Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Khám phá thành lũy “không thể công phá” thời Trịnh-Nguyễn phân tranh

(Kiến Thức) - Trong dân gian truyền tụng câu ca: “Nhất sợ Lũy Thầy, nhì sợ đầm lầy Võ Xá”, liên hệ tới những thất bại của quân Trịnh tại vùng đất này.


Lũy Nhật Lệ (còn có tên khác là lũy Thầy, lũy Đồng Hới. lũy Trường Dục) là một công trình phòng thủ quy mô, gắn với tài năng của nhà quân sự Đào Duy Từ. Ngày nay, các di tích của lũy nằm rải rác ở một số khu vực của TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Một đoạn lũy Nhật Lệ thuộc hệ thống Lũy Thầy còn tồn tại ở Đồng Hới.

Công trình thành lũy này được Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng theo lệnh chúa Nguyễn nhằm mục đích bảo vệ Đằng Trong khỏi các cuộc tấn công của chúa Trịnh Đằng Ngoài. Ảnh: Cầu thang dẫn lên di tích lũy Nhật Lệ được xây dựng thời kỳ sau này.

Hệ thống này gồm ba tòa thành lũy Nhật Lệ, Trường Dục và Trường Sa, trấn giữ những vị trí hiểm yếu quanh cửa sông Nhật Lệ. Trong số đó, hai lũy Nhật Lệ và Trường Dục được xây trong giai đoạn 1630 - 1631 dưới sự chỉ huy của Đào Duy Từ. Lũy Trường Sa do học trò của ông là tướng Nguyễn Hữu Dật thực hiện những năm sau đó. Ảnh: Khu vực cửa sông Nhật Lệ nhìn từ lũy Nhật Lệ.

Người dân Đàng Trong gọi hệ thống này là Lũy Thầy để tỏ lòng tôn kính Đào Duy Từ. Ảnh: Bàn thờ nhà quân sựĐào Duy Từ trên lũy Nhật Lệ

Theo sử sách, Lũy Thầy phía ngoài có tường thành bao bọc, bên trong là doanh trại, công sự chiến đấu, kho tàng được bố trí theo lối chữ Dĩ liên hoàn chặt chẽ với thành ngoài. Ảnh: Một lô cốt được xậy dựng trên lũy Nhật Lệ từ thời Pháp.

Về kích thước, lũy dài 2.500 trượng, chân rộng 1,5 trương, cao 1 trượng (mỗi trượng khoảng 4m). Ảnh: Quảng BìnhQuan - một cửa thuộc hệ thống Lũy Thầy dẫn vào Dinh Quảng Bình thời xưa, là công trình mang tính biểu tượng của Lũy Thầy.

Lũy Thầy đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ chúa Nguyễn giữ vững sự kiểm soát tại Đằng Trong sau gần 50 năm chiến tranh với chúa Trịnh. Ảnh: Mặt sau của Quảng Bình Quan.

Trong dân gian còn truyền tụng câu ca: “Nhất sợ Lũy Thầy, nhì sợ đầm lầy Võ Xá”, liên hệ tới những thất bại của quân Trịnh tại vùng đất này. Ảnh: Mặt bằng phía trên Quảng Bình Quan.

Sau này, vua Thiệu Trị của nhà Nguyễn đã ban cho lũy này tên mới "Định Bắc trường thành" để nhớ ơn các bậc tiền bối đã giữ vững bờ cõi. Ảnh: Bảng tên ở mặt trước Quảng Bình Quan
Do được đắp bằng đất nên đến ngày nay, Lũy Thầy gần như đã bị hủy hoại hoàn toàn bởi tác động của thiên nhiên cùng sự phá hoại của con người qua nhiều thế kỷ. Ảnh: Những gò đất cao chạy dọc bờ sông Long Đại là dấu tích của lũy Trường Dục trong hệ thống Lũy Thầy.
Quốc Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét