Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

Độc đáo lễ hội Pang Phóong ở Điện Biên

Những ngày này, khi đến bản Nậm Mu, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) du khách sẽ "lạc mắt" trước khung cảnh hoa dã quỳ bung nở bạt ngàn khắp các núi đồi, trên các con đường dẫn về bản; đặc biệt hơn là được hòa mình vào không gian văn hóa mang đậm sắc thái bản địa và chất sử thi trong Lễ hội Pang Phóong của dân tộc Kháng dòng họ Lò, ngành Lò Khun. 
Lễ hội Pang Phóong bắt nguồn từ sự tích xa xưa còn lưu truyền về chuyện tình dang dở giữa một chàng trai và một nàng vượn hóa thân thành cô gái, nhằm tôn vinh và con người luôn nhớ về cội nguồn, gắn kết cộng đồng. Tùy theo điều kiện của các dòng họ, lễ hội Pang Phóong được tổ chức 3 hoặc 4 năm một lần, thường được tổ chức vào các tháng 10, 11, 12 (âm lịch) và diễn ra nhiều ngày liên tục. Hằng năm, khi hoa mào gà nở đỏ trên nương cũng là mùa lúa chín và sau khi thu hoạch xong vụ mùa, đồng bào dân tộc Kháng lại tổ chức lễ hội Pang Phóong. Nghi lễ diễn ra trong phạm vi một dòng họ và được tổ chức tại gia đình trưởng họ với sự tham gia đóng góp của các gia đình trong dòng họ. Vào ngày chính hội, ngay từ sáng sớm, nghi lễ cúng tổ tiên được tiến hành. Hầu hết đồ lễ chuẩn bị từ mấy hôm trước được trưởng họ sắp xếp lên gian thờ tổ tiên, để xin phép được làm lễ Pang Phóong cho dòng họ. Khi bày mâm cúng xong, trưởng họ mời thầy cúng vào làm lễ báo tổ tiên và mời tổ tiên về dự lễ phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt…
       
Nét độc đáo của Lễ hội Pang Phóong thể hiện rõ nét nhất trong trong mâm cúng Pang Phóong. Theo quan niệm của dòng họ Lò Khun, vì tổ tiên của dòng họ là “mẹ Vượn” nên không thể thiếu các loại rau củ quả như: khoai lang, đu đủ, khoai sọ, chuối, bí xanh, bí đỏ… Ngoài ra, mâm cúng còn có hai ống rượu cần bằng tre cùng bốn cần hút, một gói xôi cẩm, một gói xôi cốm và những con vật hiến tế như lợn, gà. Đồ cúng tế được chia làm 4 mâm. Thầy cúng vừa làm lễ vừa lấy ở mỗi mâm một ít thức ăn cho vào mâm nhỏ (gọi là “mâm lý”) được làm bằng lá “Mắc-chắc” (loại lá phổ biến của người dân tộc. T

Sau nghi thức khai báo và xin phép tổ tiên, với tư cách đại diện cho các chủ hộ trong dòng họ về dự lễ, thầy cúng lấy chum rượu cần, cầm “Peng chẹp kha” (là đồ vật hình chữ A làm từ dây lạt) vẩy rượu từ trong chum sứ ra ngoài với ý nghĩa mời rượu tổ tiên. Đại diện các gia đình trong dòng họ sau đó cũng làm theo, vừa làm vừa khấn những điều may mắn, tốt đẹp đến các thành viên trong gia đình. Tiếp đến, thầy cúng và gia chủ tiến hành làm lễ ngoài trời, xin phép thổ địa được tổ chức lễ Pang Phóong tại gia đình.
       
Để thực hiện nghi lễ ngoài trời, bắt buộc phải có một mâm lễ được lót bằng lá chuối, trên đó có một con gà, nửa con cá, nửa củ khoai lang, một nắm xôi cốm và xôi cẩm, một ít bí đỏ, một chai rượu và hai cái chén. Mâm lễ được đặt trên một khoảng đất trống cạnh nhà, thầy cúng cầm theo một cái chiêng trong khi gia chủ cầm một ống tre. Sau khi khấn xong, thầy cúng gõ chiêng báo hiệu thổ địa đã cho phép dòng họ được tổ chức lễ hội. Sau khi hoàn thành các nghi thức cúng bái tổ tiên và thổ địa, gia chủ mời mọi người vào dự tiệc. Vò rượu được đặt giữa nhà, chủ nhà làm nghi lễ khai tiệc, mời mọi người cùng thưởng thức rượu cần. Bữa cơm diễn ra trong sự ấm cúng, vui vẻ của cả dòng họ. Đây cũng là dịp để mọi thành viên trong dòng họ hàn huyên tâm sự, nhắn gửi trao truyền cho nhau những tình cảm yêu thương, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Kết thúc bữa tiệc, mọi người cùng nhau vui chơi lễ hội.
       
Phần hội được tổ chức ngay trong nhà của trưởng họ. Mọi người quây quần bên nhau cùng chung vui điệu nhảy “Xé-pang”. Từ già đến trẻ, mỗi người cầm theo một ống tre (tăng-bu) dài hơn 1 m, đã được chuẩn bị sẵn trước đó. Khi trưởng họ tuyên bố bắt đầu vào hội, mọi thành viên đều rất nhiệt tình hưởng ứng. Hai thanh gỗ dài nối nhau được đặt dọc dưới sàn nhà, khi tiếng trống, tiếng chiêng vang lên, mọi người cùng hòa mình trong điệu múa mô phỏng cách điệu nghi thức chọc lỗ tra hạt truyền thống. Mọi người đứng sát vào nhau tạo thành vòng tròn để di chuyển vòng quanh, một tay đặt lên vai người phía trước, một tay gõ ống tre cứ thế nối tiếp nhau đi vòng tròn cùng với những bài hát truyền thống thể hiện sự đoàn kết dân tộc, từng nhịp gõ hòa chung tiếng trống tiếng chiêng...
      
Lễ hội Pang Phóong của đồng bào dân tộc Kháng đến nay vẫn giữ được bản sắc riêng, mang màu sắc huyền ảo, phản ánh hiện thực đời sống tâm linh cộng đồng người Kháng, luôn lấy cội nguồn tổ tiên để rèn tâm dưỡng đức. Đây cũng là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, gắn kết cộng đồng, thể hiện khát vọng bình dị ngàn đời về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của những người dân vùng Tây Bắc của Tổ quốc.
       
Đồ thờ cúng được chuẩn bị từ sáng sớm. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Mâm thờ cúng thần thổ địa, xin phép cho dòng họ được tổ chức lễ hội.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Nghi thức thờ cúng thần thổ địa, xin phép cho dòng họ được tổ chức lễ hội.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Thầy cúng chuẩn bị đồ lễ. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Mâm thờ cúng tổ tiên của đồng bào dân tộc Kháng. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

 Thầy cúng làm lễ mời tổ tiên về dự. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN


Lễ vật mang đến cúng tổ tiên của một hộ trong dòng họ.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Món thịt lợn không thể thiếu trong mâm cúng của đồng bào dân tộc Kháng.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

 Nghi thức gõ chiêng mời tổ tiên ông bà về tham dự lễ hội cùng các con cháu. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Những người già cùng con cháu trong dòng họ về dự lễ Pang Phóong.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Điệu nhảy “Xé Pang” vui chơi của người dân trong dịp lễ hội.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Trang điểm trong ngày lễ hội. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

 Ngày hội là ngày các anh em trong dòng họ từ các nơi trở về gặp nhau.
Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

 Sau khi cúng mời tổ tiên, các con cháu uống rượu cần mời ông bà về chung vui với dòng họ. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

“Peng chẹp kha” là đồ vật hình chữ A được đan từ lạt, để đại diện cho chủ hộ trong dòng họ về dự lễ. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN
Tuấn Anh- Xuân Tiến

LỄ PANG PHÓONG CỦA DÒNG HỌ LÒ KHUN DÂN TỘC KHÁNG TỈNH ĐIỆN BIÊN


Lễ “Pang Phoóng” của dân tộc Kháng dòng họ Lò, ngành Lò Khun được diễn ra một năm một lần hoặc 3 năm một lần. Thường được tổ chức vào các tháng 10, 11, 12 âm lịch hàng (Sau khi thu hoạch xong vụ mùa ở trên nương), lễ là dịp để gia đình tự nhìn nhận lại hoạt động lao động, sản xuất trong một năm qua về những thuận lợi, khó khăn và cách giải quyết đối với khó khăn như thế nào, bài học kinh nghiệm đuợc rút ra cho những năm tiếp theo.
Nghi lễ diễn ra trong phạm vi một dòng họ và được tổ chức tại gia đình trưởng họ, có sự tham gia đóng góp của các gia đình trong dòng họ, trong lễ Pang phóong  không thể thiếu phần hội được mọi người hưởng ứng nhiệt tình không giới hạn người tham gia, thậm chí còn có sự tham gia góp vui của các dân tộc khác sinh sống quanh vùng.
Phần lễ thường được tiến hành từ sáng sớm, những đồ lễ đã được chuẩn bị từ mấy hôm trước được trưởng họ sắp sếp tại gian thờ tổ tiên, thắp hương xin phép tổ tiên được làm lễ Pang Phóong cho dòng họ, Khi đã bày mâm cúng xong, trưởng họ mời thầy cúng vào làm lễ báo tổ tiên và mời tổ tiên về dự lễ phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt…
Quá trình làm lễ không thể thiếu những con vật hiến tế như: Lợn, gà được tổ nấu ăn sơ chế và chế biến để bày lên mâm cúng. Những người được phân công sơ chế và chế biến thức ăn để bày lên mâm cúng, vừa chế biến tất cả các thức ăn cho ngày lễ làm “Pang Phoóng”.
Trong mâm cúng Pang Phóong theo quan niệm của dòng Lò Khun tổ tiên của dòng họ là mẹ Vượn nên không thể thiếu các loại rau, củ, quả như: Khoai lang, đu đủ, khoai sọ, chuối, bí đỏ, bí xanh…Khi các đồ lễ được sơ chế và chế biến xong được bày lên mâm rồi mang vào gian thờ cúng.
Mâm được lót bằng lá chuối, để nguyên cả 01 con lợn và 05 con gà đã chế biến chín đặt lên trên mâm, đặt cả mâm vào trong gian Khlọ hoóc thầy cúng tiếp tục vào khấn báo với tổ tiên, nội dung gồm:
“Chô quân nghẹ ẹc, nghẹ diên, muôn lay chư quân, tom in ẹc diên, pẹ pán, nửa mạ tả giả, pa pú, pa đặm, khẩu pán, pán diên pán ẹc, ói ai nong nha, ói ai nong họ Lò Khul gio, to pán diên tam, pan ẹ, in mọ, in nua mọ hắp mạ, hắp khạ, nửa mả lý no lối "Pang Phoóng”
Dịch:
Hôm nay ông bà, tổ tiên đã về chứng kiến con cháu nhà mìnhmời tổ tiên nhà mình rồi, nay con cháu đã luộc nó chín, đặt lên mâm cỗ mời anh em tổ tiên nhà mình vào mâm, ăn cỗ con gà, con lợn. Mời anh em trong nhà, tron ghọ Lò, ngành Lò Khul dến ăn mâm gà, mâm lợn đã luộc chín ngon rồi, ăn uống có cơm, có rượu, có thịt làm lý Pang Phoóng.
Mâm cúng thường được chia thành 04 mâm, thầy cúng vừa làm lễ vừa lấy ở mỗi mâm một ít thức ăn cho vào lá Mắc chắc làm mâm lý nhỏ gồm 36 mâm, thầy cúng tay vừa dải mâm, miệng vừa khấn:
"Bây giờ con cháu nấu chín rồi, chúng con xin phép được đặt mâm mời Tổ tiên ăn, con cháu chúng con ăn sau, Tổ tiên ăn hơi, con cháu ăn miếng thịt đưng trách con cháu nhé. Tổ tiên ăn rồi phù hộ cho gia đình làm ăn phát đạt, nuội được nhiều lợn, nhiều gà, trồng được nhiều ngô, nhiều thóc đầy bồ, đầy kho nhé "
Dịch:
Khay nay chô quân, tảm đeng keng súc đặt loóng ploong sủ, cao tảm tu lởn,lay chô,lay quân nơ. Ên san bum, san pan, lu kin chạn, lan kin ngươn, phi kin ai,cun bài tỏn, khẩu hi tỷ chê to lò nơ".
Tiếp đến thầy cúng gõ chiêng, chủ nhà gõ chúm chọe báo hiệu cho mọi người biết tổ tiên đã cho phép cho con cháu khai hội trong lễ Pang Phóong  thầy cúng lấy  chum rượu cần uốn dây lạt hình chữ chữ A vẩy rượu từ trong chum ra ngoài với ý nghĩa mời rượu cho tổ tiên, đại diện các gia đình trong họ cũng làm theo, tay vừa làm miệng vừa khấn:
“Hay khả đưng khả chẹp, chô quân lặc, tu lý Pang Phoóng nha ló coi Lò Khun, tu cưl tu tả giả to, bil quân, bil choi mời khạ to ty lay cho, nong tả giả, chô quân lặc khay lặc hảo te tụ, te bil lạy khọ liệng ẹc khe ẹc, te kị, te khe ngô, khe lỵ, khe lé, chô quân khại hạo, may mẳn, nhơ nơ”.
Dịch:
“Chum to, rượu ngon, các con các cháu sẽ về uống làm lý Pang Phoóng nhà anh em dòng họ Lò, ngành Lò Khul chúng con không được uống trước ông bà, tổ tiên nhà mình, nay con cầm cái que bành (vòi rượu làm bằng lạt tạo thành hình tam giác) mời ông bà, tổ tiên uống trước, kính mong ông bà, tổ tiên phù hộ cho con cháu nhà mình mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, nuôi gà được gà, nuôi lợn được lợn, làm nương được thóc, được ngô nhiều, con cháu mạnh khỏe, đoàn kết, nhớ nhé”.
Nghi lễ diễn ra ở ngoài trời:
Thầy cúng và gia chủ tiến hành làm tiếp lễ ở ngoài trời gồm:
01cái mâm được lót bằng lá chuối, gia chủ bày đồ lễ lên mâm cúng rồi đặt xuống một khoảng đất trống cạnh nhà, chủ nhà cầm chiêng ngồi cạnh thầy cúng, thầy cúng tiến hành làm lễ với lời khấn:
Mỏi lạc mỏi coong còi tu còi lởn khum pửng chô quân le khay hảo thủ puổng po tọ,coi họ đe nớ.Pà pọp lư hay  khả.lức pạc piên, chì pọp lư hay khả,lư cac piên.Ói ải chỉm họ ô ao,lủ  hay khạ dạt, ói ải ủm dạt kha, đe chô quân khay hảo măm dứn,pết đe xỏn mởn pơ le, ngua đẩy lai, quài đảy chìn, ngua tim làng, ảng tim hươn.
Dịch:
Hôm nay gia đình ông (A) làm lý Pang Phoóng mời ông bà, tổ tiên và các vị thần linh về ăn và chứng giám cho việc làm lý Pang Phoóng của gia đình và dòng họ Lò Khun về ăn rồi phù hộ cho con cháu có sức khỏe, làm ăn phát tài, trồng ngô được ngô, trồng lúa được lúa, trồng khoai được khoai, nuôi gà được gà, nuôi lợn được lợn...
Nghi thức cúng báo tổ tiên đã hoàn thành, gia chủ mời mọi người vào dự tiệc
vò rượu cần được đặt ở giữa nhà, chủ nhà làm nghi lễ khai tiệc tiếp đến là mời mọi người cùng thưởng thức rượu cần, mâm cơm diễn ra đầm ấm là dịp để mọi người giao lưu, trao đổi kinh nghiệm làm ăn kinh tế…
Những lời chúc tụng nhau trong men rượu cần đã ngà ngà say cũng là lúc diễn ra phần hội thật rộn ràng người gõ trống, gõ chiêng, chúm chọe tạo nhịp âm thanh sôi nổi, mọi người một đoạn ống tre (tăng bu)dài khoảng 1,5m uyển chuyển và mạnh mẽ trong điệu múa cách điệu nghi thức trọc lỗ tra hạt truyền thống họ đứng sát vào nhau tạo thành vòng để di chuyển vòng quanh, một tay đặt lên vai người phía trước, một tay gõ Tăng Bu cứ thế nối tiếp nhau đi vòng tròn trên mặt sàn nhà cùng với tiếng Tầm đao, với những bài hát truyền thống thể hiện sự đoàn kết dân tộc, cứ thế phần hội mỗi lúc lại thêm rộn ràng hơn.
Lò Hoàng
Bảo tàng tỉnh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét