Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Dấu tích Tam Đảo xưa

TO - Chiều, dạo bộ trên thị trấn Tam Đảo xinh đẹp cho ta cảm giác thiên nhiên ban tặng những điều kỳ diệu. Có một vẻ đẹp kiều mị và lãng mạn vẫn lẩn khuất đâu đây ở Tam Đảo mà ít người để ý tới. Đó là những công trình cổ mang phong cách kiến trúc Pháp được xây dựng cách đây ngót một thế kỷ.
Toàn cảnh khu nhà thờ đá cổ

Những khách sạn, nhà hàng, nhà thờ, biệt thự, bể bơi, sân chơi… vẻ đẹp của nghệ thuật kiến trúc phương Tây lãng mạn nhưng cũng rất thực dụng ấy đã biến Tam Đảo thành Đà Lạt của xứ Bắc. Có lẽ không còn mấy ai nhớ người Pháp dùng cụm từ “hòn ngọc Đông Dương” để chỉ Tam Đảo thời hoàng kim.
“Nhã hiệu” này bị chìm dần theo những lớp thời gian, vùi dưới bước chân hàng triệu lượt người qua đây. Để hôm nay nếu ai muốn tìm lại vẻ đẹp kiến trúc xưa cũ ấy cũng cảm thấy nản lòng, chua xót. Thời gian và chiến tranh dần phá hủy gần như toàn bộ giá trị của nghệ thuật kiến trúc và đẩy nó xuống dưới lòng đất hay vùi mình trong cây cỏ.
Thậm chí hơn 100 công trình kiến trúc cổ từng hiện diện nơi này cũng chẳng còn trong tâm thức người Tam Đảo hôm nay. Chỉ một số người cao tuổi còn sống ở Tam Đảo bây giờ vẫn mường tượng những ngày tiêu thổ kháng chiến chống Pháp (1948), với hàng loạt công trình kiến trúc diễm lệ bị triệt phá.
Chúng tôi lang thang trên khắp những nẻo đường uốn lượn trong lòng thị trấn mong tìm được một dấu tích xưa cũ. Và cuối cùng ai cũng vui sướng reo vang khi tìm thấy một tòa nhà được xem như điểm nhấn kiến trúc Pháp vẫn tồn tại ở Tam Đảo với hình hài khá nguyên vẹn. Đó chính là công trình nhà thờ cổ xây bằng đá trong lòng thung lũng.
Cỏ cây mọc um tùm che một phần tường đá, bậc thang đá
Vách đá rêu phong vẫn toát lên vẻ đẹp kiến trúc lãng mạn, chắc chắn

Nhà thờ đá cổ nằm ngay trung tâm thị trấn Tam Đảo, bên con đường bêtông dẫn lên đỉnh Thiên Nhị (nơi có tháp truyền hình nổi tiếng). Ngay bên cạnh nhà thờ cổ này là khách sạn nổi tiếng bậc nhất Tam Đảo hiện nay mang tên TamDaoStar (Ngôi sao Tam Đảo) như một đối sánh cho hai lối kiến trúc cũ - mới.
Nhà thờ vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” ở mảnh đất này suốt gần một thế kỷ qua. Đứng xa cả trăm mét đã nhận ra một kiệt tác kiến trúc tôn giáo bằng đá đồ sộ, mỹ lệ.
Nhà thờ cổ có hai tầng với tầng nền cao 10m. Hai chiếc cầu thang ở hai bên sườn nhà với những bậc đá rêu phong in dấu giày. Lên tầng 2 sẽ có một khoảng sân rộng có thể chứa được 100 người đứng hóng mát hoặc cầu nguyện mỗi khi hoàng hôn về. Bên trong nền tầng hai có một tòa thánh đường rộng 286m2 (dài 26m, rộng 11m) được xây dựng từ năm 1937 để giáo dân xứ Tam Đảo làm lễ cầu kinh.
Đứng trên nền sân thoáng nhìn về phía trước là những ô cửa cuốn theo phong cách kiến trúc vòm mang đậm nét châu Âu. Cỏ cây um tùm bao phủ khu nhà thờ đá cổ, che đậy phần nào những hoa văn xưa. Nhưng xét về mặt mặt kiến trúc cũng như vẻ đẹp mỹ lệ thì không có công trình nào của thời hiện tại sánh được với ngôi nhà thờ dường như đã bỏ hoang này.
Kiến trúc vòm mang đậm phong cách châu Âu

Kiến trúc nhà thờ đá vẫn vượt trội so với công trình hiện đại xung quanh

Những đường nét, chi tiết hoa văn đá nổi hình ngũ giác, lục giác của công trình vẫn còn hiển hiện trên từng vách tường, cầu thang để một lần nữa khẳng định người Pháp không chỉ là bậc thầy về kiến trúc tiện dụng mà còn rất hào hoa, lãng mạn.
Khi mà các công trình biệt thự, nhà hàng ở Tam Đảo với những cái tên Ngoạn Mục, Đường Chân Đèo, Thác Bạc… chỉ còn có thể tìm thấy trên sách báo, thì nhà thờ đá cổ đã trở thành công trình mang phong cách  kiến trúc Pháp duy nhất còn tồn tại khá nguyên vẹn trên mảnh đất tươi đẹp này đến hôm nay.
Thánh đường cầu kinh trên nền tầng 2 của nhà thờ (xây năm 1937)

Bên cạnh nhà thờ đá Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), nhà thờ đá Sa Pa, thì nhà thờ đá cổ Tam Đảo cũng có thể được xem là một dấu ấn kiến trúc rất tiêu biểu còn in dấu tại Việt Nam. Những ai yêu cái hồn kiến trúc xưa cũ ở Tam Đảo đều mong công trình này sẽ sống mãi cùng thời gian để minh chứng cho vẻ đẹp nghệ thuật mãi trường tồn.
Bài, ảnh: HÀ ÁNH DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét