Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Mường La :Vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch

Mường La không chỉ quyến rũ bởi vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, núi non trùng điệp, mà còn hấp dẫn bởi là nơi đa sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc. Đến với Mường La, du khách được thăm công trình thủy điện Sơn La kỳ vĩ, được tìm hiểu về những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như hòa mình vào trong các lễ hội, những phong tục tập quán, những món ẩm thực lạ.

 
Điểm du lịch suối nước nóng bản Lướt, xã Ngọc Chiến thu hút khách du lịch tới thăm quan và nghỉ dưỡng.

Từ thành phố Sơn La theo quốc lộ 279D khoảng 40 km, du khách có thể ngắm nhìn công trình thủy điện Sơn La sừng sững chốt chặn lòng hồ sông Đà mênh mông sóng nước, với công suất 2.400 MW, diện tích hồ chứa 224 km2 dung tích 9,26 tỷ m3 nước, sản lượng điện bình quân hàng năm trên 10 tỷ kwh... Tầm vóc ấy, thủy điện Sơn La không chỉ là niềm tự hào của Mường La, Sơn La, mà còn là niềm tự hào của Việt Nam.

Từ thủy điện Sơn La, du khách có thể ngược dòng sông Đà, du thuyền ngắm cảnh lòng hồ thủy điện Sơn La, qua các bản làng TĐC của các xã Hua Trai, Mường Trai, Chiềng Lao, cùng trải nghiệm cuộc sống trên quê mới với người dân; thăm khu di tích lịch sử Đồn Tây đang được đề nghị cấp chứng nhận di tích lịch sử cấp tỉnh; thăm hang Đán Đanh; trải nghiệm cách nuôi cá tầm trên sông. Đã từng đọc những tác phẩm viết về dòng sông Đà, nhưng có dịp đi thuyền trên sông, mới thấy sông Đà đã không còn đỏ ngầu, hung dữ gào thét như trong “Người lái đò sông Đà” mà tác giả Nguyễn Tuân đã trải nghiệm, mà giờ đây trở thành vùng nước mênh mông, hiền hòa, những ngư dân ngày ngày đánh bắt cá tôm, nuôi cá lồng rồi về quây quần bên những bản làng trù phú.

Ngoài thủy điện Sơn La trên dòng sông Đà, Mường La còn là nơi hội tụ của hơn 20 công trình thủy điện lớn nhỏ trên dòng Nậm Mu, suối Chiến, suối Bú... mỗi một công trình, mỗi một dòng sông, dòng suối đều mang những dấu ấn riêng. Đặc biệt, từ trung tâm huyện, du khách có thể ghé thăm thủy điện Huổi Quảng trên dòng Nậm Mu, nơi có đường hầm xuyên núi hàng chục km, mới thấy sức sáng tạo và khả năng của những kỹ sư, công nhân người Việt.

Tiếp tục hành trình du lịch Mường La, du khách có thể đến Ngọc Chiến - địa điểm lý tưởng để trốn những ngày hè oi bức, tận hưởng khí hậu mát mẻ trong lành, thư thái ngâm mình dưới dòng suối nóng tại bản Lướt, ngắm cây samu nghìn năm tuổi hay những nếp nhà sàn bằng gỗ pơ mu. Truyền thuyết xưa kể rằng, suối nước nóng ở bản Lướt là nơi con rồng núi bay lên mây sau khi đánh thắng bộ lạc chuyên đi cướp bóc của cải của người dân. Còn theo lời kể của các cụ già ở Ngọc Chiến thì suối nước nóng là do rồng phun lửa để đuổi quân cướp bản, sau đó, người trong bản dùng nước suối làm nước sinh hoạt đã khỏe mạnh và đẹp dần lên. Khí hậu ở Ngọc Chiến có bốn mùa trong ngày, không khí trong lành, mát mẻ... Đây có lẽ là lý do để con gái Ngọc Chiến có nước da trắng đẹp đến như vậy! Nhưng có nhiều người lại nói rằng, các cô gái ở đây đẹp vì họ tắm gội ở mó nước nóng chảy qua bản Lướt. Đến Ngọc Chiến, sau khi ngâm mình trong dòng nước nóng, tối đến, trong những nếp nhà sàn truyền thống bằng gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi, du khách có thể thưởng thức những món đặc sản hấp dẫn như cá nướng, xôi nếp tan thơm dẻo trên cánh đồng Mường Chiến, nhịp nhàng theo vòng quay của điệu xòe, ngây ngất trong men rượu ngâm quả sơn tra thơm nồng và thả hồn theo giọng hát ngọt ngào của những cô gái Thái.

Một tín hiệu đáng mừng là trong hai năm qua, lượng khách du lịch đến với Mường La tăng cao. Năm 2017, lượng khách du lịch đến Mường La đạt khoảng 150.000 lượt người, tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Đây là kết quả từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, du lịch của huyện. Trong đó, phải kể đến các lễ hội của các dân tộc thiểu số đã thu hút sự chú ý của khách thập phương đến trải nghiệm...

Khai thác tiềm năng du lịch sẵn có, vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã mạnh dạn xây dựng nhà hàng nổi trên sông Đà, làm du lịch sinh thái. Như anh Lò Văn Bước, bản Bó Ban, xã Mường Trai đã đầu tư xây dựng nhà nổi, mua sắm thuyền, phao cung cấp các dịch vụ như: Thưởng thức các món ăn dân tộc, tour du lịch lòng hồ... phục vụ khách tham quan. Dù mới đi vào hoạt động từ tháng 1/2018 đến nay, điểm du lịch sinh thái của anh đã đón gần 2.000 khách đến tham quan, ăn uống, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 6 lao động của địa phương. Anh Bước cho biết: Sắp tới, tôi sẽ đầu tư mua sắm thêm thuyền, phao và bổ sung thêm kiến thức về du lịch để chuyên nghiệp hóa trong việc tổ chức tour du lịch lòng hồ; xây dựng mô hình nhà hàng ăn uống kết hợp với việc tổ chức các trò chơi dưới nước cho du khách, góp phần quảng bá hình ảnh Mường La đẹp, thân thiện và mến khách.

Còn tại xã Ngọc Chiến, khai thác nguồn nước nóng mà thiên nhiên ban cho, nhiều hộ dân bản Lướt đã đầu tư cơ sở kinh doanh dịch vụ tắm khoáng nóng. Ông Lò Văn Chinh, một trong những hộ kinh doanh dịch vụ tại đây cho biết: Khách du lịch đến với Ngọc Chiến mỗi ngày một tăng, kể cả khách trong nước và khách nước ngoài, nhất là thời điểm từ tháng 9 năm nay đến tháng 4 năm sau. Họ đến đây tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá hang động, thăm rừng sơn tra và tắm suối khoáng nóng. Ngoài ra, bản Lướt còn có 2 đội văn nghệ thường xuyên tập luyện để biểu diễn trong những dịp lễ, tết và phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của khách du lịch.

Tiềm năng du lịch của Mường La là rất lớn, tăng trưởng của ngành du lịch những năm gần đây cũng phát triển khá. Tuy nhiên, để du lịch Mường La phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, huyện Mường La đang tập trung thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển du lịch Ngọc Chiến, du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La, tạo điểm nhấn, động lực phát triển kinh tế du lịch của huyện. Xây dựng chương trình liên kết với các huyện Quỳnh Nhai, Mộc Châu (Sơn La); Trạm Tấu, Mù Căng Chải (Yên Bái), Than Uyên (Lai Châu) để hình thành các tour du lịch.

Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng và con người giàu lòng nhân hậu, mến khách, Mường La đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách. Trong tương lai không xa, Mường La sẽ trở thành điểm hẹn văn hóa, du lịch của tỉnh và khu vực Tây Bắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét