Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Làng… vỏ sò

TTO - Ai ở xa về thăm các làng biển ở xã Quỳnh Long, Quỳnh Tiến, Quỳnh Bảng, Quỳnh Phương… (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) sẽ không khỏi ngỡ ngàng với những ngôi nhà cũ kỹ, rêu phong được làm từ một chất liệu rất độc đáo: vỏ sò.
Tường... vỏ sò

Hiếm thấy tường xây bằng gạch ở làng này

Ngõ vắng... xôn xao

Trên những con đường quanh co chạy khắp xóm biển, đâu người ta cũng nhìn thấy sò. Sò dưới chân, sò lấp lóa chen chúc trên các mảng tường, trong những ngôi nhà hoang cũ kỹ, đổ nát, ruột của bức tường cũng phô ra chi chít mảnh vỏ sò.
Thú vị nhất là khi nắng chiều hắt xuống xóm biển, những mảng tường sò ánh lên trông vừa cổ kính thâm trầm lại vừa lấp lánh, vui mắt. Những đứa trẻ chạy chơi trốn tìm giữa những bức tường ram ráp vỏ sò.
Biển ở vùng này nổi tiếng nhiều sò, điệp. Khắp bờ biển nhìn đâu cũng thấy ken kín vỏ sò. Nhiều chỗ lâu ngày sóng biển đánh dạt vào thành từng cồn sò, cồn điệp cao ngất.
Sò nhiều nên trước đây khi muốn xây nhà, người dân chỉ cần ra biển cào vỏ sò đem về dồn lại thật nhiều xem như ổn. Đó là vật liệu chủ yếu để dựng nên một ngôi nhà. Sò được chia làm hai phần: một phần để nguyên vỏ và một phần được đem nung thành vôi. Người ta trộn vỏ sò còn nguyên với cát và vôi (nung từ sò), đóng thành những viên gạch sò vuông vức để xây nhà. Sân hay nền nhà, đường làng… người ta cũng toàn lát bằng vôi sò, cát biển.
Cách làm nhà từ sò như vậy đã truyền lại từ bao nhiều đời trước. Không cần nhiều tiền, chỉ cần bỏ công sức ra biển gánh sò, gánh cát về làm là được nên từ ngày xưa dù làng còn nghèo nhưng nhà cửa đã tươm tất, san sát nhau, đường làng cũng được lát sạch đẹp.
Hạnh phúc bên trong nhà vỏ sò
Tường vỏ sò không cần... sơn nước

“Nhìn vậy chứ làm lên ngôi nhà hồi đó vất vả lắm, mất bao nhiêu là công sức. Trẻ con đi cào vỏ sò, người lớn thì tất bật gánh sò, gánh cát về nung vôi, đóng sò thành từng vuông gạch. Có điều chẳng tốn kém chi mấy, vật liệu toàn là sò với cát biển, bỏ công ra mà dựng nhà thôi” - anh Việt, một người dân ở xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu (Nghệ An), kể chuyện.
Đa số ngôi nhà đều đã 40, 50 năm tuổi, thậm chí nhiều ngôi nhà sò có tuổi thọ hàng trăm năm. Thời gian đã làm nhiều ngôi nhà xuống cấp, rệu rã, tường rơi ra từng mảnh vỏ sò. Nhưng không ít ngôi nhà vẫn ngạo nghễ sau bao nhiêu mưa gió thời gian.
Tuổi thơ bên hè nhà

Bây giờ hầu như không còn ai làm nhà bằng vỏ sò, vôi sò nữa. Kinh tế khá hơn, người ta đập đi những ngôi nhà vỏ sò đã già cũ, xây lên những ngôi nhà cao vút, chắc chắn hơn bằng gạch, đá, ximăng… Thật ra nhiều làng ở đây bờ biển cũng chẳng còn nhiều sò như ngày xưa nữa để mà xây nhà.
Những ngôi nhà mới to đẹp cứ đẩy dần những ngôi nhà sò cũ kỹ, già nua, trầm mặc vào ký ức. Người ta đập dần từ căn nhà chính đến gian bếp, chuồng gà, bức tường phủ rêu bao quanh vườn…
Nhưng chẳng phải ai cũng có tiền cất nhà mới, vả lại cũng có người tiếc nuối ngôi nhà cũ kỹ đã gắn bó với mình hàng bao nhiêu năm, nên bây giờ về các làng biển vùng này vẫn còn kịp để được ngắm những ngôi nhà sò rêu phong, cổ kính còn lại. Chúng nằm đó với những mảng tường chen chúc vỏ sò trông vui mắt, im lìm nghe sóng biển vỗ ì oạp như bao nhiêu năm nay vẫn thế.
DUY NGỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét