Cá Kơ Nông được chế biến thành 3 món: một là cá kẹp giữa thân cây tre nướng trực tiếp ở bếp than; hai là cá nướng ống lồ ô; ba là dùng cá nấu canh với một số loại rau rừng.
Đến làng cổ Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum), du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp từ những ngôi nhà sàn truyền thống của người Ba Na; chếnh choáng với men rượu cần và đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên qua những lễ hội; mà còn được thưởng thức rất nhiều món ngon độc đáo mang hương vị riêng biệt của bà con nơi đây. Trong đó, ấn tượng nhất là món cá Kơ Nông (cá đá), bởi cách chế biến và thưởng thức thì chỉ ở đây mới có.
Anh A Chun, một người dân bản địa ở làng cổ Kon Kơ Tu, cho biết Kơ Nông là loài cá thường sinh sống ở khúc sông có nhiều đá và nước chảy xiết. Thức ăn chủ yếu của loài cá này là các loại rong rêu bám trên những tảng đá chìm sâu dưới nước. Từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau là mùa đẻ trứng của cá Kơ Nông. “Có lẽ đây là loại cá đặc sản của vùng này nên khả năng sinh sản cũng ít hơn những loại cá khác”, anh A Chun phỏng đoán.
Sau hơn 2 giờ đồng hồ buông lưới xuống những vùng nước xiết, cuối cùng những con cá Kơ Nông to bằng hai ngón tay đã được kéo lên theo những tấm lưới của A Chun. Vừa gỡ cá trên những tấm lưới nhấp nhoáng dưới ánh nắng, A Chun vừa nói: “Kơ Nông là loài cá nhỏ ở đây, con lớn nhất chỉ đạt từ 0,3 đến 0,4 kg nhưng loại này cũng rất hiếm; phần lớn chỉ đạt trung bình từ 0,2 đến 0,3 kg/con. Một đặc điểm khác biệt của cá Kơ Nông khi nhìn thấy ai cũng dễ nhận biết, bởi cá có màu đen xám, trên đỉnh đầu có sừng màu đỏ rất cứng”.
Sau mấy giờ đồng hồ giăng lưới bắt cá, nhìn vào chiếc giỏ cũng đã kha khá, A Chun dẫn chúng tôi trở về làng. Như thường lệ, chị Y Xenh (vợ A Chun) và đứa con gái Y Thoang đón lấy giỏ cá trên tay bắt đầu chế biến. Trong lúc A Chun đi giăng lưới, ở nhà hai mẹ con đã nhóm sẵn một bếp than hồng, hái sẵn hàng chục loại rau rừng chuẩn bị chế biến món ăn.
Y Thoang cho biết, cá Kơ Nông được bà con làng Kon Kơ Tu chế biến thành 3 món: một là cá kẹp vào giữa thân cây tre đã được chẻ làm đôi, nướng trực tiếp ở bếp than; hai là cá nướng ống lồ ô; ba là dùng cá nấu canh với một số loại rau rừng.
Mỗi món ăn mang hương vị đặc trưng riêng, nhưng nói chung cả ba món này đều hấp dẫn du khách. Trong đó, đơn giản nhất là món cá nướng bếp than. Còn món cá nướng ống lồ ô có vẻ cầu kỳ hơn, bởi để món ăn đậm đà thì người chế biến phải giã thêm ít muối ớt đem trộn với cá rồi cho vào ống lồ ô, lấy lá chuối bịt kín hai đầu trước khi nướng để giữ mùi thơm. Sau đó, đặt lên bếp than nướng chừng 30 phút là có thể thưởng thức được.
Tuy nhiên, hai món kể trên vẫn chưa thể kỳ công bằng món canh cá Kơ Nông. Món này kèm theo rất nhiều loại rau rừng, có loại phải vào tận rừng sâu mới có. Sau khi tìm đầy đủ các loại rau cần thiết, thì việc chế biến lại rất đơn giản. Mổ cá và rửa sạch, cho vào nồi nước đun đến lúc sôi, sau đó cho các loại rau rừng vào, thêm ít muối, bột ngọt là ăn được.
Chị Y Xenh cho biết thêm, ngày trước, ruột của những con cá Kơ Nông loại lớn được đồng bào Ba Na giữ lại; sau khi đã làm sạch, cho vào một ít muối, trộn thêm cà rừng (bà con còn gọi là cà Lào) đã được thái nhỏ, sau đó cho vào trong ống lồ ô treo lên gác bếp (giống như món mắm ruột cá) để dành. Đây là món ăn với cơm và có vị rất đắng, không phải ai cũng thưởng thức được.
Thịt cá Kơ Nông nấu chín rất trắng, thơm. Cá nướng ăn cùng với cơm lam và một ít muối ớt đậm đà là món ăn không ai có thể cưỡng lại được khi được bà con ở đây thết đãi. Nhấp một muỗng canh cá, vị ngọt nhanh chóng lan tỏa khắp khoang miệng kết hợp với vị the the của lá tàu bay, mùi thơm của ngò tàu, vị đắng của rau má, một chút nhơn nhớt của rau dớn... hòa quyện, tạo cảm giác thật mát lành.
Gia Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét