Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Chùa Vua - “cờ miếu” đất Thăng Long

Nằm bên chợ Trời ồn ào náo nhiệt, chùa Vua là một di tích trong Thăng Long tứ quán. Đặc biệt, còn có thể coi nó là một “cờ miếu” của Thăng Long bởi đây là nơi diễn ra các cuộc đấu cờ tướng đỉnh cao suốt mấy trăm năm nay.
Chùa Vua hiện nằm ở số 17 Thịnh Yên, Hà Nội. Lịch sử chùa Vua bắt đầu từ cách đây gần ngàn năm, dưới triều đại nhà Lý. Sang thời Lê sơ (1428-1527), hằng năm trước khi vua quan đến đàn Nam Giao tế cáo trời đất thường đến chùa để lễ cầu quốc thái dân an. Bởi thế dân gian quen gọi là chùa Vua. Sau đó một vị hoàng tử dựng điện thờ tiên Đế Thích cạnh chùa và dùng chùa làm trung tâm đấu cờ tướng của Thăng Long.
Từ đó đến nay chùa Vua trở thành đấu trường cờ tướng danh tiếng bậc nhất Thăng Long. Hằng năm, từ mồng 5 đến mồng 9 tháng giêng, kỳ thủ khắp nơi tìm về chùa Vua lễ tiên Đế Thích và so tài điều binh khiển tướng. Ngoài ra còn có cả kỳ thủ các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia… cũng tìm sang thi đấu thể hiện tiếng tăm của cuộc thi.
Ảnh tư liệu một cuộc thi cờ người ở chùa Vua
Tam quan và gác chuông chùa Vua
Đi qua cổng tam quan với gác chuông làm rất đẹp là tới sân đánh cờ. Đây là nơi diễn ra những huyền vi, ảo diệu của các thế cờ trong cuộc thi mỗi năm. Bàn cờ được kẻ bằng vôi trên một sân lát bằng đá xanh. Trong những ngày thường thế này, các vị trí đặt quân trên bàn cờ được đặt các chậu cảnh. Trên thân chậu cũng ghi tên quân với tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã…Từ trên lầu chuông của tam quan nhìn xuống, du khách như cảm nhận khí thế một cuộc cờ với những câu thơ:
Xe pháo qua hà giữa tiết xuân
Cần chi phong tướng mới cầm quân
Thoắt mang ngựa đến tan thành cổ
Bỗng vẫy voi ra giấu mẹo thần…
Đi qua sân đánh cờ là đến thẳng điện thiên đế thờ tiên Đế Thích. Phía bên trái điện là chùa Hưng Khánh thờ Phật.
Thần Đế Thích vốn xuất phát từ tín ngưỡng đạo Bà La Môn ở Ấn Độ. Sau này Phật giáo và Bà La Môn tiếp xúc với nhau, Đế Thích trở thành một vị thần cùng với Ngọc Hoàng là hai vị thần hộ vệ Phật pháp. Trong chùa, Đế Thích và Ngọc Hoàng (hay còn gọi Phạm Thiên) được tạc tượng theo dáng các vị vua với áo cổn, mũ miện đứng hai bên tượng Thích Ca sơ sinh (theo sách Vào chùa lễ phật, sự tích - ý nghĩa cách bài trí của Trần Nho Thìn).
Ở Ấn Độ, Đế Thích là vị thần sấm sét. Nhưng khi du nhập vào Việt Nam lại trở thành vị thần có khả năng cải tử hoàn sinh và là vua của môn cờ tướng. Trong vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt, ông Trương Ba đã được đánh cờ với Đế Thích, người mà mỗi khi gặp thế cờ hiểm, bí các ông thường tự đắc nói rằng “thế cờ này thì đến tiên Đế Thích cũng bó tay”. Và sau đó chính tiên Đế Thích đã hóa phép cho Trương Ba sống lại trong cơ thể anh hàng thịt.
Phía trước cổng điện Thiên Đế có một tấm bia đắp bằng gạch nhưng không thấy viết gì lên trên. Một vãi già trong chùa cho biết tấm bia này dựng trên khu vực nhà bia trước kia dùng để vinh danh những người thắng cờ.
Thể lệ hội thi cờ chùa Vua quy định nếu ai ba năm liên tiếp giành giải nhất thì được ghi tên lên bia này. Tuy vậy trong thời chiến tranh chống Pháp, Mỹ, nhà bia trước kia đã bị phá hỏng. Thời nay bia mới dựng lên còn sơ sài và cũng chưa thấy ghi tên ai lên đó. Có lẽ chưa ai liên tiếp thắng cờ cả ba năm để được ghi danh.
Trong chùa Vua có điện thờ Đế Thích - ông tổ nghề cờ, có bia ghi danh cao thủ cờ, lại có truyền thống thi đấu cờ hằng năm. Những điều đó làm cho chúng ta nghĩ về chùa Vua như một “cờ miếu” giống Văn Miếu, Võ Miếu. Vậy là trên đất Thăng Long đã có Văn Miếu, Võ Miếu, Y Miếu lại còn có cả “Cờ Miếu”.
Chùa Vua cũng là một ngôi chùa tiêu biểu cho truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam . Từ 1926-1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, một trong những đảng viên đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng, đã dùng nơi đây làm cơ sở liên lạc.
Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, chùa Vua là nơi cất giấu tài liệu, vũ khí và luyện tập quân sự của Việt Minh.
Theo TT
Ở làng Chùa Vua, nay thuộc làng Thịnh Yên (quận Hai Bà Trưng), hàng năm có ba ngày lễ hội truyền thống vào ngày mồng 6, mồng 7, mồng 8 tháng giêng và ngày mồng 9 là ngày các tay cao cờ tranh ngôi quán quân.
Làng Thịnh Yên có tục lệ các Cô gái lấy chồng xa và các chàng trai lấy vợ xa đều phải thu xếp về làng ăn Tết và dự Hội. 
Hội có phần lễ, rước xách và các trò chơi như đấu vật chọi gà và thi cờ tướng. Đất này thờ Đế Thích một ông vua cờ tướng nên môn cờ tướng được coi trọng đặc biệt.
Chùa Vua là một quần thể kiến trúc trang nghiêm, đẹp đẽ và cầu kỳ. Cái độc đáo của quần thể kiến trúc này là có chùa và đình đều thờ vua Đế Thích. Ngay sau đấy là đền thờ Mẫu, một trong tứ bất tử và thân phụ Trần Hưng Đạo. Nghĩa là thờ Phật Lão, Nho, Tam giáo đồng lưu. 
Từ đời Lê, quần thể kiến trúc này gọi là Điện Thừa Lương, là nơi Vua, các hoàng tử, các đại thần, hoàng thân nghỉ lại để chuẩn bị làm lễ tế ở đàn Nam Giao. Đàn Nam Giao trước đây tướng của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Khi khởi nghĩa thất bại, ông Điều trốn về Hà Nội rồi trụ trì chùa. Cũng chính ở đây, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, xứ Bắc Kỳ đã sử dụng các vòm sau bệ tượng vua Đế Thích làm nơi đi về, hoạt động và ẩn náu. Ngày 10-4-1956, đồng chí Trần Danh Tuyên đưa Bác Hồ đến thăm chúa. Bác xem lại mấy hố vòm sau tượng rồi đi về phía trước. Bác đặt mũ lên ngực, cúi đầu. Sau một lúc yên lặng, Bác bảo bà Lê Thị Hiền là người trông chùa rằng: “Bà trông giúp chùa cho cẩn thận, đừng để mất mát gì”.
Theo huyền thoại, vua Đế Thích là nhân vật thứ hai sáu Ngọc Hoàng. Ở Ấn Độ và Trung Quốc cũng thờ Đế Thích với cương vị như vậy. Đế Thích còn là vua cờ tướng. Từ xa xưa, đất Chùa Vua đã có những lò cờ tướng hay nhất nước. Các danh thủ mọi nơi đều phải kéo về chùa Vua để thi đấu và học tập.
Đến năm 1992, đã có 70 danh thủ đến tranh giải qua các kỳ hội lễ. Mọi người trầm trồ về tài năng của các danh thủ như Vệ, Ngọc, Lợi, An... 
Cụ Hứa Tiến là một trong ngũ tốt, lý kiệt, đã từng là kiện tướng châu Mỹ. Cường vô địch cuộc thi cờ tướng 1991, Phác là nỗi lo lắng của danh thủ bất cứ tỉnh nào. Các đại biểu miền Nam cũng đến thăm thú những nước cờ hay trong trận đấu. Ở đây có cả cờ bơi và cờ bàn... 
Hiện nay, Chùa Vua còn giữ được 14 pho tượng đẹp bằng gỗ hoàng đàn. Nổi bật nhất là pho tượng vua Đế Thích cao khoảng 1,6m. Một bức cửu long chạm trổ tinh vi, hai đỉnh đồng thời Nguyễn, một quả chuông nhỏ thời Cảnh Thịnh, hai quả chuông to thời Lê, hai chóe lớn cao chừng 1,6m được đúc từ thời Lê. Khu vực chùa Vua, từ mái đình cổ kính đến những cây nhãn, ổi cổ thụ, bức tượng, đôi chóe, bia ký đến quả chuông...đều tỏa ra những lời vân vi khôn nguôi với hiện tại và tương lai...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét