(Baonghean.vn) – Lam là món ăn không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú ở vùng cao Nghệ An và ngày nay nó còn được phổ biến rộng rãi, được nhiều thực khách ưa chuộng.
Theo những già làng người Thái kể lại thì món lam xuất phát từ cộng đồng dân tộc này. Đây là món ăn dùng ống tre, nứa làm "nồi" để nấu chín các loại thức ăn. Ảnh: Đào Thọ
Cơm lam là một loại thức ăn phổ biến trong cộng đồng người Thái. Nếp rẫy được làm sạch và cho vào ống nứa đốt chín sẽ giữ được hương vị của nó. Ảnh: Đào Thọ
Nòng nọc cũng là một món ăn thơm ngon khi được chế biến thành lam kết hợp với các loại gia vị như tấm, sả, ớt... Ảnh: Đào Thọ
Nhiều người còn tìm ra những món lam độc đáo hơn, ấy là dùng vỏ ốc bươu làm "nồi" để nấu thức ăn. Ảnh: Đào Thọ
Ngoài những loại trên, người Khơ Mú Nghệ An còn có nhiều món lam đặc biệt như lam chuột, lam cay... Ảnh: Đào Thọ
Nguyên liệu chủ yếu của món ăn này là thịt chuột được bẫy từ rừng sâu và "giàng" lâu ngày trên gác bếp. Ảnh: Đào Thọ
Trong món lam của người Khơ Mú không thể thiếu ớt cay. Những thực khách không quen sẽ cảm thấy cay xé lưỡi khi thưởng thức món này. Ảnh: Đào Thọ
Để làm được một món lam, người nấu phải chuẩn bị rất công phu và ngồi bên bếp lửa hàng giờ đồng hồ để "canh lửa". Ảnh: Đào Thọ
Món lam của người Khơ Mú khi đưa ra phải sánh nhuyễn và có vị thơm của các loại thực phẩm tự nhiên. Ngày nay, các món ăn này không chỉ lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc vùng cao mà còn được thực khách khắp nơi ưa chuộng. Ảnh: Đào Thọ
Đào Thọ
'Choáng' với món thịt chuột nấu ống tre của người Khơ Mú Nghệ An
(Baonghean.vn) – Món 'chuột lam' hay còn gọi là chuột nấu trong ống tre lâu nay đã trở thành 'bí kíp' của người Khơ Mú ở miền Tây Nghệ An.
Những lúc săn được chuột rừng về, người Khơ Mú Nghệ An chế biến nó thành một món ăn độc đáo mà chỉ riêng cộng đồng dân tộc này mới có được, ấy là món chuột lam. Ảnh: Đào Thọ
Chuột rừng được để tươi hay phơi khô trên gác bếp là nguyên liệu chính dùng để nấu món lam. Ảnh: Đào Thọ
Đọt mây rừng là nguyên liệu không thể thiếu để làm cho món ăn này thêm hấp dẫn. Đọt mây được bóc ra ngâm vào nước lạnh để giảm bớt vị đắng và chát sau đó mới đem nấu. Ảnh: Đào Thọ
Khi đã ngấm, tất cả được cho vào ống tre lớn và nút kín bằng lá sả để món ăn tăng thêm hương vị. Ảnh: Đào Thọ
Người Khơ Mú làm món lam chuột có khoét 1 lỗ nhỏ trên ống tre để kiểm tra và thêm nước vào khi cần. Ảnh: Đào Thọ
Sau hơn 2 giờ đồng hồ, món lam chuột đã chín. Mùi thơm của thịt chuột hòa lẫn với mùi mây rừng, tiêu rừng rất đặc biệt. Theo ông Lữ Văn Lâm ở bản Bà (xã Hữu Kiệm - Kỳ Sơn), trước đây người Khơ mú vào rừng săn chuột không có nồi niêu nên phải bỏ thịt vào ống tre để nấu. Lâu dần thành quen và từ đó món lam chuột trở thành một món ăn truyền thống của cộng đồng dân tộc này. Ảnh: Đào Thọ
Đào Thọ
Lạ với món ăn ngon từ nòng nọc của người Thái Nghệ An
(Baonghean.vn) – Trong không gian ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An có một món ăn rất được bà con ưa thích và chỉ khách quý mới được tiếp đãi món này. Đó là ‘khuộc lám” được chế biến kỳ công từ những con nòng nọc dưới khe suối.
Nhà bà Vi Thị Hoa ở bản Na Lượng 1 (xã Hữu Kiệm - Kỳ Sơn) nằm dưới chân núi nơi có ngôi đền Pu Nhạ Thầu quanh năm nghi hút khói hương, một bên là dòng Nậm Mộ xanh mát. Thấy khách đến chơi nhà, bà bảo mấy đứa con tranh thủ lúc nước cạn ra sông kiếm chút thức ăn 'tươi'. Ấy là nòng nọc. Dù đã được thưởng thức nhiều món ăn ở vùng cao của bà con người Thái nhưng khi nghĩ đến việc ăn nòng nọc chúng tôi vẫn không khỏi có chút cảm giác hoảng hốt. Hiểu được tâm lí khách, bà nói ngay: “Khách quý đến nhà mới được mời món này đấy’.
Sau vài tiếng đồng hồ, 2 cô con gái bà Hoa đã mang về gần 1 kg nòng nọc. Con nào con nấy to bằng đầu đũa ngoe nguẩy trong giỏ. Một cảm giác 'sởn da gà' xâm chiếm lấy chúng tôi lúc ấy. “Món này sạch lắm, tí nữa sẽ được thưởng thức ngay thôi” – bà Hoa hồn nhiên nói.
Rồi bà xắn tay áo làm sạch ruột nòng nọc bằng 1 thanh nứa vót mỏng. Những con nòng nọc được trộn với sả, ớt, mạc khẻn (tiêu rừng), mắm muối và gạo tấm giã nhỏ. Khi các công đoạn xong xuôi, bà cho tất cả vào 2 ống nứa nút kín đem bỏ lên bếp than hồng. “Khoảng 30 phút sau là có ăn nhé. Loại nòng nọc này sống ở sông suối và phải bắt khi chúng chưa thành ếch nhái mới ngon” – con gái bà Hoa ngồi lật ống nứa ỏn ẻn nói.
Mâm xôi được dọn ra. Lúc này nòng nọc đã chín, bà Hoa chẻ ống nứa đổ ra đĩa. Một mùi thơm bốc lên thật dễ chịu. Mùi sả, mạc khẻn hòa lẫn trong mùi thơm của tấm nếp, mùi than của lửa hồng khiến chúng tôi muốn sà ngay vào mâm. Bà Hoa giảng giải rằng: “Món này được nướng trong ống nứa gọi là lám hoặc lam. Đây là cách chế biến món ăn truyền thống của người Thái khiến cho thức ăn không bị bay hết mùi. Khi ăn phải ăn kèm với xôi mới ngon”.
Cảm giác hoảng hốt ban đầu nhanh chóng được xua đi bởi cái mùi vị thơm nồng, đượm khói bếp lan tỏa trong ngôi nhà nhỏ. Tuy vậy, ban đầu tôi cũng chỉ dám nhấm nháp nếm thử. Ngon một cách lạ lùng. Món 'khuộc lám' vừa có vị ngọt đặc trưng lại vừa có vị ấm của sả, vị cay của mạc khẻn và mùi thơm của các loại gia vị hòa quyện với mùi nứa tươi khi đốt trên than hồng. Tất cả thì không gì sánh bằng.
'Khuộc lám' là món ăn độc đáo của đồng bào Thái vùng cao Nghệ An. Món ăn đặc biệt này sẽ làm mê mẩn bất cứ ai khi đã một lần được nếm thử.
Đào Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét