(Đất Việt) - Theo tập quán dân gian và quan niệm Nho giáo, giữa những người trong cùng họ đều không được kết hôn với nhau nhưng nhà Trần lại khuyến khích hôn nhân nội tộc nhằm bảo đảm tính thuần nhất của dòng họ và củng cố sự vững chắc của vương triều, ngăn ngừa để lọt ngôi vua vào tay dòng họ khác.
Trong lịch sử vương quyền Việt Nam, nhà Trần là một triều đại hưng thịnh nhất trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam, kéo dài 175 năm. Về võ công, đây là vương triều đã thống lĩnh quân dân Đại Việt ba lần đại phá quân Nguyên Mông, bình phục Chiêm Thành, mở mang bờ cõi đến xứ Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế ngày nay). Về văn hiến, đây là vương triều đã nhen lên ngọn lửa khai phóng, tập thành một trào lưu tư tưởng Thiền học vừa cởi mở vừa sâu sắc, mà đỉnh cao là sự xuất hiện của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. |
Trần Liễu - Thuận Thiên
An Sinh Vương Trần Liễu, anh Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông), con Thượng hoàng Trần Thừa, lấy Thuận Thiên công chúa, con vua Lý Huệ Tông và Thuận Trinh. Thuận Trinh là em ruột Trần Thừa, nên Trần Liễu và Thuận Thiên là con cô con cậu.
Trần Cảnh - Chiêu Hoàng - Thuận Thiên
Mối quan hệ này là em rể - chị vợ cũng đúng, mà em chồng - chị dâu cũng đúng; song điều quan trọng nhất vẫn là hôn nhân con cô con cậu.
Vua Trần Thái Tông (1225-1258) |
Năm 1225, Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng (do Trần Thủ độ dàn xếp), em Thuận Thiên. Và của hồi môn mà công chúa nhà Lý trao cho Trần Cảnh chính là “thiên hạ về tay nhà Trần”. Tuy nhiên, khi lên ngôi vua được một thời gian, năm 1237, với lý do Chiêu Hoàng không có con, Trần Thủ Độ đã ép Trần Thái Tông phế truất hoàng hậu họ Lý và lấy chị ruột của vợ (cũng là vợ của anh ruột) là Thuận Thiên khi bà đang có mang đứa con ba tháng của Trần Liễu.
Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) - Thiên Thành công chúa
Trần Quốc Tuấn là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu. Còn công chúa Thiên Thành là em gái của Trần Liễu và Trần Thái Tông. Như vậy, hôn nhân của họ là cháu lấy cô.
Trần Hoảng (Trần Thánh Tông) - Thiên Cảm công chúa
Năm 1258, Trần Hoảng là con trai Trần Cảnh, lấy Thiên Cảm công chúa là con gái Trần Liễu. Vợ chồng này là quan hệ con cháu con bác.
Trần Quốc Nghiễn - Thiên Thụy công chúa
Quốc Nghiễn là con trai Trần Hưng Đạo - Thiên Thành, cháu nội Trần Liễu, cháu ngoại Trần Cảnh. Thiên Thụy là con gái Trần Thánh Tông - Thiên Cảm, cháu nội Trần Cảnh, cháu ngoại Trần Liễu. Cặp đôi này vừa là con cô - con cậu, vừa là con chú - con bác kết hôn.
Trần Khâm (Trần Nhân Tông) - Bảo Thánh
Năm 1274, Trần Khâm là con trai Trần Thánh Tông, cháu nội Trần Thái Tông, lấy Bảo Thánh - con gái Trần Hưng Đạo, cháu nội An Sinh Vương Trần Liễu. Quan hệ hôn nhân này là vừa là con cô - con cậu, vừa là con chú - con bác.
Trần Thuyên (Trần Anh Tông) - Thuận Thánh
Trần Thuyên là con Trần Nhân Tông - Bảo Thánh, cháu nội của Trần Thánh Tông, cháu ngoại Trần Hưng Đạo, chắt nội Trần Thái Tông; lấy Thuận Thánh - con gái Trần Quốc Tảng, là cháu nội của Trần Hưng Đạo, chắt Trần Liễu. Vợ chồng này là quan hệ cháu cô cháu cậu (Trần Hưng Đạo và Thiên Cảm là con Trần Liễu) hay chắt chú chắt bác lấy nhau.
Trần Thuận Tông - Thánh Ngẫu công chúa
Trần Thuận Tông là con út của Trần Nghệ Tông; lấy Thánh Ngẫu công chúa - con gái lớn của Hồ Quý Ly và Huy Ninh công chúa. Huy Ninh là em Trần Nghệ Tông, tức là con cô con cậu lấy nhau. Trần Thuận Tông lại là cháu nội của Đôn Từ, cô của Quý Ly, lấy con gái Quý Ly, tức anh em họ lấy nhau.
Việc Trần Thuận Tông (ông vua thứ 11 của nhà Trần) lập Thánh Ngẫu công làm hoàng hậu là mấu chốt nhen nhúm nạn ngoại thích, lặp lại biến cố lịch sử nhà Trần đã sử dụng với nhà Lý. Năm 1398, Hồ Quý Ly đã ép Trần Thuận Tông nhường ngôi cho Thái tử An (Trần Thiếu Đế, cháu ngoại của Hồ Quý Ly), sau đó cũng dùng mọi cách để giết chết Thuận Tông vào năm 1399.
Năm 1400, Hồ Quý Ly chính thức phế Trần An làm Bảo Ninh đại vương và lập ra nhà Hồ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét