Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Sải bước ra Trung

Depplus.vn -
Thạch Hãn, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Gio Linh,… đối với nhiều người chỉ là những địa danh lịch sử với các trận chiến kinh hoàng, nơi bao nhiêu đàn ông bỏ mạng, đàn bà mất chồng mất con và trẻ nhỏ mất cha. Bây giờ những nơi này đã hoàn toàn thay đổi, nhưng cái tên cứ rờn rợn châm da buồn buồn khó tả.



Trên quốc lộ 1A từ Huế đi Quảng Trị, qua những cung đường với phong cảnh tuyệt đẹp, xe đưa chúng tôi đến với cầu Thạch Hãn. Ngồi trên xe mà vẫn có cảm giác nhồn nhột đang đi vào một trong những vùng nổi tiếng là chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc. Cầu nào thì cũng gỗ hoặc xi măng to nhỏ dài ngắn đẹp xấu khác nhau, nhưng cầu Thạch Hãn khác ở chỗ bên cạnh cầu cũ có tượng những giọt máu hình trái tim, 19 giọt nhỏ và một giọt to, tưởng niệm 20 chiến sĩ đã hy sinh từ năm 1972. Nhưng dòng sông huyết mạch của Quảng Trị này không chỉ chôn từng ấy sinh linh, mà còn rất nhiều thanh niên hai bên đã nằm xuống, như khi trở lại thăm, một cựu chiến binh đã thốt nỗi lòng thành thơ diễn tả được tâm tư của người lính hai miền:


Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.
Rồi đến Dốc Miếu, nơi từ năm 1947 quân Pháp đã đóng chốt để án ngữ quốc lộ 1A, sau đó là cứ điểm quan trọng của phòng tuyến “con mắt thần” hàng rào điện tử Mc Namara, là căn cứ đầu tiên của Mỹ gần vùng phi quân sự nhất. Còn sót lại dấu tích của cuộc chiến này là chiếc xe tăng rỉ sét chênh vênh giữa cỏ cây vô tư xanh tốt, cùng với tấm bia. Phía bên kia là Cồn Tiên, nơi mà theo truyền thuyết là thấy cảnh đẹp, hai ông tiên thường xuống đánh cờ. Nghe nói đến nay vẫn còn bàn cờ của hai vị. Những năm chiến tranh, nơi đây nổ ra những cuộc giao tranh ác liệt, còn giờ trở thành một di tích để du khách tham quan Quảng Trị ghé chân. Cách đó không xa là tượng đài Giao bưu thông tin liên lạc, ghi ơn những chiến sĩ mang “bộ đàm”, khánh thành năm 2004. Tượng đài sừng sững giữa bạt ngàn đồi cao su, chè, hồ tiêu phía dưới xanh tốt, thanh bình, như thể “bộ đàm” thuở nào chỉ là một kiểu bình tưới nước cho cây lá khoe màu sức sống.


“Cầu Hiền Lương trước mặt kia rồi” – giọng người hướng dẫn nghe rờn rợn. Từ xa đã thấy những tàu lá dừa cao vút, biểu tượng của miềnNam. Phía trước hai mẹ con đứng nhìn về bờ bên kia, phía bắc. Đây là Tượng đài Khát vọng thống nhất, xây dựng từ năm 2002 đến 2008. Rồi tới chiếc cầu lịch sử đã rạch ròi hai miền, hiện tại là biểu tượng của “nỗi đau chia cắt”, cũ rồi, nằm cheo chéo bên kia cầu mới. Trong suốt hai mươi mốt năm cây cầu bắc ngang dòng sông Bến Hải đã hứng bao nhiêu máu đổ xuống mà dửng dưng tới nỗi cây cối hai bên vẫn xanh, nước sông vẫn không váng đỏ, chẳng phảng phất mùi tanh và mặt nước bình lặng như nghìn năm an nhàn sung sướng. Nhìn cây cầu, lòng người bỗng nao nao khó tả. Nó tên Hiền lành Lương thiện, vô tình bị cuốn vào cuộc chiến tranh ác liệt. Đi bộ dạo qua cầu nhẩn nha tối đa vài mươi phút, mà để được như vậy dân tộc ta đã mất gần một phần tư thế kỷ và cả một thế hệ. Thời đó hai bên không chỉ đánh nhau bằng súng ống mà còn bằng tư tưởng: chiến tranh màu sắc của cầu, chiến tranh âm thanh loan tin tức và kêu gọi dân chúng, chiến tranh chiều cao cột cờ và bề rộng lá cờ… Trước kia vùng đất và cây cầu này có tên Minh Lương, vì kỵ húy vua Minh Mạng mới đổi sang Hiền Lương. Dù không phải Ngân Hà, Hiền Lương đã vẫn khiến con người thành Ngưu Lang Chức Nữ một thời:
Cách một con sông mà đó thương đây nhớ

Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa.

Qua khỏi cầu là cột cờ giới tuyến, thuộc về bờ bắc, nơi suốt bao nhiêu năm là cái mốc để người đi từ xa nhìn ngọn cờ định hướng.


Chạy thêm một quãng nữa là lọt thỏm vào vòng tay Bà mẹ Gio Linh ở Quảng Trị mà Phạm Duy sáng tác hồi năm 1948 rồi “khóc như một đứa con nít” và nữ ca sĩ Thái Thanh sụt sùi mỗi lần hát đến. Người nghe thì ngậm ngùi nổi da gà. Những bà mẹ Gio Linh đã đi xa nhưng dường như vẫn còn quanh đây, hình dáng kham khó nhẫn nhục các cụ khắc in lên bức tranh xóm làng, lên bầu trời loáng thoáng mây chiều khiến lòng kẻ tham quan se se lấn cấn:

Nghẹn ngào không nói một câu

Mang khăn gói đi lấy đầu

Đường về thôn xóm buồn teo

Xa xa tiếng chuông chùa gieo…


Nỗi đau riêng của bà mẹ Gio Linh vào thời kháng Pháp đã là nỗi đau chung của các bà mẹ hai miền trong cuộc chiến sau, thường chẳng biết đầu con nằm ở đâu để mà đi nhặt.

Băng qua sông Gianh còn có tên Linh Giang, tuy nhỏ khiêm tốn âm thầm nhưng đã từng là ranh giới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, đẫm máu gần nửa thế kỷ (1627-1672). Rồi tới Đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan cũng vừa lúc bóng xế tà, nhưng chẳng thấy chú tiều nào lom khom dưới núi, xa xa dưới kia là miệng đường hầm xuyên suốt qua đèo. Đèo Ngang cũng mang dấu ấn lịch sử, là ranh giới Đại Việt và Chiêm Thành từ thế kỷ thứ X.
 
Rồi có đường rẽ trái sang Lào, thẳng là ra Vinh, nơi Chính phủ đang quy hoạch để trở thành khu trung tâm kinh tế – văn hóa của toàn vùng Bắc Trung bộ. Đồng ruộng nhiều nơi cò bay thẳng cánh, mượt mà, trên ruộng bao nylon phất phới đuổi chim nhưng thật lạ, suốt đường chẳng thấy một cánh chim lướt qua hay đậu lại. Nhiều đoạn rất nên thơ: bên đồng xanh bát ngát, bên con sông mênh mang ghe thanh mảnh nằm im trong chiều, đẹp dịu dàng như tranh. Có điều lạ là dù cây cối xanh tươi nhưng hoàn toàn thiếu vắng bông hoa, không nhà nào có bụi hoa, chậu kiểng. Rất ít cây ăn trái. Chuối, cau, dừa, ổi… thường thấy ở bất cứ vùng nào, ở đây cũng là của hiếm. Tới nơi mới biết là từ tháng 4-5 trở đi, “gió phơn” Tây Nam nóng khô khốc thổi suốt, đất cát mịt mù, phải ăn cơm trong mùng, cát bay lấp hết mọi thứ, cây cối tàn lụi quắt queo. Trái cây nhập từ thành phố khác về nên đắt, ngược lại thực phẩm Vinh tương đối rẻ.
 
Trước khi vào thành phố thì qua ngã ba Bến Thủy, có tượng đài nông công binh hừng hực búa liềm, kỷ niệm cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ An trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, để rồi hoàn toàn ngỡ ngàng với một Vinh trù phú thịnh vượng. Chị bạn gốc Vinh nói: “Trời ơi, ông nội tui mà đội mồ trở về thì tưởng lạc qua… Hongkong”. Bởi Nghệ An xưa nay là một xứ nghèo, giờ thì nhà nhà cửa cửa khang trang bề thế khắp mọi con đường, nhiều cửa hàng tên ngoại quốc huy hoàng sang trọng như ở nước ngoài, đại lộ đúng là “lộ đại”, các dãy chung cư, siêu thị chen nhau vươn lên. Lại được Nhật tài trợ cho nhà chiếu hình vũ trụ duy nhất ở ViệtNam, “là công trình khoa học mang tầm chiến lược quốc gia”.

Tới khách sạn, tắm xong xuống sảnh, hai bà bạn đang chờ vội trả tờ báo về quầy, tròn mắt sôi nổi: “Biết tại sao Vinh giàu không? Toàn buôn gỗ lậu từ Lào xuống và thuốc phiện”. Hèn gì. Cam Vinh nổi tiếng nhưng không đủ làm giàu. Cháo lươn cũng không xuất cảng. Và có hít bột trắng xái đen không mà đặc biệt con gái Vinh rất xinh xắn, cô nào cũng trắng trẻo duyên dáng, từ nhân viên khách sạn, tiệm ăn, hay gặp thấy ngoài đường, ở chợ. Khách sạn thì nói không thành có, khách hỏi “có wifi trong phòng không”, nhanh nhảu “có chứ, nhưng có khi bị lỗi”. Mà thật ra là chẳng có. Cần gấp, đi xuống quầy, thì để không cho khách dùng họ nói “đang bị lỗi”, nhưng khi mình bất mãn nói “tui mới dùng tối hôm qua, bây giờ tui cần gấp một chút”, thì máy tỉnh bơ… hết lỗi ngay! Thì ra dân Vinh cũng… tự nhiên như người Hà Nội!


Xa chút nữa về phía đông Nghệ An là thị xã Cửa Lò, nơi đang có dự án xây cất trung tâm thương mại và khách sạn cao cấp, khu văn phòng, khu thương mại du lịch trục Sông Lam – Cửa Lò, đường cái bao la bát ngát, nhiều khu đất thênh thang cổng sừng sững mang tên resort nọ kia nhưng đã rỉ sét, đất vẫn rậm rạp cỏ hoang. Đặc biệt hải sản Cửa Lò tươi ngon và tương đối rẻ, bãi biển lài, nước cạn.

Ôi, một chuyến ngao du buồn vui lẫn lộn.

Xuân Sương (DNCT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét