Một đêm 15 năm trước, cụ Khiên - người chuyên quét dọn chùa - nằm mộng được báo rằng ngày mai sẽ có một nữ thí chủ đến quy y tại chùa. Sáng ra, vừa quét dọn bà Khiên vừa ngó chừng ra cổng xem ai đến. Đến trưa người đâu chẳng thấy, chỉ thấy một heo cái 5 móng đang im lìm ngủ phía sau chùa, lay không dậy, đuổi không đi. Nhớ lại giấc mộng, bà Khiên sực tỉnh...
Không chỉ vì khung cảnh cổ kính, trang nghiêm của lối kiến trúc, của những tán cây cổ thụ mà ẩn đằng sau mỗi một ngôi chùa ở Sóc Trăng lại có không biết bao nhiêu chuyện lạ khiến nhiều du khách khám phá một cách thú vị.
Chùa Mahatúp - còn gọi là chùa Mã tộc hay chùa Dơi - nằm tại phường 3, thị xã Sóc Trăng là một điểm du lịch khá nổi tiếng. Chùa có một khuôn viên rộng như bất kỳ một ngôi chùa Kh’mer nào ở đây. Trên những tàn cây xanh yên bình và tĩnh mịch, ban ngày, từng đàn dơi quạ mà mỗi con nặng cả ký treo mình lủng lẳng trên cành cao ngủ say, mặc cho du khách đứng bên dưới chỉ trỏ, chụp hình. Trời chạng vạng, đàn dơi bắt đầu đêm rong ruổi kiếm ăn. Cũng lạ là dù bay tản mác ở đâu đi nữa thì mỗi sáng, khi tiếng chuông chùa vừa điểm, chúng lại lục tục kéo nhau về. Sự hiện hữu của đàn dơi có lúc lên đến hàng vạn con đã làm cho chùa Mahatúp càng trở nên nổi tiếng.
Tuy nhiên, ngôi chùa này độc đáo bởi một nghĩa trang dành cho những... "lão trư" 5 móng. Nghĩa trang này hiện nằm ở hậu liêu của chùa. Chuyện truyền rằng, một đêm nọ của 15 năm trước, bà cụ Khiên - người chuyên quét dọn chùa - nằm mộng được báo rằng ngày mai sẽ có một nữ thí chủ đến quy y tại đây. Sáng ra, vừa quét dọn bà Khiên vừa ngó chừng ra cổng xem ai đến. Đến trưa người đâu chẳng thấy, chỉ thấy một heo cái 5 móng đang im lìm ngủ phía sau chùa, lay không dậy, đuổi không đi. Nhớ lại giấc mộng, bà Khiên sực tỉnh mau mau chuẩn bị chỗ cho heo.
Theo nhiều người quanh chùa, "lão bà" 5 móng này mỗi ngày chỉ ăn một bữa đúng vào giờ ngọ. Heo lớn nhanh, nặng khoảng 400 kg. Sự hiện diện của heo 5 móng đã bùng thổi nhiều lời đồn đoán và một số người không dám gọi heo nữa mà thay vào đó là "cô Năm Hợi". Kể từ đây, xung quanh chùa nhà ai có heo 5 móng là cứ gửi đến nhập hội với "cô Năm Hợi". Cụ Thạch Thị Mao - người thay công việc cụ Khiên sau này - kể, khi còn sống "cô Năm Hợi" thường dẫn nguyên "đoàn anh chị em đồng liêu" vào thị xã để... dạo phố. "Đoàn" đi rất trật tự và đến giờ nhà chùa sắp tụng kinh thì quay về, ngày nào cũng vậy, bất kể mưa nắng.
Lời cụ Mao chính xác cỡ nào thì chưa rõ song việc đàn heo 5 móng từ chùa đi hơn 3 cây số vào trung tâm thị xã không lạc thì rất nhiều người dân Sóc Trăng đã nhìn thấy. Chính những biểu hiện kỳ lạ này mà khi "cô Năm Hợi" chết, nhiều người đã đến cúng vái, nhà chùa đã cho khâm liệm và chôn phía hậu liêu. Anh Long nhà gần chùa cho biết, sự đồn thổi về "cô Năm Hợi" đã kéo nhiều tay chơi đề đêm đêm vào mộ khấn xin số. Trúng trật chẳng rõ.
Điều kỳ thú nữa là "cô Năm Hợi" có mộ chí đàng hoàng và sau đó có đến 3 bậc hậu duệ "5 móng" khác cũng an giấc nghìn thu trong những ngôi mộ khá đẹp. Những người đứng ra xây mộ đều đến từ TP HCM. Bà Nguyễn Thị Tiếp ở quận 10 đã xây mộ cho "cô Năm Hợi" với số tiền 500.000 đồng từ hàng chục năm trước đây.
Thượng tọa Kim Rêne, trụ trì chùa cho biết, xung quanh 4 ngôi mộ này còn có hơn chục mộ của những "cô, chú 5 móng" khác được chôn cất đàng hoàng chỉ có điều là không xây nấm mộ mà thôi. Nhà chùa hiện giờ có 5 "cô, chú 5 móng" khi nào chết sẽ được chôn tại đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét