Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Du lịch nét xưa Bạc Liêu

Mặc dù tốc độ đô thị hóa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khá nhanh, nhưng Bạc Liêu vẫn là một trong những tỉnh còn lưu lại nhiều nét xưa nhất. Đặc biệt, các nét xưa này đã được tỉnh Bạc Liêu khai thác phục vụ du lịch và cũng là để giữ gìn và tôn tạo thêm các nét xưa đó.

Thời nhà Nguyễn, thế kỷ 18, Bạc Liêu thuộc phủ Bãi Xàu, tỉnh An Giang. Bạc Liêu được thành lập muộn hơn các tỉnh Nam kỳ khác. Tiểu khu Bạc Liêu được hình thành từ cuối năm 1882 do Thống đốc Le Myre de Villers ký nghị định lấy một phần đất của 2 tiểu khu Sóc Trăng và Rạch Giá. Ngày 20/12/1898, Toàn quyền Poul Doumer đổi tiểu khu thành tỉnh Bạc Liêu. Bạc Liêu đã có một vị trí khá quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng của người Pháp. Bạc Liêu vốn là xứ của một số đại điền chủ Nam kỳ lục tỉnh, mà đến nay vẫn còn khá nhiều dinh thự, biệt thự theo lối kiến trúc phương Tây đã tạo cho Bạc Liêu một dấu ấn riêng rất thú vị.

Khi đến Bạc Liêu thì không có lý do gì để bạn không vào khách sạn Công tử Bạc Liêu để nghỉ cho biết. Giá cả tuy có hơi đắt (từ 200.000-350.000 đ/phòng/ngày), nhưng bù lại rất thú vị. Điều thú vị là, đây không phải là một khách sạn mới xây, mà nó được nâng cấp, sửa chữa từ chính ngôi nhà của công tử Bạc Liêu ngày xưa. Trong khách sạn này có nhiều phòng, nếu hào phóng, bạn có thể bỏ ra 350.000đ để được ở đúng cái phòng mà công tử Bạc Liêu trước kia đã từng ở. Khách sạn Công tử Bạc Liêu chính là nhà của Hội đồng Trần Trinh Trạch, cha của Trần Trinh Huy - người được mệnh danh là công tử Bạc Liêu. Ngôi nhà này được xây từ năm 1919, gồm tầng trệt 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh. Tầng lầu gồm 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh. Đây là căn nhà được coi là bề thế nhất ở Bạc Liêu lúc bấy giờ, do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng.

Khi đến đây, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên và lấy làm thích thú trước một lối kiến trúc cổ kính pha chút màu sắc hiện đại. Phía trước ngôi nhà là con đường sạch bóng, kế đến là một vỉa hè rộng thênh thang nằm cạnh con sông Bạc Liêu nên thoáng đãng vô cùng. Chỉ cần đặt chân đến đây, mọi cảm giác mệt nhọc của bạn sẽ tiêu tan. Vào đến trong nhà, bạn còn ngạc nhiên hơn nữa, khi thấy cách bài trí vô cùng lạ mắt nhưng không kém phần hấp dẫn của kiểu bài trí ngày xưa. Dưới tầng trệt, ngoài bộ bàn tiếp khách xưa, còn có ảnh của công tử Bạc Liêu, tượng vợ chồng Trần Trinh Trạch, bình gốm, tủ thờ... Bên cạnh đó, bạn còn biết được những giai thoại nức tiếng của công tử Bạc Liêu ngày xưa.

Sáng hôm sau, bạn có thể đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên để chiêm ngưỡng chiếc đồng hồ đá, có lẽ duy nhất chỉ có ở Bạc Liêu. Chiếc đồng hồ này do kỹ sư Lưu Văn Lang (5/6/1880 - 3/8/1969) xây bằng gạch tàu và xi măng, có chiều cao khoảng 1m, rộng 0,8m, gồm ba phần: Một phần được xây theo hình chữ nhật ở giữa, nhô ra phía trước, hai phần hai bên xây theo hình vuông, cũng bằng gạch tàu, trên đó có khắc 6 chữ số La Mã, biểu thị số giờ. Ánh nắng chiếu xuống phần hình chữ nhật sẽ tạo ra một vệt sáng, tối. Con số nào nằm trong lằn ranh giữa vệt sáng và tối đó chính là số giờ.

Vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230 ha, chạy dài trên 11km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thị xã Bạc Liêu. Ngày trước, vùng này là đất giồng cát được hình thành qua quá trình bồi lắng của thiên nhiên và do con người đắp đê lấn biển. Đây là loại đất có độ thoát thủy tốt, mực thủy cấp sâu, tầng canh tác dày... được đánh giá thích hợp cho việc trồng cây ăn trái và các loại hoa màu. Theo truyền thuyết, ông Trương Hưng là người đầu tiên mang 2 giống nhãn Su-bíc và Tu-huýt từ Trung Quốc sang trồng trên đất giồng cát Bạc Liêu. Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt. Còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt. Cả 2 giống nhãn đều thích nghi và phát triển rất tốt trên đất giồng cát, nhất là giống Su-bíc được nhiều người ưa chuộng. Thế là nhiều người nhân rộng diện tích nhãn Su-bíc. Từ Hiệp Thành qua Vĩnh Trạch Đông nơi nào có đất giồng cát là có nhãn mọc lên. Còn bánh xèo ở đây thì đã trở thành một đặc sản vô cùng hấp dẫn đối với du khách gần xa. Bánh xèo Giồng Nhãn rất giòn, vàng ươm với nhưn củ sắn, đậu xanh, thịt heo, tép bạc...

Trên đường quay về, bạn có thể ghé viếng mộ cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - cha đẻ của bài Dạ cổ hoài lang. Không chỉ dừng ở đó, đến với Bạc Liêu, bạn cũng sẽ có dịp chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc độc đáo như tháp cổ Vĩnh Hưng, chùa Xiêm Cán, chùa Quan Đế...; tham dự các lễ hội cổ truyền như Tết Chol Chnam Thmay, lễ hội Ok Om Bok (trông trăng) của người Khmer... Đặc biệt, bạn không nên bỏ qua cây xoài 300 năm, to đến 5 người ôm không hết, nằm cách chùa Xiêm Cán 1km.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét