(Baonghean) - Ðền Làng Rào còn có tên gọi là đền Nhà Quan ở xóm 7, xã Hưng Ðạo, huyện Hưng Nguyên (cách đường Quốc lộ 46 khoảng 1.500m về phía Nam). Ban đầu, đền là một ngôi miếu thờ một vị tướng - đức thánh có công đánh giặc, và là một thầy thuốc giỏi chữa bệnh cứu dân...
Theo truyền thuyết kể rằng: Cách đây hơn 4 thế kỷ, vào tiết giao thời, làng Rào xảy ra một tai họa chưa từng có bao giờ. Dịch bệnh hoành hành, từ già đến trẻ ai cũng bị mụn nhọt mọc đầy người, chữa mãi không khỏi. Dân tình hoang mang lo sợ...
Lúc bấy giờ người dân trong làng nghe tin có một thầy thuốc giỏi, ngài từng có thời gian làm quan dưới triều Lê vào khoảng giữa thế kỷ XVII, sau ngài từ quan và đi khắp nơi trong dân gian chữa bệnh cứu người. Bà con đã cử người đi mời ngài về chữa bệnh giúp dân.
Hiểu được nỗi khổ của nhân dân, ngài về làng và không quản vất vả ngày đêm, thăm bệnh, bốc thuốc cho từng người. Khi người cuối cùng khỏi bệnh thì dân làng không thấy ngài đâu nữa. Một thời gian sau đó, ở cồn đất cách làng khoảng 300m phát ra tiếng người đọc sách vừa hư, vừa thực, đặc biệt là vào các đêm trăng sáng. Dân làng cho rằng đây là nơi vị thầy thuốc, ân nhân của làng đã hóa, từ đó, dân làng gọi cồn đất ấy là cồn Thầy Học.
Cồn Thầy Học trở nên huyền bí, rồi khi người dân tới đây đã phát hiện ra các cây cỏ trên cồn chính là các vị thuốc được nhắc đến trong các lời đọc đêm đêm ấy. Người dân nghe, làm theo và chữa cho một số người bệnh trong làng, quả nhiên hiệu nghiệm.
Thấy vị thần linh thiêng, bà con trong làng đã lập một ngôi miếu nhỏ ngay trên cồn Thầy Học để hương khói ngày ngày. Đền ngày càng linh thiêng, thu hút người dân trong làng, rồi dân các làng bên đến thắp hương khấn cầu ngày càng đông. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân, người dân làng Rào đã bàn với nhau, tìm một địa điểm thích hợp để chuyển dời miếu.
Làng đã mời thầy địa lý giỏi giúp làng tìm được vị trí mới là vị trí hiện nay của đền, cách cồn Thầy Học 300m, trên mảnh đất có phong thủy tốt, tụ linh, tụ thủy, có hình con rùa. Vị trí xây dựng đền là trên đầu rùa, phía trước là dải đất rộng tượng trưng cho vựa thuốc; bên phải là dăm nhà Đeo tượng trưng cho dao cắt thuốc và bên trái là giếng nước, tượng trưng cho bát thuốc. Địa thế thật đặc biệt như gắn liền với nghề thuốc chữa bệnh của thần.
Tiếng vang linh thiêng và tấm lòng mến mộ ngài được khách thập phương biết đến, về thắp hương cầu nguyện ngày một đông. Ngôi đền đã cùng với nhân dân địa phương trải qua bao thăng trầm của lịch sử, năm 1938, nhân dân đã xây dựng lại đền khá lớn. Ðền có đôi câu đối bằng chữ Nôm như sau: Khí chính ngàn thu nền cửa tướng/Gió hòa tám cõi đức nhà quan.
Hiện đền Làng Rào ở vị trí đẹp, không gian thoáng, rộng, phong cảnh hữu tình. Là nơi giao nhau của 2 con sông đào uốn lượn cùng dọc cây lộc vừng cổ thụ in bóng nước đồng quê. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên đền bị xuống cấp trầm trọng chỉ còn lại một tòa Thượng điện. Từ năm 1992, do tính linh thiêng của đền, được sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng với nguồn xã hội hóa của nhân dân và du khách thập phương, đền được tu bổ, tôn tạo xây nên 3 tòa để hành lễ, phục vụ cho việc giữ gìn bản sắc và hoạt động tâm linh của nhân dân.
Vào những ngày mồng Một và ngày Rằm hàng tháng, ngày lễ, Tết, du khách đến cầu tài, xin lộc, giải hạn tại đền rất đông. Để phát huy giá trị di tích đền Làng Rào, thời gian qua từ nguồn công đức và xã hội hóa, đền đã được mở rộng khuôn viên, hệ thống giao thông, công tác tuyên truyền được chú trọng. Hàng năm vào ngày 11/10 âm lịch, xã tổ chức lễ hội thành kính, trang nghiêm thu hút hàng nghìn du khách tham gia. Ngày 25/12/2015, UBND tỉnh có Quyết định công nhận đền Làng Rào là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Ông Phan Văn Tân - Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo cho biết: Định hướng của xã trong thời gian tới tiếp tục quản lý hoạt động điểm di tích đền Làng Rào cùng với các di tích khác trên địa bàn, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh cho nhân dân và du khách thập phương. Xã đang có trăn trở nâng tầm Lễ hội đền Làng Rào có đủ 2 phần (phần lễ và phần hội). Ngoài phần lễ trang nghiêm như khai quang, đại lễ, lễ tạ; phần hội sẽ khôi phục các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, hát phường vải, thi nấu cơm... giới thiệu các đặc sản của làng như chả dam, mọc ...
Lễ hội Đền Làng Rào là điểm đến hấp dẫn của huyện Hưng Nguyên nói riêng, của Nghệ An nói chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét