Ao sen ở Tịnh xá Ngọc Hưng. Ảnh: Kỷ Nguyên Mới - SocTrangonline |
Tịnh xá Ngọc Hưng trước kia tọa lạc tại Viện Bảo Tàng tỉnh Sóc Trăng Ngày nay. Sau này tòa tịnh xá này được dùng làm Viện Bảo Tàng tỉnh Sóc Trăng. Sau đó tịnh xá Ngọc Hưng mới dời về đường Điện Biên Phủ, cặp theo mé sông, gần cầu Kinh Xáng. Theo lời các sư trong Tịnh Xá thì khuôn viên Tịnh Xá Ngọc Hưng "u nhã" ngày nay vốn là một khu vườn cam bỏ hoang của Chùa Long Hưng ngày xưa.
Lại nói về chùa Long Hưng, ngày xưa, chùa là một ngôi chùa tại gia và ở vị trí không thuận lợi nên ít phật tử đến viếng. Hơn nữa, đây là một chùa nghèo nên không có tiền tu bổ, đất rộng nhưng thiếu nhân lực, vật lực nên mới có tình trạng vườn hoang.
Khi các sư bên Tịnh Xá Ngọc Hưng về khu vườn Cam để tạo lập chùa mới thì mảnh vườn này hoang vu lắm. Đất thấp, lắm ao chuôm nên các nhà sư phải lao động cật lực mới xây dựng được một Tịnh Xá Ngọc Hưng thanh thoát như ngày nay. Các nhà sư ra công xuống con kinh đào Maspéro trước mặt vét sình từng thùng một vào tôn cao nền chùa, lắp bớt ao chuôm. Phía trước chùa, ngoài mé kinh thì trồng thêm cây cối để giữ đất. Ngày lại qua ngày, nền đất chùa được tôn cao, sạch đẹp. Có một số ao khá sâu được các nhà sư tận dụng làm ao trồng sen, trồng bầu tạo thêm cảnh sắc tươi tắn. Mé bên trái tịnh xá có một cái ao lớn nay được xây một hòn giả sơn, trên đó có tượng Quan Âm Nam Hải tay cầm Ngọc Bình đựng nước Cam Lồ ở giữa ao, hòn giả sơn tượng trưng cho Lạc Đà Sơn, ao tượng trưng cho Nam Hải là nơi Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ngự. Ở giữa ao có một cây cầu bắc ngang với thành cầu đắp bắng xi măng mô phỏng hình dáng thân cây hoa sứ, uốn lượn uyển chuyển. Nền cầu thì các nhà sư, nhân xi măng còn ướt mới lấy lá cây bông Sứ Trắng in lên trang trí cho chiếc "Thạch Kiều" thêm xinh. Dọc theo hồ nước này là nhiều hoa thơm cỏ lạ, nào là Liễu Bông Tràm hoa đỏ thắm đong đưa trước gió, nào là Hoa Sứ Trắng tỏa hương thơm, Mai Vàng, Cỏ Tía, Sen hồng, Trúc reo, gió thổi lâng lâng thoát tục. Có một vị khách tham quan đã nói rằng :"thấy cảnh đẹp quá, khung cảnh thanh tịnh quá nên cũng muốn tu luôn".
Ở giữa chùa là một tòa Chánh Điện bằng gỗ sơn nâu ra vẻ cổ kính. Tòa chánh điện có hình bát giác tượng trưng cho hoa Sen nhà Phật, tám hướng tượng trưng cho Bát Chánh Đạo. Trong chính điện cũng thờ rất đơn giản. Phía sau tượng phật Thích Ca có di ảnh một vị Trụ Trì chùa mà lâu quá tôi không nhớ tên.
Bên phía tay phải ngôi tịnh xá là nhà thờ " Cửu Huyền Thất Tổ" là nơi thờ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát mà theo kinh Phật thì ngài ngự chốn âm ty để tế độ cho những "tội vong", ngài nguyên cho đến khi nào ngài độ hết những vong hồn tội lỗi thì ngài mới thành chánh quả. Thời nay, chiến tranh, khủng bố xảy ra triền miên, biết bao giờ ngài mới độ hết những oan hồn gây tội nghiệp nơi trần thế? Ngoài di tượng Đia Tạng Vương, nơi đây còn thờ những bài vị thân nhân những phật tử của chùa với ước nguyện được sớm tối nghe câu kinh tiếng kệ và được siêu thoát. Trên lầu là tàng kinh các, nơi chứa đựng những kinh sách nhà phật.
Xung quanh chùa, các nhà Sư trồng rất nhiều hoa và cây cảnh với kỹ thuật và mắt thẩm mỹ tinh tế. Cảnh trí, bố cục hài hòa. Hoa thơm cỏ lạ đầy dẫy, đường đi râm mát, quết dọn sạch sẽ. Trên mái ngói chánh điện, hàng đàn Bồ Câu làm tổ nuôi con và cất tiếng kêu gù gù nghe trầm ấm. Trên cành cây cao, có một chú chim Chích Chòe hót véo von khỏe khoắn. Xa xa là tiếng chim Cu Gáy kêu giọng thổ trầm trầm:
"Cu kêu ba tiếng Cu kêu,
Cho mau đến Tết dựng Nêu ăn chè".
Một vài kỷ niệm về một ngôi chùa đẹp ở Sóc Trăng quê tôi.
Melbourne 28/06/2004
KhoaNam - SocTrangOnline
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét