Củ nghệ là phần rễ của cây nghệ, mọc hoang dã ở vùng Đông Nam Á bao gồm Ấn Độ, Indonesia, gần các quốc gia Nam Á, một vài đảo Thái Bình Dương trong đó có Hawaii. Tất cả những vùng này có truyền thống sử dụng nghệ như một gia vị hay thuốc chữa bệnh từ xa xưa.
Trong phương pháp chữa bệnh truyền thống của người Ấn Độ (Ayurveda), nghệ có tác dụng làm mạnh và ấm cơ thể. Trong sử dụng hàng ngày, nghệ giúp cho tiêu hóa tốt, cải thiện hệ thực vật đường ruột, loại bỏ giun, làm sạch và mạnh cho gan, túi mật, bình thường hóa chu kỳ kinh nguyệt, giảm viêm sưng, lọc máu, thúc đẩy trao đổi chất.
Ảnh củ nghệ bán ở chợ: Hương Tâm
|
Người Hawaii cổ đại sử dụng nghệ để chữa bệnh xoang và viêm loét đường tiêu hóa.
Củ nghệ được ăn sống hoặc chín khắp châu Á, được giã trộn với thức ăn để tăng hương vị, màu sắc. Người ta cũng dùng bột nghệ để nấu nướng cho tiện lợi.
Khác với củ gừng, ở phương Tây không quen sử dụng món ăn có gia vị từ củ nghệ. Trong năm 1870, các nhà hóa học ở phương Tây đã phát hiện ra nghệ có màu vàng cam biến thành màu nâu đỏ khi gặp chất kiềm. Phát hiện này đã dẫn đến sự phát triển của giấy nghệ... để kiểm tra độ kiềm.
Nhiều nhà khoa học đã đưa ra các lời khuyên về sử dụng nghệ làm thức ăn tốt hơn so với thuốc làm từ nghệ, đặc biệt với bệnh về đường ruột. Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, khi sử dụng nghệ trong nấu ăn sẽ tránh được việc sử dụng quá liều, không tốt cho sức khỏe con người.
Nghiên cứu của Đại học bang Kansas (Mỹ) thấy rằng việc thêm gia vị nhất định, bao gồm cả bột nghệ, có thể làm giảm mức độ của các amin dị vòng - hợp chất gây ung thư được hình thành khi thịt được nướng, luộc hoặc chiên - lên đến 40%.
Các nhà nghiên cứu Đại học South Dakota đã phát hiện ra rằng tiền xử lý với nghệ làm cho tế bào ung thư dễ bị tổn thương hơn so với với hóa trị và xạ trị.
Ảnh nghệ và bột nghệ, gia vị phổ biến ở các chợ. Ảnh: TL-Internet.
|
Dịch tễ học đã đưa ra giả thuyết rằng nghệ là một phần của món cà ri ăn hàng ngày ở Ấn Độ có thể giúp giải thích tỷ lệ thấp của bệnh Alzheimer ở quốc gia này. Trong số những người trong độ tuổi 70-79, tỷ lệ bệnh Alzheimer ít hơn một phần tư của Hoa Kỳ.
Tạp chí Dinh dưỡng đã công bố nghiên cứu của Đại học Tufts cho thấy rằng: Chất curcumin trong củ nghệ có thể giúp ngăn ngừa sự tái phát triển của các tế bào chất béo sau khi giảm cân.
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS Đỗ Tất Lợi, nghệ còn có tên là uất kim, khương hoàng. Tính chất dược lý của nghệ là kích thích sự bài tiết mật của các tế bào gan, thông mật. Chất curcumen có tác dụng phá cholesterol trong máu.
Sách này cũng dẫn ý từ Vũ Điền tân dược tập, nêu rằng nghệ có tác dụng đối với việc giải độc gan nếu dùng liên tục. Dùng nghệ trong những bệnh về gan và đường mật thì chóng hết đau, nhưng với sỏi mật cấp tính thì tác dụng từ từ.
Theo tài liệu cổ, nếu âm hư mà không ứ trệ cấm dùng, các bệnh sản hậu mà không phải nhiệt kết cũng không nên dùng, đàn bà có thai không nên dùng. Nghệ thường được dùng trong bệnh đau dạ dày, vàng da, phụ nữ sinh nở xong đau bụng. Trong dân gian, nghệ còn được bôi lên vết thương vừa lên da non để nhanh lành.
Hương Tâm (tổng hợp từ huffingtonpost.com, herballegacy.com, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét