(Kiến Thức) - Trong các phi tần của vua Minh Mạng, Thục tần Nguyễn Khắc Thị Bửu nổi tiếng giỏi chữ nghĩa. Các hoàng tử, công chúa bà sinh ra đều trở thành tài năng lớn..
Nằm trên một gò đất ở trong khu nghĩa trang gần chùa Từ Hiếu ở Huế, lăng mộ Thục tần Nguyễn Khắc Thị Bửulà nơi an nghỉ của một phi tần có vai trò đặc biệt dưới triều vua Minh Mạng.
Theo sử sách bà Nguyễn Khắc Thị Bửu (1801 - 1851) là người Gia Định, con gái quan Tư không Nguyễn Khắc Thiệu. Bà hầu hạ vua Minh Mạng lúc ông còn là tiềm đế. Sau khi vua lên ngôi, bà được phong là Thục tần.
Thục tần Nguyễn Khắc Thị Bửu đã sinh cho vua Minh Mạng bốn hoàng tử (chỉ nuôi được một người do ba người kia mất từ nhỏ) và ba công chúa.
Không chỉ có tiếng hay chữ, Thục tần còn là một bà mẹ hết lòng tận tụy trong việc nuôi dạy con cái.
Dưới sự dạy dỗ của bà, cả bốn người con đều trở thành những thi sĩ có tiếng tăm, được lưu danh trong lịch sử nền văn học nước nhà.
Con trai bà, Hoàng tử Tùng Thiện vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm là một nhà thơ lớn của triều đại nhà Nguyễn. Ông được xếp vào một trong Nguyễn triều Tam Đường và là một nhà thơ lớn trong hội Mạc Vân thi xã nổi tiếng.
Ba người con gái là các công chúa Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh (Nguyệt Đình), Nguyễn Phúc Trinh Thận (Mai Am) và Nguyễn Phúc Tĩnh Hòa (Huệ Phố) đều thành công trong sự nghiệp thơ phú, được mệnh danh là Tam Khanh của nhà Nguyễn.
Di sản văn học mà những người con của Thục tần Nguyễn Khắc Thị Bửu để lại cho nước nhà là rất lớn, với nhiều tập thơ giá trị, quy tụ hàng nghìn bài thơ mang những phong cách khác nhau.
Sau khi Thục tần mất, lăng mộ bà được xây với quy mô khá bề thế khi so với nơi an nghỉ của các phi tần khác dưới triều vua Minh Mạng.
Ngày nay, lăng vẫn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn sau nhiều thăng trầm của lịch sử.
Quốc Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét