biệt hiệu Lệ Thần, là một học giả, một nhà viết sử, một nhà sư phạm đã từng dạy học ở trưởng Bưởi, trường Sĩ Hoạn...
Ông Trần Trọng Kim, biệt hiệu Lệ Thần, là một học giả, một nhà viết sử, một nhà sư phạm đã từng dạy học ở trưởng Bưởi, trường Sĩ Hoạn, rồi làm thanh tra tiểu học Bắc kỳ, hiệu trưởng trường tiểu học Nam ở Hà Nội đến năm 1942 thì về nghỉ hưu. Sau đó Trần Trọng Kim đã trở thành một trong những nhân vật chính sau cuộc đảo chính của phát xít Nhật.
Nhật chú ý, Pháp theo dõi
Trần Trọng Kim sinh năm Quý Mùi (1883) và mất vào ngày 2/12/1953 tại Đà Lạt. Từ năm 1940, khi mới đặt chân đến Hà Nội, phát xít Nhật đã chú ý đến vị học giả này và thường đi lại giao du, lấy cớ hỏi về lịch sử, tôn giáo, nhưng thực chất chủ yếu là muốn (theo lời ông Kim) “dò xét tình ý nhân sĩ trong nước”. Vì chuyện giao du đó giữa phát xít Nhật và ông Trần Trọng Kim, bọn thực dân Pháp cũng chú ý theo dõi ông và ngày 27/11/1943, bọn thực dân Pháp định bắt ông.
Hiến binh Nhật (Kampetai) đã đến báo cho Trần Trọng Kim biết và với sự đồng ý của ông, phát xít Nhật đứng ra can thiệp, cho quân Nhật đưa ông vào Sài Gòn, rồi sang Singapore cùng với ông Dương Bá Trạc (ông Dương Bá Trạc là một nhà Hán học, đỗ cử nhân lúc 16 tuổi, theo ông Phan Bội Châu hoạt động cách mạng, bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo, khi trở về bị cưỡng bách lưu trú ở Nam kỳ. Ông cùng Trần Trọng Kim công tác biên soạn bộ Việt Nam từ điển) nói là sang Singapore để gặp “ông Cường Để cùng những người khác nữa để họp nhau làm việc”.
Sang Singapore các ông chỉ ngồi chơi làm thơ phú giải khuây, chẳng gặp một người nào theo lời hứa của phát xít Nhật “sự ăn uống thiếu thốn, hoàn cảnh đìu hiu, tâm tình sầu muộn, nghĩ mình mắc vào cái cạm bẫy không sao gỡ ra được”. Rồi ông Trần Trọng Kim mắc bệnh máu bốc lên đầu (bệnh cao huyết áp) ông Dương Bá Trạc cũng bị bệnh, quân y Nhật đến khám, chiếu điện thấy phổi bị phế nham (ung thư phổi). Ông Trạc mất ở Singapore và được hỏa táng tại đó.
Không dùng quân cờ Cường Để và Ngô Đình Diệm
Sau khi ông Dương Bá Trạc mất, Trần Trọng Kim đề nghị phát xít Nhật đưa ông sang Thái Lan. Phát xít Nhật đồng ý đưa ông đi bằng xe lửa đến Bangkok ở chung với hai con Cường Để là Tráng Liệt và Tráng Cử. Vào khoảng 2h sáng ngày 7/3/1945, mọi người đang ngủ, chợt có xe của hiến binh Nhật đến, bắt phải tức tốc đi ngay, đưa đến sở hiến binh bắt phải ở yên đó không được đi ra ngoài. Đến sáng ngày 10/3 thì được tin phát xít Nhật đã đảo chính thực dân Pháp ở Đông Dương.
Ngày 29/3 có một trung úy Nhật ở Sài Gòn sang Bangkok nói là có máy bay đón Trần Trọng Kim về Bộ Tư lệnh Nhật ở Sài Gòn để hỏi ông việc gì đó về lịch sử. Trưa ngày 30/3, về tới Tân Sơn Nhất, Trần Trọng Kim vào gặp Trung tướng tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nhật. Lúc đó ông này mới cho biết là ở Huế, ông Phạm Quỳnh và các ông Thượng thư đã từ chức cả, vua Bảo Đại điện mời những người có tên sau đây về Huế để hỏi ý kiến. Trần Trọng Kim xem bản danh sách thì có tên Hoàng Trọng Phu, Vũ Ngọc Oanh, Trịnh Bá Bách, Hoàng Xuân Hãn, Cao Xuân Cẩn và Trần Trọng Kim.
Ông Kim rất ngạc nhiên không thấy có tên ông Ngô Đình Diệm, tuy từ lâu ai cũng biết Ngô Đình Diệm được Cường Để ủy quyền cho việc lập chính phủ khi có đảo chính ở Đông Dương. Trần Trọng Kim gặp Ngô Đình Diệm thấy ông này cũng ngạc nhiên nói phát xít Nhật không cho ông hay biết gì cả. Điều đáng chú ý là chính đích thân Bảo Đại cũng nói với ông Kim: “Trẫm có điện gọi cả Ngô Đình Diệm về, sao không thấy về”, Bảo Đại nói chờ xem sự thể thế nào.
Theo lời ông Trần Trọng Kim thì ở Huế, cứ ba ngày, ông lại lên hỏi ông cố vấn tối cao Yokohama, xem có tin tức gì về ông Ngô Đình Diệm không, thì chỉ được trả lời một cách hững hờ là chưa biết ông Diệm ở đâu. Sau đó ông Trần Trọng Kim mới được nói là ông Diệm bị bệnh không về được, nhưng thực tế là phát xít Nhật “không dùng quân cờ Cường Để và Ngô Đình Diệm”
(Kiến Thức) - Chính phủ Trần Trọng Kim do phát xít Nhật quản lý và là một chính phủ bù nhìn. Nhiều người trong chính phủ đã sớm nhận ra chân lý.
Thủ tướng của chính phủ bù nhìn
Bảo Đại thấy để tình hình kéo dài mãi bất bất lợi, cho triệu Trần Trọng Kimvào, ủy cho ông đứng ra lập chính phủ. Trần Trọng Kim từ chối mấy lần nhưng không được, đành phải nhận và cùng với ông Hoàng Xuân Hãn, bàn nhau tìm người xứng đáng làm bộ trưởng.
Trong cuốn hồi ký “Một cơn gió bụi”, Trần Trọng Kim nhấn mạnh “có một điều phải nói cho rõ là trong khi tôi chọn người lập chính phủ, lúc ấy người Nhật không hỏi tôi chọn người này, người kia. Tôi được hoàn toàn tự chủ tìm lấy người làm việc. Và tôi đã định từ trước nếu người Nhật can thiệp vào công việc trong nước thì tôi thôi ngay không làm nữa”.
10h ngày 17/4/1945, ông Trần Trọng Kim mang danh sách chọn được vào trình Bảo Đại, có cả Yokohama ngồi đó. Sau khi xem xong danh sách, Bảo Đại “phán” được, còn Yokohama nói: “Tôi chúc mừng cụ đã chọn được người rất đứng đắn”.
Nhiều người trong chính phủ đã sớm nhận ra nền độc lập bánh vẽ, nhãn hiệu phát xít Nhật. Quân đội, tiền bạc, thông tin, phương tiện giao thông vận tải đều do phát xít Nhật nắm cả.
Trong phiên họp chính phủ ngày 3/8/1945, Bộ trưởng Kinh tế Hồ Tá Khanh phát biểu: “Phong trào Việt Minh càng ngày càng mạnh. Cả nội các chúng ta nên rút lui để cho Việt Minh lên làm việc, may ra họ cứu được đất nước”. Bộ trưởng Nội vụ Trần Đình Nam “cũng đồng ý là chúng ta nên rút lui, nhường chỗ cho Việt Minh càng sớm càng tốt”. Ông Nguyễn Hữu Thi và một số bộ trưởng khác ngay lúc đó cũng xin từ chức và hai ngày sau toàn thể chính phủ Trần Trọng Kim xin từ chức, tồn tại được hơn bốn tháng.
Giấc mộng Nam Kha
Trần Trọng Kim trở về với gia đình ở Hà Nội. Ông thấy giữa thực dân Pháp và Việt Minh thế nào cũng có cuộc xung đột lớn nên rất lo cho bản thân “trong cuộc binh lửa, ngọc đá đều tan, thì làm sao ở được, mà đi thì đi đâu?”. Biết rõ tâm trạng đó Quốc dân đảng cho người đến dụ dỗ ông: “Chúng tôi có đủ các cơ quan làm việc bên Tàu, nay lại có ông Bảo Đại ở đó, cụ nên sang bên đó rồi cùng ông Bảo Đại làm việc may ra có ích lợi cho nước”. Ông Kim nhận lời.
Bấy giờ là vào cuối tháng 5/1946, quân Tàu sang giải giáp quân phát xít Nhật đã rút về gần hết, chỉ còn một số người ở lại và chính những người này đã đưa ông đi bằng đường bộ khởi hành từ Hà Nội ngày 2/6/1946. Sau rất nhiều thời gian vất vả, ngày 8/7 ông Kim tới Thượng Hải rồi lên tàu hỏa đến Nam Kinh. Ở đây đi dò hỏi tin tức thì được biết, Bảo Đại hiện đang ở Hồng Kông.
Ngày 28/7 Bảo Đại gửi điện cho ông Kim nói “Tôi không có tiền lên Nam Kinh được...”. Ngày 2/8, ông Kim đến Hồng Kông gặp Bảo Đại. Ông Kim kể lại: “Lời đầu tiên ông Bảo Đại nói với tôi là: Chúng mình già trẻ đều mắc lừa bọn du côn”. Bảo Đại còn nói thêm: “Chưa biết chừng bọn Tưởng Giới Thạch cũng phải cuốn gói chạy ngày nào đó”.
Vào khoảng cuối tháng 1/1947, Bảo Đại cho người đến Quảng Châu mời ông Kim ra Hồng Kông có việc cần. Đến đây mới biết có một đại diện của Cao ủy Đông Dương tên là Cousseau hứa hẹn đủ mọi chuyện và đề nghị ông Kim về Sài Gòn, Bảo Đại nói với Trần Trọng Kim: “Trong tình thế này, cụ nên về tận nơi trực tiếp với mấy người cầm quyền của thực dân Pháp xem tình ý của họ thế nào. Nếu thật làm được thì cụ lại trở ra, ta sẽ tính mọi việc”.
Ngày 2/2/1947, ông Kim xuống tàu, ngày 5 cập bến Sài Gòn. Về đây mới biết tất cả những điều Cousseau hứa hẹn đều là hứa suông. Ông Kim kể lại: “Một hôm tôi thấy trong một tờ báo Sài Gòn đăng một đoạn rằng: Người Pháp đem tôi về là cốt để tôi không mưu mô bên cạnh ông Bảo Đại... là vì xem ý người Pháp lúc ấy là muốn lợi dụng ông Bảo Đại mà để tôi ở gần ông có nhiều điều bất tiện nên hứa hẹn đủ mọi điều để đưa tôi về. Nếu có lợi dụng được thì dùng, mà không thì để cách xa ông Bảo Đại ra”.
Ở tại Sài Gòn khi thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân lên làm chủ tịch Chính phủ lâm thời của cái gọi là Nam kỳ quốc, có viết thư mới ông Kim ra làm cố vấn, nhưng ông đã từ chối và lên Phnom Penh cư ngụ cùng con gái. Ông Kim nói: “Ấy thế là xong một cuộc đời Nam Kha... nghĩ lại thấy nực cười”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét