1. Tết về quê, vô nhà nào nhìn lên bàn thờ, ngoài bộ lư đồng sáng choang, hoa huệ trắng, cúc vàng, cũng thấy bánh in, bánh tháp và bánh phục linh đủ màu nằm lẫn giữa trái cây trên mâm ngũ quả.
Trong bếp luôn có thẩu bánh thửng, hộp mứt đủ loại và vài cây bánh tét để sẵn. Những món bánh quen thân mang lại chút không khí Xuân về, để đứa con xa nhà, mỗi lần về quê, rưng rưng nghẹn ngào nhớ lại kí ức tuổi ấu thơ dẫu bây giờ không khí Tết chẳng còn như xưa nữa. Lớn hết rồi, chẳng náo nức chờ má mua áo mới, lẽo đẽo theo ra chợ ngó hàng hóa tràn ra đường, chỉ cái này, trầm trồ cái kia, đòi mua tất tần tật cả chợ về ăn Tết cho bằng bạn bè.
Tết mà, ai cũng muốn nhà mình có cặp bánh tháp thiệt to chưng bàn thờ cho sang để ngầm khoe là nhà mình khá giả lắm
Anh Yên, chị Hiệp của tôi cả đời sống bằng nghề làm bánh in bỏ chợ, cái nghề thủ công lẩn quẩn cả ngày trong bếp, quần quật suốt năm, không giàu, chẳng khổ, đủ kiếm đồng ra đồng vào, thu vén nuôi con. Chị bắt đầu làm bánh lúc mới về nhà chồng, giờ gần năm mươi, có cháu ngoại ẵm bồng, đầm ấm.
Trong năm, anh chị làm chủ yếu bánh in hình vuông hoặc tròn, đóng triện chữ Tàu, bên ngoài bao lại bằng giấy nhựa. Năm trăm một cái, mười cái gói thành chục, đem bỏ sỉ ngoài chợ. Người ta mua về bán lẻ ở chợ quê để cúng ông Địa, Thần tài, sẵn tiện sáng sớm rót ấm trà, nhâm nhi cái bánh, ngẫm sự đời đen bạc.
Thỉnh thoảng chị làm thêm phong bánh in gói giấy đỏ vàng, người ta mua về bỏ quả, đi hỏi vợ cho con. Ngoài ra còn có me ngào đường, bắp nổ, nui chiên, tai neo cong vòng, xoắn vào nhau, nối luôn nghiệp làm đường tán đã nuôi sống gia đình tôi những năm sau cuộc chiến.
2. Khoảng tháng chín âm lịch, chị mua bột bánh in, giấy màu và đường cát về trữ cho rẻ. Cuối tháng mười, lụt dứt, nắng lên, chị lôi bột trong kho đổ ra nia, hong sương cho “nguội”. Bột rất nóng, nếu không hong sẽ chẳng ăn đường, đóng khuôn chẳng được. Tới đầu tháng mười một, chị ngừng làm các loại bánh khác, tập trung cho bánh in bỏ chợ Tết.
Anh Yên đổ đường cát vô nồi, nấu cho tan, bỏ ít bột chua hay nước cốt chanh. Tới khi nào kéo chỉ thì lấy đũa khuấy đều cho đường đặc như bột ướt. Trộn thêm gừng để bánh được thơm. Trong bếp, mấy anh thợ vạm vỡ, lấy chày gỗ, có tay nắm hai đầu, cán bột và đường thành hỗn hợp bột dẻo. Nếm vừa miệng, anh đẩy qua cho thợ bạn nhồi khuôn đóng bánh, còn mình tiếp tục cán nhã khác. Anh nén bột thiệt chặt trong khuôn, lấy hoa văn chữ Tàu ịn lên trên, cầm dao cắt thành hình chữ nhật, làm bánh thẻ.
Xưởng nhà chị nổi tiếng làm bánh tháp cao hơn nửa thước, mỗi cái nặng cả kí, khiêng xính rính. Cũng bột bánh in nhồi vô khuôn gỗ, để ít giây cho bánh dính, úp ngược xuống, lấy cây gõ đều chung quanh rồi giở khuôn lên. Bánh có hoa văn rồng phượng uốn quanh, thơm mùi bột, mùi gừng, mỗi năm mỗi to hơn cao hơn để khỏi đụng hàng với xưởng khác.
Tết mà, ai cũng muốn nhà mình có cặp bánh tháp thiệt to chưng bàn thờ cho sang để ngầm khoe là nhà mình khá giả lắm. Bánh tháp đi kèm với cái đế hình bát giác, làm bằng bột bánh in, để dưới chân. Xong cái nào, anh đẩy cái ấy ra cho tụi nhỏ lấy giấy màu gói lại. Màu vàng và đỏ luôn bán chạy hơn các màu khác vì đó là biểu tượng của sự thịnh vượng, sang giàu, và phồn vinh cho năm mới.
Bánh phục linh làm bằng bột năng rang chín, trộn với đường (như bánh in) và nước cốt dừa nấu chín (nước dừa tươi làm bánh ngon hơn nhưng không để được lâu). Lấy tay nhồi cho bột ướt nhưng vẫn ở dạng rời chứ không kết thành khối dẻo mịn. Muốn biết bột tới hay chưa, hốt một nhúm bỏ vô lòng bàn tay, bóp chặt. Mở ra thấy bột nén lại nhưng chạm nhẹ là vỡ nát. Thành rồi đó, chuẩn bị nhồi khuôn.
Bánh phục linh hình tròn, màu trắng ngà, không bỏ phẩm hay chất tạo màu cho đẹp. Khuôn bánh bằng nhựa, có tay cầm, gồm sáu lỗ hình con nai, cành hoa, con rùa, đồng hồ và trái thơm và mặt ông Địa. Nhồi chặt vô khuôn, lấy dao gọt bột dư trên mặt rồi úp xuống mâm, gõ nhẹ, bánh rớt ra ngoài. Nói thì dễ, nhưng chả đơn giản tí nào, mạnh tay là bánh bể, nhẹ tay thì bánh không dính. Cực trần ai. Để bánh bên ngoài vài tiếng cho ráo rồi nhẹ nhàng gói vào giấy màu, bên trên vặn lại hình hoa. Đem bỏ túi nhựa, mười hai cái thành một chùm, mười chùm thành một dây, treo lủng lẳng. Ăn bánh phục linh không cần cắn mạnh. Để vào miệng, bánh tự động tan ra, vị ngọt và béo làm người ta mê mẩn.
Những năm sau này chị và nhiều người khác không làm bánh phục linh bằng bột năng rang chín nữa bởi nó ít lời, kì công, lại dễ vỡ. Cứ lấy bột bánh in có sẵn cho tiện. Thỉnh thoảng thèm, nói chị làm vài mẻ đúng chất để ăn. Lúc đó mới biết tại sao già cái đầu rồi mà mình vẫn thèm bánh phục linh dữ dội. Mở giấy màu, hồi hộp không biết trong đó có hình gì. Mê nhất là con nai và ông Địa, cứ muốn cầm để ngó hoài. Gặp trúng đồng hồ hay cành hoa, bỏ vô miệng lủm liền cái một.
3. Đầu tháng Chạp bắt đầu đem ra chợ bỏ, bán miết tới tất niên. Dẫu có nhiều người làm bánh in, bánh tháp, cạnh tranh dữ dội nhưng hàng của anh chị bao giờ cũng chạy nhất, bởi bánh tháp cao to, thay đổi kiểu dáng mỗi năm, bột và gừng thơm dìu dặt.
Bánh in chưng vài tháng, cả năm không hư. Để lâu, bánh càng cứng và dẻo. Đặc biệt, mùi thơm của gừng không bao giờ mất.
Anh Yên, chị Hiệp của tôi cả đời sống bằng nghề làm bánh in bỏ chợ, cái nghề thủ công lẩn quẩn cả ngày trong bếp, quần quật suốt năm, không giàu, chẳng khổ, đủ kiếm đồng ra đồng vào, thu vén nuôi con.
Chị dành hẳn một gian nhà để chất bánh. Có năm làm cả tấn bột như chơi. Làm liên tục cả ngày, mãi tới cúng ông Táo mới ngừng, lo dọn dẹp nhà cửa.
Thỉnh thoảng chị làm thêm phong bánh in gói giấy đỏ vàng, người ta mua về bỏ quả, đi hỏi vợ cho con
Xưởng nhà chị nổi tiếng làm bánh tháp cao hơn nửa thước, mỗi cái nặng cả kí, khiêng xính rính.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét