Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

'​Binh chủng đặc biệt' trong chiến thắng Ngọc Hồi

Chiến thắng Ngọc Hồi vào mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 có đóng góp cực kỳ quan trọng của voi chiến - "binh chủng đặc biệt" của quân Tây Sơn.
Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện, đồn Ngọc Hồi là nơi có vị trí then chốt. Đây cũng là nơi tập trung nhiều quân tinh nhuệ và tướng giỏi của Tôn Sĩ Nghị.
Cuộc tiến công vào đồn Ngọc Hồi của quân Tây Sơn vào sáng mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789 được bắt đầu bằng 100 voi chiến. Là người có đầu óc cải tiến táo bạo, lần đầu tiên, Nguyễn Huệ bố trí đại bác trên lưng voi, chẳng khác gì xe tăng hiện đại.
Từng nghe tiếng sức mạnh của voi chiến Tây Sơn, trước khi sang xâm lược nước ta, Tôn Sĩ Nghị đã nghiên cứu cách chống đỡ. Người này căn dặn quân lính: “Nếu thấy voi ra trận, xa thì bắn súng, gần dùng cung và lao làm cho nó bị thương mà chạy trở lại, giày xéo lẫn nhau. Quân nhân cơ hội ấy mà tiến lên, thế nào cũng thắng trận”.
Ngoài ra, phía ngoài đồn Ngọc Hồi, quân địch bố trí bãi chướng ngại dày đặc, trong đó có chông sắt và địa lôi, nhằm ngăn cản tượng binh, không cho tiến sát vào chiến lũy.
'​Binh chung dac biet' trong chien thang Ngoc Hoi hinh anh 1
Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. 

Nhưng trước đội tượng binh lớn mạnh đang hùng hổ xông đến, quân Thanh không khỏi hoảng sợ. Đề đốc Hứa Thế Hanh vội vàng ra lệnh cho lực lượng tinh nhuệ nhất của quân Thanh là kỵ binh lao ra nghênh chiến.
Nhưng vừa trông thấy đàn voi, ngựa quân Thanh đã “sợ hãi, hí lên, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Chưa đánh, đội kỵ binh thiện chiến của địch đã rối loạn đội hình”.
Quân Tây Sơn thừa thắng thúc voi đuổi theo. Quân địch càng hoảng sợ, tất cả rút lui, cố thủ. Từ trên cao, chúng bắn đại bác và cung nỏ dữ dội để cản đường tiến của voi Tây Sơn.
Đợt tấn công thứ hai, theo lệnh của vua Quang Trung, đội voi chiến lập tức chia ra làm hai cánh đánh vòng về hai phía tả và hữu để mở đường cho cảm tử quân tiến lên.
Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, đây là đội quân cảm tử gồm 600 người, chia làm 20 tốp. Họ mang dao ngắn bên hông, khiêng một tấm mộc lớn bằng gỗ phía ngoài quấn rơm ướt và 20 người cầm vũ khí tiến theo sau.
Hai mươi toán quân cảm tử dàn ngang thành thế trận chữ “Nhất”, phía trước là 20 tấm mộc kết liền với nhau như bức tường thành di động, xông thẳng vào trận địa của địch. Những tấm mộc bọc rơm ướt có tác dụng chống đỡ đại bác và cung tên của địch từ trong chiến lũy bắn ra, che chở cho đội quân xung kích tiến lên.
Khi đội xung kích tiến gần đến chiến lũy, quân Thanh lợi dụng gió mùa Đông Bắc, dùng súng phun lửa, tung hỏa mù nhằm làm rối loạn trận địa quân Tây Sơn.
Tuy nhiên, bãi chướng ngại vật, đại bác, cung tên hay hỏa mù không thể cản được bước tiến của đội quân anh dũng.
'​Binh chung dac biet' trong chien thang Ngoc Hoi hinh anh 2
Hình tượng vua Quang Trung và các lãnh đạo Tây Sơn trên voi chiến được phục dựng tại lễ hội tại Bình Định. Ảnh: Kiến Thức.
Sau khi áp sát chân lũy, quân xung kích liền bỏ các tấm mộc xuống, dùng đoản đao và các thứ vũ khí mang theo, xông lên phá cửa lũy, chặt rào rồi nhanh chóng đột nhập doanh trại của địch.
Quân địch chống trả quyết liệt và tổ chức phản kích hòng đẩy quân Tây Sơn ra ngoài, chiếm lại cửa lũy. Nhưng đội quân xung kích Tây Sơn kiên quyết giữ vững cửa đột phá để mở đường cho đại quân tiến lên.
Quân chủ lực Tây Sơn, dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung, lao vào đồn lũy của địch. Bộ binh, kỵ binh, tượng binh của ta ào ạt xông vào cửa lũy đã mở. Từ hai bên sườn đồi Ngọc Hồi, đội tượng binh cũng đồng thời đánh ập vào. Quân ta “lùa voi, xông pha tên đạn, nhổ rào lũy tiến vào”.
Trước sức tiến công vũ bão của quân Tây Sơn, các chiến lũy và toàn bộ trận địa phòng thủ mặt nam của đồn Ngọc Hồi bị phá hủy tan tành. Sở chỉ huy của Đề đốc Hứa Thế Hanh bị tiêu diệt.
Cũng theo Hoàng Lê nhất thống chí, “quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn giày xéo lên nhau mà chết... Thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại”. Chiều mùng 5 tết, vua Quang Trung và Đô đốc Bảo tiến vào Thăng Long trong sự chào đón của nhân dân.
Sách Đại Nam chính biên liệt truyện mô tả: “Áo bào Quang Trung sạm màu thuốc súng”. Cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược đã hoàn toàn thắng lợi.
Theo sự dẫn đường của vua Lê Chiêu Thống, cuối năm 1788, 29 vạn quân Thanh dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị tiến vào xâm lược nước ta.
Nhận được tin, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế (ngày 22/12/1788), lấy niên hiệu là Quang Trung. Sau lễ lên ngôi, vua lập tức kéo quân ra Bắc chống giặc.
Với tài năng quân sự kiệt xuất của mình, chỉ trong vòng 6 ngày (từ đêm 30 đến trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789), vua Quang Trung đã đánh tan quân Thanh, bảo vệ vững chắc chủ quyền độc lập của dân tộc.
.
Nguyễn Thanh Điệp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét