Cái nghề mà đám thanh niên trai tráng chỉ học được nửa buổi là… bỏ dép chạy lấy người. Chỉ còn lại lứa thợ gạo cội, có thâm niên từ mấy chục năm trước mới gắn bó với cái nghề làm bếp lò đất – để giữ lại chút gì đó, nét văn hóa Sài Gòn xưa.
Mải miết ghi chép số lượng bếp khách hàng đặt mua dịp tết, ông Trần Văn Tiếp, chủ cơ sở sản xuất Hưng Lợi, nằm dọc trên con kênh Phú Định (phường 16, quận 8) vẫn như dở khóc dở cười khi kể về cái nghề mà hiện giờ chỉ mỗi mình mình còn lưu giữ ở Sài Gòn: “Mới mấy hôm trước, có hai đứa thanh niên làm ruộng, to khỏe từ dưới Bến Tre lên xin học nghề. Tụi nó còn chê mấy đứa làm của tui sao mà ốm yếu quá. Vậy mà chỉ học được có nửa buổi, hai đứa nó bỏ luôn cả đôi dép để trốn đi, chắc sợ ngại khi đụng mặt tui”.
Đất sắt được khiêng chuyền tay nhau
Dưới tiết trời nắng gắt, mấy anh công nhân vẫn ròng rã khiêng từng cục đất sắt từ dưới ghe lên bờ. Mồ hôi của ai nấy cứ tong tỏng chảy ròng. Còn đám thợ làm bếp chỉ còn lại chừng chục người, họ đều đã gắn bó với nghề này từ mấy chục năm trước.
“Mỗi bếp lò thành phẩm tụi tui được ông chủ trả 7.000 đồng. Chưa có cái nghề nào mà như nghề này cả, cực lắm. Đến nỗi đám lính vào phụ việc tuyên bố thẳng thừng: “Thà làm cu li chứ không bao giờ lên làm thợ chính”. Tụi nó chỉ muốn vào phụ làm kiếm tiền, ít bữa tìm việc khác sống. Cũng bởi vậy mà giờ thợ toàn là mấy ông già, vài năm nữa chẳng biết có ai còn thạo nghề này nữa hay không”, ông Tư Nam (60 tuổi, ngụ quận 8), một thợ lành nghề trong cơ sở, chỉ biết cười trừ khi nói về cái nghề mà mình đã gắn bó từ lúc 11 tuổi.
“Hồi đó cuộc sống khó khăn, cơ thể ốm tong teo mà vẫn theo nghề được. Những ngày đầu mới làm mệt ghê lắm. Mà làm miết, dần dà rồi thấy quen”, ông Tư kể.
Để có được một bếp lò đất hoàn thiện, phải cất công xuống tận tỉnh Long An, Tiền Giang… để lấy đất sắt về. Xong phải nhào đất kỹ càng, đúc bếp, cắt gọt cho bóng loáng. Phơi thêm mấy nắng rồi mới đem nung trong trong lò nung suốt nhiều giờ.
Một mùa tết nữa sắp đến. Giữa chốn Sài Gòn xa hoa, vẫn còn đâu đó những công việc thật đời thường. Nó như góp phần nung nấu, giữ lửa cho mỗi mái ấm trong gia đình người Việt luôn ấm áp, đong đầy nỗi nhớ quê hương, đất nước khi thiên di xứ người.
Theo những công nhân, lấy đất sắt từ dưới ghe lên khá nặng nhọc, làm kéo dài nên rất hay bị đau lưng
Chuyền tay nhau theo thứ tự
Một công việc khá nặng, cơ thể lúc nào cũng lấm lem
Phải rửa ráy sạch sẽ để nghỉ trưa
Cột võng ngủ trong bụi dừa nước cho mát mẻ
Việc làm bếp lò đất đòi hỏi sự tỉ mỉ rất cao
Chuyên tâm vào sản phẩm
Từng động tác cắt gọt phải nhịp nhàng, khéo léo
Những chiếc bếp lò phải được phơi thêm mấy nắng mới bắt đầu cho vào lò nung
Lò nung được đốt bằng vỏ trấu, hoạt động 24/24
Công nhân luôn túc trực để giữ lửa
Sản phẩm được chất thành đống bên cạnh lò nung, khói bay ngùn ngụt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét