Thứ Năm, 7 tháng 4, 2011

Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng của người M’Nông

TRẦN TẤN VỊNH
Nghề thuần dưỡng voi rừng của đồng bào M’Nông gồm 2 bước chủ yếu: bắt voi rừng và thuần dưỡng. Trong đó, bắt voi là khâu quan trọng. Nó chẳng những cung cấp voi để thuần dưỡng mà còn có thể bán ngay voi rừng cho vườn thú, rạp xiếc hoặc xuất khẩu.
Một đội săn phải có 10 voi chiến, 20 người cả nài chính (gru), phụ (rmăk) và người thỉ huy. Các con voi tham gia săn bắt đều là voi đực khoẻ trên 35 tuổi, voi cái ít khi dược sử dụng.
Phương tiện cho đội săn voi gồm có gậy điều khiển (kreo) búa tốc độ (kuc) khoá chân (n'glêng kiêng jơng), dây buộc (khôn), dây tròng (rse brăt), dây dẫn (brăt bung), dây treo (tur) dây bảo hiểm (rse n’dao) v.v... tất cả 17 thứ dụng cụ. Không kể lương thực, thực phẩm mọi thứ đều do các gia đình thành viên trong tổ tự nguyện đóng góp.
Voi là loài vật sống không định cư một chỗ, tính lang thang đây đó, đây cũng là điều kiện để nó tồn tại, không trở thành mục tiêu cố định cho nhũng kẻ muốn tấn công chúng. Có thể tháng trước, khi đi trinh sát thì thấy voi đang ăn ở khu vục này, nhưng khi tổ chức được đội săn và tiếp cận đến nơi thì voi dã di chuyển đi kiếm ăn ở vùng khác rồi.
Voi là loài thú rất thính tai và đánh hơi được rất xa, do vậy, việc tiếp cận được chúng cũng không dễ dàng. Khi đội săn đã bắt gặp đàn voi do trinh sát phát hiện, lập tức sẽ dừng lại, làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Cũng cần nói thêm rằng, một đội săn voi có thể có nhiều thành viên, chủ yếu là những người có voi đực (voi chiến), nhưng trước khi bước vào mùa săn, đội phải tính toán số voi chiến có đủ mạnh để áp đảo voi rừng hay không?
Căn cứ bầy voi họ đã thực tế nhìn thấy, tính toán lực lượng chiến đấu, nếu như đội săn thiếu voi chiến, có khi thương lượng để mượn voi chiến của đội khác. Ở đây, chính là sự thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của đồng bào M’Nông trên quê hương của những người săn voi.

Voi rừng.
Khi phát hiện ra đàn voi (trong mùa săn có rất nhiều đội săn, nên khi về buôn, người đội trưởng thông báo ngay đàn voi đã gặp để các đội khác biết tránh việc hai đội săn cùng gặp một đàn voi) toàn đội săn được lệnh dừng lại. Các nài phụ (rmăk) chăm lo cho việc ăn uống của voi chiến, các nài chính (gru) sẽ cùng đội trưởng bí mật tiếp cận đàn voi. Đội trưởng phân công nhiệm vụ cho từng người cụ thể: ai đánh, ai kiềm chế và rượt đuổi v.v...
Vào lúc rạng đông ngày trăng vơi (cuối tháng) đội quân bắt đầu vào trận - theo lệnh của đội trưởng, các nài điều khiển voi của mình áp sát khu vực có đàn voi đang kiếm ăn.
Đàn voi rừng đang vặt cỏ, bẻ lá cây kiếm ăn, chúng không ngờ được sự nguy hiểm đang tới gần. Bản năng đánh hơi lạ của voi đã bị vô hiệu hoá, vì con người đã được phơi gió dầm sương suốt cả cuộc hành trình, hơi người toả ra rất ít, hoà lẫn vào hơi voi nhà nên bầy voi rừng không nhận ra được mùi lạ. Voi săn lần lượt được tung vào trận địa.
Nài nằm rạp trên mình voi, bám thật chắc lấy dây chằng bụng và bí mật điều khiển voi tiếp cận đối thủ. Giữa lúc đó, đội trưởng điều khiển voi chiến của mình cùng hai voi khác tiếp cận voi đầu đàn. Đây là thời điểm căng thẳng nhất. Nếu lũ voi săn vẫn chưa áp sát vào voi định bắt, nếu xảy ra cuộc chiến lúc này dễ nổi loạn, thậm chí voi mẹ có thể dẫn đàn con chạy mất thì voi nhà trở thành thua cuộc.
Khi con voi đầu đàn phát hiện thấy đàn voi lạ xâm nhập vùng đất của mình, lập tức nó rống lên một tiếng dữ dội rồi vươn vòi lao tới kẻ lạ mặt. Từ lúc này, tất cả mọi người nhớm dậy trên lưng voi, dùng giáo đâm, dao gạt, hỗ trợ cho voi săn của mình chiến đấu. Các voi chiến dùng ngà lao vào đối phương hoặc dùng vòi đánh voi đực đầu đàn. Đúng lúc này, voi săn cũng áp sát voi con đang được voi mẹ che chở.
Trận quần thảo quyết liệt chừng một giờ đồng hồ. Voi rừng yếu thế buộc phải bỏ chạy. Lúc này, dưới sự điều khiển của đội trưởng, ba voi chiến vây hãm voi đầu đàn lại để cho các con voi khác rượt đuổi. Người quăng tròng bám sát voi con đang chạy theo voi mẹ.
Voi con chạy một lúc tỏ ra mệt, loạn nhịp bước. Đoàn săn cố làm sao tách được voi mẹ chạy theo đường khác bằng voi phụ trợ, còn voi chính sẽ đuổi theo voi con, dùng dây tròng móc lấy chân sau của voi con. Khi móc được rồi để cho voi con chạy thêm ít bước nữa, lựa một cây to nào đó trên đường chạy, nhanh chóng quăng dây cột lại, voi con chạy vòng quanh theo thân cây như tự trói mình tại chỗ. Đến đây coi như mục đích của cuộc săn đã xong.
Đồng bào M’Nông chẳng những có vốn tri thức phong phú về săn bắt voi rừng mà còn có nhiều kinh nghiệm thuần dưỡng, chăn nuôi voi.
Mỗi khi bắt được voi rừng về, đồng bào chưa đưa ngay về buôn làng mà chỉ cử người về báo tin vui (hoặc thổi tù và sừng trâu báo hiệu người làng cũng biết là bắt được voi rừng). Voi con được đưa về khu rừng cạnh buôn, nơi có bãi cỏ, ven suối và có cây vừa che mát, vừa để buộc voi khi tập. Ta có thể gọi nơi đó là bãi thuần dưỡng (Ntuk rđăp rveh).
Quá trình thuần dưỡng:
Người thuần dưỡng voi (mnuih rđăp rveh) có thể là các gru (dũng sĩ) bắt voi, hoặc là người chưa hề bắt được con voi nào nhưng có kinh nghiệm thuần dưỡng. Ở vùng Buôn Đôn hiện có khoảng 30 người có rất nhiều hiểu biết về nghề thuần dưỡng voi. Trong quá trình thuần dưỡng voi người ta dùng 13 loại dụng cụ khác nhau theo thứ tự tập voi.
Trong 3 ngày đầu người ta cho voi ăn uống rất ít, cốt làm cho nó suy yếu để bớt hung hăng, dữ tợn. Tiếp đến người ta dùng voi nhà kiềm chế, bắt nó đứng im để đưa còng số 8 vào hai chân sau, hai chân trước và xích một chân sau vào gốc cây để nó chỉ tiến lui trong một khoảng ngắn. Người ta đóng gông có gai nhọn vào cổ và treo gông lên một cành cây trên đầu voi, khiến cho voi không thể quay đầu qua lại hoặc dùng vòi quật vì bị gai đâm. Sau đó họ dùng lông nhím xâu lỗ tai cho voi để nó đeo một sợi dây như phụ nữ đeo khuyên tai, đánh dấu con voi đã có chủ.
Đây là thời điểm vừa trấn áp uy hiếp, vừa dụ dỗ, người thuần dưỡng tìm mọi cách thuyết phục qua hành động để dần dần có thể đến gần được con voi. Những bài tập đầu tiên cho voi phải theo khẩu lệnh đơn giản như nhấc chân, quỳ xuống, cúi đầu v.v... với "phương pháp sư phạm" phản xạ có điều kiện.
Người ta dùng một cây le già, dài khoảng 2,5m một đầu gắn đinh nhọn dài 2cm, khi con voi tỏ thái độ dữ tợn thì có thể 2 - 3 người thuần dưỡng cầm cây le đâm vào người nó. "Huyệt" đâm làm nó sợ nhất là dọc sống mũi. Khi voi có biểu hiện sợ sệt, mắt nhìn lấm lét và “khóc” chảy nước mắt thật sự thì người ta dùng lời dịu dàng dụ dỗ và cho voi ăn thứ cỏ non được cắt bên bờ sông hoặc các khu đầm lầy đã tước sạch lá còn cọng, là thứ voi rất ưa thích.

Tắm cho voi.
Sau một tuần người đứng xa đưa cỏ, voi dùng vòi lấy cỏ ở tay người thì nó đã hơi quen, người thuần dưỡng có thể tiến đến gần voi hơn để sờ mó, vuốt ve nó. Cũng trong giai đoạn này, người ta rửa vết loét và đắp thuốc cho voi. Một số loại vỏ cây dùng làm thuốc hoà với đất tổ mối đắp lên các vết xây xát, bầm dập trên thân thể voi do quá trình rượt bắt và đâm đập thị uy gây nên.
Tiếp đến người ta tập cho voi xỏ còng. Các vòng số 8 buộc vào chân voi trước đây được tháo ra. Đầu tiên cho voi xỏ còng lớn, sau đó mới tập cho voi xỏ còng nhỏ. Người ta buộc cổ và một chân voi vào một gốc cây, mỗi lần đút còng vào chân voi, người ta hét to ra lệnh, kết hợp với dùng sào tre có đầu đinh nhọn đâm vào chân, bắt nó nhấc chân lên. Nếu tập xỏ còng vào chân sau thì lấy sào nhọn đâm vào chân đó và hô “srố” (xỏ còng).
Khi voi nhấc chân, xỏ còng giả vào và hô tiếp "ó ò" (đúng rồi!). Để voi nhớ hiệu lệnh, thợ thuần dưỡng đưa còng giả lên xuống, cọ xát vào chân voi nhiều lần. Các chân khác cũng được tập như thế. Thời gian tập xỏ còng từ 17 - 42 ngày, tuỳ theo tuổi, tính tình và đặc điểm của từng con voi. Đây là bước đầu tiên cơ bản. Nếu tập xong động tác này, có thể thả voi (buộc dây xích vào cây) để cho voi tự do ăn cỏ. Từ đây, gần như không phải cắt cỏ cho voi trong các quá trình tập sau này.
Khi voi đã quen, người ta tập cho voi đi lại theo sự điều khiển của con người. Một người cầm dây tai dắt voi đi thẳng, người ngồi trên cổ voi dùng móc nhọn đánh vào mông, hai bàn chân trước thúc mạnh vào hốc tai voi, người đằng sau đâm sào nhọn vào chân voi, ép voi đi thẳng với khẩu lệnh “hău song năp”. Nếu bắt voi quay trái thì dắt voi theo hướng đã định, đồng thời người ngồi trên cổ voi đánh móc nhọn vào trán và hô “khoi khoi” (đi từ từ). Muốn voi đứng lại, cũng đâm móc nhọn vào trán và hô “hâu hâu” (dừng lại). Nếu voi không tuân lệnh, các thợ thuần dưỡng đâm sào nhọn vào chân, mình, mông voi.
Lúc voi đã đi đứng đúng theo sự điều khiển của các thợ tập thì người ta chuyền sang tập voi xuống nước. Tập voi xuống nước là làm cho voi quen với nước để sau mỗi buổi tập và làm việc thì sẽ làm vệ sinh, tắm rửa cho voi và để voi uống nước. Một người ngồi trên cổ voi để điều khiển và người đi trước cầm dây thừng dắt voi đi theo hướng đường xuống nơi có nước.
Voi xuống nước ngập 1/3 thân, rồi người ngồi trên voi dùng móc điều khiển đâm vào lưng voi và hô “trôm” (nằm xuống). Voi nằm xuống, mọi người kỳ cọ cho voi để voi làm quen với việc tắm rửa. Sau đó muốn cho voi đứng dậy, đi lên bờ thì người ngồi trên cổ voi lấy chân thúc vào u tai voi, và người đằng trước kéo dây tai voi cho voi đứng dậy và theo hướng người dắt lên bờ. Làm như vậy nhiều lần voi sẽ quen. Mỗi ngày người ta dành 3 giờ để tập trong 3 buổi: sáng, trưa, chiều. Tập trong vòng 15 – 20 ngày thì voi sẽ quen xuống sông suối.
Sau cùng, người ta tập cho voi biết chở người, thồ hàng và kéo gỗ. Tập voi chở người, đầu tiên có hai người ngồi trên lưng. Rồi tập cho voi đi gần, đi xa để quen với trọng lượng trên lưng. Tập thồ hàng thì phải có bành voi. Bộ bành được chằng nịt chặt trên lưng voi. Người ngồi trên cổ voi lần lượt lót đệm để vào lưng voi. Khi đã đặt bành xong thì người ta đưa dụng cụ, đồ đạc vào bành thồ và người cũng ngồi vào đó. Người ngồi trên cổ cầm roi đánh voi, dùng móc điều khiển voi cho voi đi. Cứ như vậy tập đi tập lại nhiều lần.
Tập voi kéo gỗ cũng thường bố trí 2 thợ thuần dưỡng. Một người ngồi trên cổ voi, lấy đệm đặt vào lưng voi, sau đó lấy dây kéo gỗ quàng vào cổ voi, qua lưng xuống mông voi, rồi buộc vào cây gỗ dưới đất. Người dưới đất giúp việc chằng voi, đưa dây vào khúc gỗ, xong, người điều khiển ngồi trên cổ voi đánh thúc voi kéo gỗ đi.

Voi là bạn của con người và được xem như thành viên trong buôn làng.
Khi voi đã thuần thục các động tác thì nghỉ tập và buộc voi vào nơi bãi chăn thả trong rừng. Chú voi này phải làm quen với cách sống ở bãi chăn thả khi không có người và voi nhà kèm cặp. Hai chân sau của nó phải đeo một dây xích sắt dài 10 - 15m, nặng tới 50kg để nó khó bỏ đi xa vì vừa nặng, vừa vướng vào cây rừng. Khi đi tìm nó thì cứ lần theo dây xích.
Cứ năm bảy ngày, voi được đưa về nơi thuần dưỡng một lần để “ôn” bài cũ. Về cơ bản, việc thuần dưỡng đến đây là xong. Sau này, người ta chỉ tập thêm một số động tác cho voi tinh khôn hơn như quỳ hai chân sau, gập hai chân trước để "chào" và đỡ người lên trên bành... Thời gian thuần dưỡng kéo dài 2 -3 tháng mới dạy xong một chú voi. Một khi con voi đã khôn ngoan, biết vâng lời, đã thuộc lòng các bài tập, các động tác, có thể tham gia giúp người lao động sản xuất thì đồng bào đưa voi nhập buôn.
Voi nhập buôn là bước khởi đầu quan trọng đối với buôn làng, giống như việc con người nhập khẩu vào chỗ ở mới vậy. Theo quan niệm của đồng bào, thêm một con voi vào buôn tức là tăng thêm sức lao động của cộng đồng, chưa nói đến đây còn là một tài sản quý, nói lên sự giàu đẹp của buôn làng.
Và con voi, khi đã qua lễ cúng nhập buôn được coi như một thành viên của làng, được đối xử tử tế được chăm sóc như đối với con người. Được ăn cơm, chuối, rau, quả và đặc biệt là uống nước có pha muối - một loại nước uống tạo thêm sức khoẻ cho con voi mà nếu voi đã quen dùng rồi thì dù có bỏ vào rừng, nó nhớ loại nước uống này lại quay về với chủ, với buôn làng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét