Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Làng cổ Phước Tích

Làng trường thọ


Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) không chỉ đẹp như tranh bởi những mái nhà rường độc đáo cùng không gian sân vườn, cảnh vật làng quê hiền hòa mà ở đó còn có những con người rất đặc biệt...
Cả làng có 117 hộ, 327 khẩu thì có khoảng 100 người ở độ tuổi 70 - 103, Phước Tích được mệnh danh là làng trường thọ của vùng đất cố đô.
Cụ Lương Thanh Thị Hén dù đã gần trăm tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh.
Làng cổ, nhà cổ và... người cổ
Nếu ai đã có dịp ghé thăm ngôi làng cổ này, ắt sẽ ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp yên bình cổ kính nơi đây. Ngôi làng được hình thành vào thế kỷ 15, là ngôi làng cổ thứ hai của VN được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
Phước Tích nằm e ấp bên dòng Ô Lâu trong xanh. Đường làng ngõ xóm rợp bóng cây xanh. Từng tán cây to che lấp cả bầu trời. Không khí mát mẻ, trong lành và dễ chịu.
Nhưng điều người ta dễ dàng nhận thấy là làng rất vắng bóng người. Thỉnh thoảng mới có người qua lại. Toàn làng có khoảng 120 nóc nhà thì có 27 ngôi nhà rường trên 100 năm tuổi, cùng 12 nhà thờ họ cùng các đền miếu cổ còn nguyên vẹn. Tất cả đều nhuốm màu thời gian với những cột gỗ đen bóng. Kèo, xuyên, hoành phi, bản khoa, cửa đố... được chạm trổ tinh xảo. Những ngôi nhà rường được bao bọc bởi những hàng rào hở bằng cây chè tàu. Chủ nhân những ngôi nhà ấy hầu hết là những cụ ông, cụ bà râu tóc bạc hiền lành. Mọi thứ thật tĩnh lặng và yên bình.
Ngay sau lưng lò gốm của làng là nhà cụ Lương Thanh Thị Hén, dù đã gần trăm tuổi nhưng ngày ngày cụ vẫn cầm chổi quét từ nhà ra cổng, rồi từ cổng vào nhà như một thói quen. Dưới gốc nhãn già, cụ Hén móm mém, niềm nở trò chuyện với những ai ghé thăm. Cụ nói: “Năm nay tui 100 rồi đó. Cây nhãn già ni còn thua cả tuổi tui. Ngày mô nó cũng rụng lá rụng cành nên tui phải quét dọn sạch sẽ rồi kiếm vài lẻ củi khô cũng đủ để nấu nồi cơm ngon lành…”. Dù bước chân không còn nhanh nhẹn, lưng cũng đã còng, nhưng ở cái tuổi như cụ mà còn minh mẫn như vậy quả thật không nhiều. Dẫn chúng tôi vào ngôi nhà cổ, cụ bưng khay cau trầu mời khách. Chiếc bình vôi là sản phẩm của làng gốm Phước Tích cũng gần trăm tuổi như cụ… “Ở làng tui, tuổi như tui không hiếm mô. Cô chú đừng ngạc nhiên. Tui còn trẻ hơn nhiều người lắm”, cụ Hén vừa nhai trầu vừa hiền lành nói.
Vui, khỏe, có ích
Nhà cụ Tự và cụ Lê ở ngay đầu làng. Ngôi nhà cây cỏ xanh mát. Cụ Tự có bộ râu dài ngang ngực trông như ông bụt trong trí tưởng tượng của trẻ thơ. Ngồi trên chiếc phản, cụ nói chuyện làng chuyện nước một cách rành mạch và minh mẫn. Cụ cho biết, cụ có bảy người con, con đầu sinh năm 1952. Hiện tại, gia đình cụ đã có 4 thế hệ với 30 con cháu. Khi được hỏi về bí quyết sống khỏe, cụ chỉ cười và nói: “Thì cứ sống vui khỏe là nó khỏe à, chứ bí quyết chi mô…”.
Minh mẫn, khỏe mạnh nên cụ Tự vẫn làm hội chủ của làng cổ nhiều năm nay. Việc cúng bái, tục lệ của làng, cụ vẫn nói vanh vách để người trẻ làm theo. Cụ Trương Thị Thú, một người trong làng cho biết: “Sáng sáng chiều chiều, ông Tự vẫn đi khắp xóm khắp làng. Ông còn khỏe re à. Đi lại chân tay mới cứng cáp được. Rồi gặp bà con xóm giềng nói chuyện làng nước càng vui...”.
Cụ Thú năm nay cũng đã ngoài 85 tuổi. Cụ sống một mình trong ngôi nhà cổ trăm tuổi. Khách du lịch ghé nhà cụ thường xuyên bởi sự vui vẻ, niềm nở của cụ. “Tui lấy chồng năm 17 tuổi, con cái bây giờ ở xa cả, chỉ có người con gái là ở gần nhà. Con cái cứ bắt cụ đến nhà nó ở để nó chăm nhưng tui không chịu. Ở nhà để còn hương khói, quét dọn nhà cửa. Đây là nhà cửa, đất đai tổ tiên không thể để lạnh lẽo được. Mà khách du lịch vô ra thường xuyên có gì mà buồn. Khi nào vắng thì sang nhà hàng xóm bửa cau hái trầu nhai và nói chuyện”, cụ nói.
Cụ Thú kể, mấy lần lên thành phố chơi mà thấy bức bối quá. Ở quê được cái mát mẻ trong lành. Cây cối còn nhiều hơn nhà. Cây trái cũng có trong vườn, nào vả, mít, thơm, cà... Cá có dưới sông. Tất cả đều tươi ngon, sạch sẽ.
Nhiều người chưa đến Phước Tích đã rất tò mò tại sao ngôi làng nhỏ bé này lại có nhiều người sống thọ đến thế. Nhưng khi đến đây nhìn cảnh vật, không khí, cuộc sống vui vẻ nơi đây thì đã phần nào giải đáp được thắc mắc ấy.
Hiện nay, làng có nhiều câu lạc bộ. Trong đó có câu lạc bộ dưỡng sinh với sự tham gia không chỉ các cụ ông, cụ bà mà còn có nhiều người trung niên. Có lẽ sống vui, khỏe, lạc quan cùng với thường xuyên rèn luyện sức khỏe chính là bí quyết khiến Phước Tích trở thành làng trường thọ được nhiều người biết đến...
Ông Hoàng Tấn Minh, Trưởng thôn Phước Tích, cho biết, cả làng có 117 hộ, 327 khẩu thì có khoảng 100 người độ tuổi 70 - 103. Trong đó có 40 người từ 80 tuổi trở lên. Trong thôn có cụ Nguyễn Duy Thị Diệp là già nhất với 103 tuổi. Người con út của cụ đã ở tuổi 63. Cặp vợ chồng già nhất là cụ Nguyễn Bá Tự, 93 tuổi và cụ Hồ Thị Lê, 91 tuổi.
Bài, ảnh: Tuyết Khoa (Thanh niên)

 Sống bằng chữ nghĩa


Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) không chỉ có nhà rường, nghề gốm mà còn nổi danh khắp xứ là làng hiếu học.
Làng cổ Phước Tích - Kỳ 2: Sống bằng chữ nghĩa - ảnh 1Văn Thánh, nơi thờ Khổng Tử được đặt trang trọng ngay đầu làng.
Làng học giỏi hàng đầu xứ cố đô
Hiếm có một làng quê nào lại có miếu Văn Thánh như làng cổ Phước Tích. Miếu được đặt ngay đầu làng như lời nhắc nhở con cháu luôn phải chăm lo học hành, rèn đức luyện tài. Mỗi dịp lễ tết, dân làng lại ra làm lễ tại miếu với các nghi thức, lễ nghi như những tập tục của làng.
Tuy không nằm trong danh sách làng khoa bảng của VN, Phước Tích vẫn được biết là làng học giỏi hàng đầu xứ cố đô với câu ca: “Tú tài lấy triêng mà gạt/Cử nhân lấy trạc mà khiêng”. Dân làng giải thích, “triêng” là đòn gánh và “trạc” là dụng cụ khiêng đất, gồm một tấm đan bằng nan tre dày, buộc hai đòn tre hai bên, khi khiêng phải có 2 người, một người đi trước một người đi sau. Xưa khi đong lúa, người ta thường dùng cái ống tre để gạt phần lúa thừa trên cái thùng gỗ hay hộc gỗ. Ở Phước Tích, do người đỗ tú tài nhiều quá nên phải dùng đòn gánh thay cho ống tre để gạt. Cũng là chuyện xưa, làng nào có người đỗ cử nhân là vinh dự lớn, dân làng phải dùng kiệu để rước. Phước Tích có nhiều người đỗ cử nhân, không đủ kiệu nên phải thay bằng cái trạc để đi đón. Ở làng Phước Tích, nổi tiếng với nghề làm gốm, nhà nào cũng vài ba cái trạc khiêng đất đồng thời cũng để khiêng luôn cử nhân.
Theo sử sách còn lưu của làng, từ năm Thành Thái thứ 2 (1890), 11 ông thí sinh, khóa sinh trong làng làm đơn xin trưng đất ở, lập nên xóm Hội (tên chữ là Xuân Viên) nhằm cùng nhau tu chí học hành, dạy dỗ con em theo đường học vấn nên còn gọi là xóm Học. Trước đó, dưới thời vua Gia Long đã có cụ Nguyễn Văn Kham thi đỗ tú tài, là người phát khoa của làng, về sau làng có hơn 20 người thi đỗ tú tài, cử nhân, có người làm đến tri huyện, tri phủ, thị giảng học sĩ Hàn lâm viện... Điều này thể hiện rõ trong các ngôi nhà cổ, ở các bức hoành phi, câu đối, các đồ dùng đều có đề cập đến thân thế của chủ nhân và bạn bè hoặc việc xây dựng thờ phụng ở Văn Thánh của làng.
Ông Hoàng Tấn Minh, Trưởng làng cho biết: “Hiếu học là truyền thống của làng bao đời nay. Dân làng ai cũng đề cao việc học. Không chỉ xưa mà nay vẫn thế. Cả làng có 117 hộ với 327 người, không nhà nào để con em học dở dang. Đa số đều học đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định”.
Nơi sản sinh 30 tiến sĩ
Nằm bên dòng Ô Lâu quanh năm phù sa bồi đắp nhưng làng cổ Phước Tích là làng duy nhất của xã Phong Hòa không có ruộng. Phước Tích vốn lấy nghề thủ công truyền thống làm kế sinh nhai. Nghề ấy là nghề gốm. Ngoài nghề truyền thống thì con cái luôn được cha mẹ hướng theo con đường học. Đặc biệt, từ khi nghề gốm lụi tàn, việc học càng được coi trọng. Dễ dàng nhận thấy trong những ngôi nhà nơi đây, đặc biệt là những ngôi nhà rường, chữ nghĩa hay những đạo lý ở đời được phủ đầy nhà bằng những câu đối, bức hoành phi… Sách vở cũng không ít. Vừa bước vào nhà, thoạt nhìn đã biết gia chủ rất “chữ nghĩa”.
Chị Lê Thị Kiều, người trong làng cho biết: “Con cái làng này ngoài việc phụ giúp việc nhà cho ba mẹ thì chỉ lo học. Phụ huynh nào cũng rất quan tâm theo dõi việc học của con mình. Như tui đây, ba đứa con cũng đã học ra trường đi làm, đã tự nuôi mình. Giờ chỉ còn hai vợ chồng ở nhà buôn bán nhỏ sống với nhau”.
Khi chúng tôi hỏi gia đình nào học giỏi nhất thì mới biết nhà nào cũng có con đi học, đỗ đạt. Theo ông Lê Trọng Đào, Hội trưởng Hội Khuyến học của làng, hiện nay làng có trên 30 tiến sĩ ở các lĩnh vực, còn cử nhân, thạc sĩ nhiều không kể hết. Hằng năm, 100% học sinh đều đỗ cấp 3 và khoảng 80% đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Các năm, Hội Khuyến học của làng luôn có danh sách học sinh giỏi, đỗ cao đẳng - đại học để khen thưởng, khuyến khích, động viên. Học sinh giỏi các năm luôn cao, chiếm khoảng 80% tổng số học sinh của làng. “Hiện nay, đa phần con em trong làng ra trường đều có công ăn việc làm. Chăm ngoan học giỏi là truyền thống bao đời nay của làng. Đó cũng là niềm tự hào của người dân trong làng. Việc khuyến khích học tập không chỉ được người dân hiện đang sống tại làng mà còn được hội đồng hương các nơi rất quan tâm. Hằng năm các hội đồng hương thường hỗ trợ quà, học bổng để tặng thưởng động viên những em học sinh giỏi hoặc khó khăn”, ông Đào cho biết thêm.
Bài, ảnh: Tuyết Khoa (Thanh niên)

 Làng giáo


Sau nghề gốm thì nghề giáo là nghề của nhiều người dân làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Hầu hết nhà nào cũng có con em theo nghề gõ đầu trẻ.
Hằng năm, Phước Tích chào đón nhiều sinh viên các nơi về nghiên cứu hay thực tế, nhiều sinh viên là học trò cũ của thầy cô trong làng.
Hội nhà giáo
Đến ngày 20/11, nếu có dịp ghé Phước Tích, bạn sẽ ngạc nhiên bởi nhiều đoàn học sinh, cựu học sinh tập trung về ngôi làng cổ xinh đẹp nhỏ bé này. Càng ngạc nhiên hơn bởi vào dịp này, dân làng còn tổ chức nhiều hoạt động không kém phần quan trọng như những đại lễ của làng.
Theo thầy Lê Trọng Nam, một bậc cao niên trong làng đồng thời cũng là một giáo viên về hưu, đến ngày nhà giáo, làng thường tổ chức thắp hương tưởng nhớ ở Văn Thánh của làng, đồng thời tổ chức khen thưởng, phát học bổng cho con em học giỏi trong làng và tổ chức những cuộc hội đàm về nghề giáo…
Bởi thế, khác với những làng khác, ngoài những hội đoàn thể thường thấy thì Phước Tích có thêm hội giáo viên với khoảng 50 người đang sinh hoạt. Hội giáo viên là nơi sinh hoạt của những thầy cô giáo đã về hưu và đang dạy học, đang sinh sống trong làng. Hội không chỉ tổ chức những hoạt động ý nghĩa vào ngày Nhà giáo VN mà còn tổ chức những buổi gặp mặt, trò chuyện, tour du lịch để đi tham quan các nơi. “Mỗi năm hội viên đóng 120.000 đồng/người để làm quỹ sinh hoạt. Là đồng nghiệp, là thầy trò của nhau, hội còn là nơi chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm về nghề dạy học...”, thầy Nam nói.
Trong làng, nhiều người gọi nhau là thầy là cô. Nhiều nhà có hai ba đời đều theo nghề giáo. Trưởng làng Hoàng Tấn Minh cho biết: “Làng Phước Tích có 117 hộ dân, kể cả con em trong làng đang dạy các nơi khác thì có đến 300 - 400 người theo nghề dạy học. Đa phần gia đình nào cũng có người theo nghề giáo, có nhà có tới 5 - 7 người. Trong đó, có 20 giáo viên đã nghỉ hưu đang sống ở làng, 40 giáo viên đang dạy học ở địa phương. Hàng trăm giáo viên khác đang công tác tại các trường học ở các tỉnh thành. Ngoài ra, đông đảo con em trong làng hiện đang là sinh viên theo học tại các trường đại học và cao đẳng sư phạm. Riêng gia đình tui có 5 người con thì hai đứa con trai làm kinh tế còn 3 cô con gái đều học sư phạm”.
Nhất nghề giáo
Một trong những gia đình nổi tiếng về nghề giáo trong làng, có lẽ là gia đình ông Lê Trọng Đào ở gần lò gốm. Ngôi nhà rường 100 tuổi của ông cũng là địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ học trò và khách du lịch. Ngôi nhà cổ kính ngoài những góc dành để thờ cúng, trưng bày gốm thì sách vở chiếm một góc.
Những cuốn giáo án dù đã ngả màu nhưng vẫn được chủ nhân cất giữ cẩn thận như những kỷ vật quý giá. Cả hai vợ chồng ông Đào đều là giáo viên tiểu học và đã về hưu. Bốn người con của ông cũng là giáo viên, đang giảng dạy tại các trường ở địa phương và TP.Huế. “Việc chọn nghề là tự bản thân mình, dù có gượng ép cũng không được. Bản thân tôi cũng thấy thích nghề giáo rồi theo. Con cái tôi cũng thế. Dù vất vả và không giàu sang gì nhưng với làng này, nghề giáo luôn được đánh giá là nghề cao quý, được nhiều người đam mê nhất”, thầy Đào chia sẻ.
Nhiều thế hệ học sinh trong xã trong huyện mỗi dịp về thăm thầy cô, có khi trùng hợp cả gia đình đều là thầy cô giáo của mình. Với người Phước Tích, được trở thành một người thầy và đứng trên bục giảng là cả niềm tự hào. Ngay cả giai đoạn kinh tế khó khăn cách đây mấy chục năm về trước, nhiều giáo viên các nơi phải bỏ nghề đi làm kinh tế vì không đủ ăn thì dân làng Phước Tích vẫn bám trụ với nghề giáo. Con cháu vẫn theo nghề giáo và xem nghề như nghề truyền thống của làng.
Chị Hoàng Thị Mai, một giáo viên trẻ của làng, chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã có ước muốn trở thành một cô giáo và giấc mơ ấy trở thành sự thật khi tôi thi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Huế. Gia đình tôi 70% thành viên đều theo nghề dạy học. Tôi luôn lấy điều đó làm tự hào. Hồi còn đi học, mỗi lần làm bài tập không ra thì cứ mang sách vở qua thầy cô bày cho. Đến khi đi dạy, có vấn đề gì về chuyên môn thì cũng có thể học hỏi kinh nghiệm của những thế hệ thầy cô đi trước...”.
Ông Trần Văn Nguyện, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, cho biết: “Làng cổ Phước Tích tuy có dân số và diện tích không lớn nhưng là một vùng đất hiếu học có tiếng. Đặc biệt, làng này có rất nhiều thế hệ theo nghề dạy học. Hiện nay, các trường học trên địa bàn xã có giáo viên là người Phước Tích đứng lớp khá nhiều”.
Bài, ảnh: Tuyết Khoa (Thanh niên)

 Hơn 500 năm lửa gốm


Nhà trưng bày gốm của ông Lê Trọng Diễn là điểm tham quan nổi bật hàng đầu tại làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Có thể nói, 100% khách đến Phước Tích đều đến thăm bộ sưu tập gốm của ông.
Ông Lê Trọng Diễn giới thiệu bộ sưu tập gốm của mình.
Phước Tích vốn được biết với nghề gốm hơn 500 tuổi. Ngoài những sản phẩm gia dụng như trách, chậu, om, niêu, ấm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè, thạp, thống… gốm Phước Tích còn nhiều cổ vật tinh xảo được trưng dụng trong hoàng cung triều Nguyễn một thời. Vì thế trong dân gian có câu ca: “Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân”.
Tìm đến lò gốm cổ của làng, chúng tôi may mắn gặp được ông Lê Trọng Diễn đang tỉ mỉ hướng dẫn một số người làng học làm gốm. Dù ở tuổi 68 nhưng bàn tay của ông vẫn còn dẻo dai khéo léo chuốt từng sản phẩm. Ông đang tham gia hướng dẫn dạy nghề gốm cho thế hệ trẻ trong làng. Lớp học đã khai giảng gần 3 tháng nay. Học viên tuy chưa thuần thục nhưng đã có thể làm những sản phẩm gốm đơn giản.
Lò nung gốm đơn sơ - nơi lưu giữ hồn quên của một nghề gốm truyền thống.(Ảnh: NetCodo)
Câu chuyện về gốm cứ thế được ông Diễn kể lại như chuyện về cuộc đời mình bởi ông gần như gắn bó với những biến động của nghề gốm của làng. Do chiến tranh loạn lạc nên làng gốm bị gián đoạn trong thời gian dài. Sau 1975, HTX gốm Phước Tích được thành lập, hoạt động đến năm 1986 thì đóng cửa. Ông Lê Trọng Cờ, 83 tuổi, chủ nhiệm cuối cùng của HTX gốm Phước Tích cho biết: “Ngày xưa, cả làng ai cũng làm gốm. Gốm vừa ra lò đã có người đến mua. Đêm ngày, tàu thuyền tấp nập. Gốm làng được đưa đi mọi miền đất nước. Trong làng có cả thảy 12 lò sấp, lò ngửa chẳng bao giờ tắt khói”.
Khoảng năm 1989 nghề gốm ở Phước Tích bắt đầu xuống dốc và đến 1995 thì lò gốm cuối cùng trong làng cũng tắt lửa. Lò gốm xưa của làng bị đập. Gia đình ông Diễn cũng nghỉ làm gốm. Thỉnh thoảng ông nhớ nghề thì làm chơi rồi để vào kho lưu niệm, đầy kho thì đặt ngoài sân, ngoài vườn.
Bàn xoay - nơi tạo dáng các sản phẩm. (Ảnh: NetCodo)
Từ khi tắt lửa làng nghề, không chỉ ông mà cả làng ai nấy đều không đành lòng. Bởi thế, từ năm 2006 đến nay, lò gốm đỏ lửa trở lại với nhiều dự án phục hồi gốm Phước Tích nên ai cũng phấn khởi. Đến năm 2009, hai mẻ gốm đầu tiên được hoàn thành và tham gia Festival Nghề truyền thống Huế 2009, đánh dấu sự trở lại. Năm 2009, đề tài Nghiên cứu, phát triển một số mẫu mã gốm truyền thống đặc trưng của làng gốm Phước Tích với sự tham gia của Trường đại học Nghệ thuật Huế và những người thợ làm gốm tại làng Phước Tích được thực hiện. Sau 2 năm, dự án đã thành công với cuộc triển lãm hơn 250 sản phẩm gốm Phước Tích tại Trung tâm văn hóa Phương Nam, Huế. Hiện tại, gốm Phước Tích đang được đa dạng hóa mẫu mã cũng như họa tiết. Dòng sản phẩm thiên về trang trí sử dụng lò nung bằng gas, còn lò nung củi chủ yếu để phục vụ du lịch.
Bà Lương Thị Bê, một nghệ nhân được gọi bằng cái tên “mệ gốm” - là một thợ gốm giỏi cho biết: “Từ lúc lò gốm đỏ lửa trở lại, khi mô cũng có ông Diễn ở đây. Ngày xưa, cả làng này ai cũng làm gốm. Ông Diễn cũng là thợ giỏi. Chừ thế hệ như tui hay ông Diễn thì chỉ có thể hướng dẫn kỹ thuật cho mấy đứa nhỏ . Thấy chúng nó làm được cái gì thì mừng cái đó”.
Gốm từ nhà ra ngõ
Nếu có dịp ghé nhà của ông Diễn sẽ thấy rõ tâm huyết của ông với nghề gốm tổ tiên. Trong ngôi nhà, gốm có mặt khắp nơi từ ngoài sân đến tận trong nhà, từ những chiếc lu chậu được trưng bày ngoài vườn đến bộ tách trà, chén uống nước… Đặc biệt, ông dành trọn ngôi nhà rường của gia đình để trưng bày hàng trăm sản phẩm gốm của làng. Các sản phẩm được sắp xếp khoa học, chi tiết và đầy đủ. Hầu như sản phẩm nào của gốm Phước Tích cũng có ở đây như chậu, om, niêu, ấm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, lu… Từng loại lại được phân ra nhiều sản phẩm. Chẳng hạn, lu có các loại lu quê, lu gác an, lu gác độc, lu trùng bèn, lu gác chậu, lu đồng trình, lu tam trình, lu thống mạc ngài… Nhiều sản phẩm có niên đại hơn trăm năm trong đó có chiếc om dành cho vua ăn, gọi là om ngự. Ông Diễn kể, ngày xưa làng Phước Tích chuyên làm om ngự. Tương truyền, các vua nhà Nguyễn ngày xưa dùng hai om ngự mỗi ngày. Om ngự ăn xong thường được đập vỡ, mỗi bữa cơm là một om mới.
Từ sản phẩn gia dụng phục vụ đời sống thường nhật. (Ảnh: NetCodo)
“Trước đây, tôi đóng mấy cái bàn để kê gốm, thỉnh thoảng phải lau chùi không thì bụi bặm. Nhưng cách đây ít năm, Tổ chức Jica của Nhật Bản thấy thế nên đã cho tôi vài cái tủ kính để trưng bày vừa đẹp, vừa sạch… Nên giờ mới tươm tất thế này”, ông Diễn khoe.
,,,đến những đường  nét tinh xảo trên từng sản phẩm trưng bày. (Ảnh: NetCodo)
Nhà trưng bày là một địa điểm hút khách tham quan khi đến với làng cổ. Câu chuyện về làng gốm cũng được ông truyền tải với nỗi niềm tự hào thời hưng thịnh lẫn pha chút buồn thời tàn lụi. Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản lý di tích, kiến trúc, nghệ thuật làng cổ Phước Tích thì chủ nhân bộ sưu tập gốm với lòng yêu nghề, yêu quê hương đã luôn luôn làm mới không gian của ngôi nhà bằng mô hình trưng bày dụng cụ của nghề làm gốm, xây dựng mô hình thu nhỏ của lò nung gốm xưa bằng đất (lò sấp và lò ngửa). Ông Diễn cũng thường xuyên làm sản phẩm như bình vôi, om… để nung từ các lò của mình. Bên cạnh đó, ông còn hợp tác với ban quản lý làng cổ nung con tu huýt tặng khách làm quà lưu niệm, vừa quảng bá sản phẩm gốm, vừa tăng thu nhập.
Theo Tuyết Khoa (Thanh niên

Làng bột, làng bánh


Không chỉ nổi tiếng trong vùng về khéo tay, làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) còn nổi danh với nhiều loại bánh ngọt như phu thê, lá gai, bánh vả, bánh khoai tía…
Nói đến ẩm thực Phước Tích là nói đến văn hóa “bột”. Đây chính là nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực làng quê cổ kính này. Gọi là văn hóa “bột” bởi bột một thời đã làm nên thương hiệu cho làng.

Bà Đoàn Thị Thỉ, người được xem là “đệ nhất bánh” của làng, gắn bó trọn cuộc đời
với các loại bánh.
Nổi danh khắp vùng
Tuy làng không làm ruộng nhưng những phụ nữ nơi đây đã khéo léo chế biến ra nhiều loại bột như bột gạo, bột lọc, bột nếp để bán lại cho người dân quanh vùng. Ngôi làng nhỏ bé chưa đầy 120 hộ dân có gần chục nhà làm bột. Như nhà bà Lê Thị Khâm, Nguyễn Thị Thủy, Lê Ngọc Thị Phụng… mấy chục năm nay nổi tiếng với việc chế biến bột gạo ngon ngọt, dẻo thơm. Đa phần bột gạo ở đây được làm thành sợi dài để dùng nấu cháo bánh canh (hay còn gọi là cháo bột). Ngoài ra còn có bột để chế biến các loại bánh…
Từ nguyên liệu bột thơm ngon sẵn có, làng Phước Tích làm nên nhiều loại bánh nổi danh khắp vùng, đặc biệt là các loại bánh ngọt như phu thê, ít đen (bánh lá gai), bánh vả, bánh đôn (bánh khoai tía)…
Bà Lê Thị Như Kiều (53 tuổi), một trong những người nổi tiếng trong làng với bánh phu thê, một loại bánh truyền thống của người Huế. Bánh của bà không chỉ được ưa chuộng trong vùng mà được nhiều người ở tận chợ Đông Ba (TP.Huế) và Đông Hà (Quảng Trị) vào đặt mua. Đa phần đám cưới, đám hỏi quanh vùng đều tìm đến bà Kiều đặt bánh phu thê. “Bánh phu thê được làm từ bột sắn nguyên chất cùng với nhân dừa, đậu xanh... Bánh này muốn ngon thì phải chọn bột thật tươi và dẻo. Nhân bánh ngọt dịu vừa phải. Khi gói thì phải khéo tay cho bánh vuông vức, cứng cáp là đẹp”, bà Kiều cho biết.
Theo chỉ dẫn của bà Kiều, chúng tôi đến nhà bà Đoàn Thị Thỉ, người được xem là “đệ nhất bánh” của làng. Bà Thỉ năm nay 75 tuổi nhưng hằng ngày vẫn làm bánh mang sang chợ Mỹ Chánh (H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) bán. Bà làm đủ các loại bánh từ bánh lọc, bánh ít, bánh gói... Trong đó bánh lá gai bà làm chuyên nhất. Cây gai được trồng trong vườn bà.
Bà Thỉ kể, bà làm bánh với mẹ từ thuở nhỏ. Khi nghề gốm không còn thì gia đình bà chủ yếu sống bằng nghề làm bánh. Con bà cũng lớn lên từ gánh bánh lá gai của bà. Giờ con cái đã có công ăn việc làm nhưng bà vẫn làm bánh bán hằng ngày. Tay thoăn thoắt gói từng chiếc bánh, bà Thỉ nói: “Gì chứ làng này thì bánh trái ai cũng biết làm. Ngày xưa làm nhiều lắm. Cứ làm rồi gánh sang các chợ quanh vùng để bán. Vườn nhà ai cũng trồng lá gai lá chuối để gói. Chiều chiều làm lá làm bánh, sáng sớm dậy hấp rồi gánh đi bán sớm. Bởi thế, nhiều người gọi làng này là làng bột, làng bánh luôn…”.
Tổ ẩm thực
Nổi tiếng là làng quê có nếp sống cực kỳ gia giáo nên phụ nữ nơi đây cũng rất khéo léo. Từ khi Phước Tích được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2009, du khách trong nước và quốc tế biết đến Phước Tích nhiều hơn. Nhiều chương trình du lịch, hoạt động tour tuyến được mở. Đội ẩm thực của làng cũng được thành lập, không chỉ phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách mà còn phục dựng những món ăn truyền thống của làng…
Tổ ẩm thực du lịch làng cổ Phước Tích được thành lập bởi chi hội phụ nữ thôn, có 16 thành viên chia thành 4 tổ là con dâu của làng cổ có độ tuổi từ 35 đến 65. Các tổ hoạt động luân phiên nhau. Tổ ẩm thực hoạt động khá gọn nhẹ, đơn giản dưới sự quản lý của Ban Quản lý làng cổ Phước Tích. Thực khách được thưởng thức các món ăn trong không gian nhà rường cổ thoáng mát, rộng rãi của các hộ dân.
Chị Phan Thị Hồng Thanh, phụ trách tổ ẩm thực cho biết, ngoài những món hiện nay thì chị cùng nhiều chị em khác dưới sự hướng dẫn của những bậc cao niên và sổ sách ghi chép của làng để làm lại những món ăn truyền thống của làng như món cơm gỏi, khế xâm, các món vả, canh hầm, đặc biệt là nhiều loại bánh của làng... Hương vị Phước Tích còn nổi tiếng từ những món ăn dân dã, được chế biến bằng nguồn nguyên liệu trong khuôn viên vườn nhà như vả, mít, rau dại, hương liệu, cây ăn trái…
Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Ban Quản lý di tích, kiến trúc, nghệ thuật làng cổ Phước Tích, năm 2014 có khoảng 4.500 khách du lịch đến làng cổ Phước Tích. Hiện nay làng đã có dịch vụ homestay dành cho khách có nhu cầu lưu trú. Song song với đó là thưởng thức ẩm thực làng quê. Tổ ẩm thực sẽ đưa ẩm thực Phước Tích đậm đà hương vị làng quê, dân dã nhưng tinh tế đến với du khách một cách đầy đủ nhất, ngon nhất...
Bài, ảnh: Tuyết Khoa (Thanh niên)

Khám phá làng cổ Phước Tích tuyệt đẹp ở xứ Huế


Nằm bên bờ Ô Lâu hiền hòa, làng cổ Phước Tích thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong hai ngôi làng cổ của Việt Nam được nhà nước xếp hạng di tích quốc gia

Tên gọi đầu tiên của làng Phước Tích là Phúc Giang, như mong muốn một vùng gần sông nước nhiều phúc lộc. Đến thời Tây Sơn, Phúc Giang được đổi thành Hoàng Giang, để nhớ đến dòng họ khai canh lập làng. Ảnh: Một nét đặc trưng ở Phước Tích là cấu trúc nhà vườn được ngăn cách bởi những hàng chè tàu xanh, thẳng tắp, gọn gàng.


.

Đến đời Gia Long, làng được đổi tên thành Phước Tích, như là mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu. Ảnh: Trước những ngôi nhà cổ luôn có bức bình phong để che gió độc
Ở làng Phước Tích còn lưu giữ những di sản vật thể vô giá, trong tổng số 117 nóc nhà của làng, hiện tại còn tới 27 ngôi nhà cổ, đa số là nhà rường ba gian hai chái và 10 nhà thờ họ cổ. Ảnh: Không gian của làng cổ Phước Tích vô cùng bình yên, trong lành
Cấu trúc và tổ chức không gian làng Phước Tích có thể được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung Bộ. Đó là cấu trúc mở với những căn nhà trong vườn, nhà vườn.
Cây thị hơn 700 năm tuổi ở giữa làng và miếu Cây Thị của làng Phước Tích
Làng Phước Tích nổi tiếng khắp cả nước bởi nghề làm gốm. Gốm ở
Phước Tích nổi tiếng bởi độ bền, bóng mịn và tinh xảo. Tất cả các sản phẩm gốm cổ đều được làm bằng tay, và đun bằng củi trong các lò sấp, lò ngửa
Những năm gần đây nghề gốm Phước Tích đang được khôi phục lại.
Dòng sông Ô lâu bao bọc quanh làng cổ Phước Tích
nước quanh năm trong xanh.
Theo Hồng Ngọc/Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét