Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Kỳ lạ 'Vua' sáng nghiệp nhà Trần chưa từng ở bệ rồng

(Đất Việt) - Trần Thừa sinh năm Giáp Thân (1184), cha của vua đầu tiên triều Trần - Trần Thái Tông, được Thái sư Trần Thủ Độ sắp xếp làm Thái thượng hoàng giúp con trị nước.


Thời Trần, vua cha thường chỉ ở ngôi một thời gian rồi nhường lại cho con để lên làm Thượng hoàng. Trần Thừa là Thái thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần và của chế độ phong kiến Việt Nam. Khi mất đi, ông được con phong là Thái tổ, nghiễm nhiên như “Vua” sáng nghiệp nhà Trần, dù chưa an tọa ở bệ rồng bao giờ.

Từ phận “ngư, tiều”

Sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi rõ: “…Kể từ Trần Thừa trở về trước, người họ Trần ở làng Tức Mạc, Phủ Thiên Trường, nay là làng Tức Mạc, Huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, đời đời làm nghề chài lưới”. Trần Thừa là con trai thứ của Tổ Trần Lý, là em ruột của Trần Tự Khánh và là anh ruột của Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung.

Năm 1210, Trần Thừa cùng với cha là Trần Lý đi đánh dẹp loạn Quách Bốc nhằm phò trợ Hoàng tử Lý Hạo Sảm… Năm 1216, khi ở tuổi 32, Trần Thừa được vua Lý Huệ Tông phong làm Nội thị phán thủ. Năm 1223, ông được gia phong làm Phụ Quốc Thái úy. Với chức vụ này, Trần Thưa được phép vào chầu vua không phải xưng tên.
Năm 1225, khi vua bà Lý Chiêu Hoàng mở hội lớn ở Điện Thiên An, tuyên bố nhường ngôi cho chồng, thì Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế, lấy miếu hiệu Trần Thái Tông, mở ra một trong những triều đại huy hoàng nhất lịch sử Việt Nam, với 175 năm tồn tại. Trần Thừa, cha của Trần Cảnh, được giao trọng trách điều khiển mọi công việc triều chính, nhằm giúp vua Trần Thái Tông, lúc bấy giờ mới 8 tuổi.

Trở thành Thái tổ
“Trần Thừa có bốn người con trai và hai người con gái. Người con thứ của Trần Thừa là Trần Cảnh, về sau là vị Vua đầu tiên của Triều đại nhà Trần - vua Trần Thái Tông (1226 - 1258), cho nên ông Trần Thừa được tôn làm Thượng Hoàng và khi mất được tôn miếu hiệu là Trần Thái Tổ, dẫu rằng trong thực tế ông không có một ngày nào làm vua”, sách Danh Tướng Việt Nam trích dẫn. 

Năm 1226, Trần Thừa được tôn làm Thái thượng Hoàng và bà chánh thất của Trần Thừa (người họ Lê nhưng không nói rõ tên bà là gì) làm Quốc Thánh Hoàng. Và có lẽ thế, vua đầu triều Trần được gọi là Thái Tông, chứ không phải là Thái Tổ như vua đầu của các triều đại khác.

Năm 1234, Thái thượng hoàng Trần Thừa mất, thọ 51 tuổi, táng ở Thọ Lăng phủ Long Hưng (nay thuộc huyện Đông Hừng, tỉnh Thái). Miếu hiệu là Huy Tông, tên thụy là Khai Vận Lập Cực Hoằng Nhân Ứng Đạo Thuần Chân Chí Đức Thần Vũ Thánh Văn Thùy Dụ Chí Hiếu Hoàng Đế.

Năm 1248, vua Trần Thái Tông đổi miếu hiệu của ông từ Huy Tông thành Thái Tổ, đổi gọi Thọ Lăng thành Huy Lăng.

Ngày nay, để tỏ lòng biết ơn công lao của ông, tại phường Lộc Vượng thành phố Nam Định, sát Quốc lộ 10, có một con đường mang tên Trần Thừa.
Theo Đại Việt sử kí toàn thư, Thái Thượng hoàng Trần Thừa có một người con rơi là Trần Bà Liệt - được phong làm Hoài Đức Vương: 

“Xưa kia, khi Thượng hoàng còn hàn vi, có lấy người con gái thôn Bà Liệt, huyện Tây Chân (nay là đất Nam Chân, Nam Trực, Nam Định). Người đó có thai thì Thượng hoàng ruồng bỏ, sinh con (là Bà Liệt), Thượng hoàng cũng không nhận. Lớn lên, Bà Liệt khôi ngô, giỏi võ nghệ, xin sung vào đội đánh vật. Một hôm, Bà Liệt đánh cầu với người trong đội, người kia vật ngã Bà Liệt, bóp cổ đến xuýt bị tắc thở. Thượng hoàng (trông thấy) liền thét lên rằng: con ta đấy! Người ấy sợ hãi lạy tạ. Ngay hôm đó, Thượng hoàng nhận Bà Liệt làm con".
Vĩnh Khang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét