Đặc biệt, Bạc Liêu là xứ sở của bản Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay và là cái nôi của đờn ca tài tử Nam Bộ; là quê hương của “Công tử Bạc Liêu” với cụm nhà cổ “Công tử Bạc Liêu” và những giai thoại hấp dẫn. Nơi đây còn được đông đảo du khách biết đến với nhiều món ăn nổi tiếng như: bún nước lèo xóm Mới, bún bò cay, bánh tằm ngan dừa, bánh xèo vườn nhãn, bánh cuốn hồ bơi, bánh củ cải tiều, bánh pía Thái Cang, mắm chua Vĩnh Hưng, khô hải sản, rượu công xi, rượu nhãn, bồn bồn… Bạc Liêu cũng là nơi sản xuất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm quà lưu niệm cho du khách từ các làng nghề như: nghề mộc, đan lát, dệt chiếu, sản xuất muối...
Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần tăng trưởng GDP và nâng cao thu nhập của người dân, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 02 về đẩy mạnh phát triển du lịch. Trong những năm qua, Bạc Liêu đã tích cực mời gọi các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển du lịch của tỉnh, kết quả đã xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch có nét đặc thù riêng và được Hiệp hội du lịch ĐBSCL công nhận 6 sản phẩm du lịch đặc trưng là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực ĐBSCL (toàn khu vực ĐBSCL có 21 điểm, Bạc Liêu là tỉnh có nhiều điểm nhất) như: khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu Quảng trường Hùng Vương, Khu nhà Công tử Bạc Liêu, khu biển nhân tạo khu du lịch Nhà Mát... Quảng trường Hùng Vương với quần thể kiến trúc đẹp, mới, lạ, đã trở thành điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách gần xa. Về dịch vụ du lịch, toàn tỉnh hiện nay có trên 50 cơ sở lưu trú du lịch với gần 1.500 phòng, trong đó có 29 khách sạn được xếp hạng từ 1-3 sao; có nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống và mua sắm được cấp biển hiệu đạt chuẩn phục vụ du lịch.
Năm 2014, Bạc Liêu đăng cai tổ chức thành công Festival đờn ca tài tử và vòng Chung khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 - khu vực phía Nam… Doanh thu du lịch - dịch vụ cả năm 2014 đạt khoảng 857 tỷ đồng, tăng 22%, trong đó doanh thu nhà hàng- khách sạn 334 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2013. Khách du lịch đạt khoảng 973.000 lượt, tăng 28%, trong đó có 300.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú, tăng 30% và 30.000 lượt khách quốc tế, tăng 20% so với năm 2013. Tỷ trọng du lịch trong GDP của tỉnh đạt khoảng 2,72%.
Mỗi khi nhắc đến Bạc Liêu xưa người ta thường liên tưởng đến sự ngông nghênh, sự thừa mứa coi tiền như rác của một công tử Bạc Liêu thời thuộc Pháp. Vâng! Công tử Bạc Liêu rồi cũng tự đào thải theo quy luật tiến hóa của xã hội. Công tử Bạc Liêu giờ đây chỉ còn như một chuyện kể để người sau tránh lặp lại cái sự ngông cuồng ấy… Và Bạc Liêu ngày nay, mỗi khi nhắc đến người ta thường nói nhiều, nhớ nhiều với những tuor du lịch sinh thái thú vị mà không phải nơi nào cũng có được. Bởi nơi đây, du lịch Bạc Liêu có những nét riêng của mình…
Cầu Kim Sơn về đêm
Đồng muối Bạc Liêu
Thật vậy! Đã từ xa xưa Bạc Liêu thường được biết đến với những sân chim nằm ngay bên vành đai của đô thị. Đến đây, du khách sẽ bắt gặp những đàn chim quay về tổ ấm cứ mỗi độ hoàng hôn buông xuống, bất chấp sự náo nhiệt của phố chợ kề bên. Có cái thú nào hơn sau một ngày lao động, sau một ngày vật lộn với kế mưu sinh lại được thả hồn với những cánh chim bay lượn trên bầu trời xanh thẳm…Sân chim Bạc Liêu chính là một trong những điểm dừng đầu tiên của tuor du lịch sinh thái Bạc Liêu chào đón khách nhàn du.
Chùa Xiêm Cáng
Nhà Công tử Bạc Liêu bên dòng sông trong lòng thị xã
Nếu đến Bạc Liêu chỉ để ngắm những cánh chim thì du khách sẽ tiếc rẻ cho chuyến đi từ phương xa của mình. Từ thị xã Bạc Liêu hướng ra phía biển, chỉ độ non 7 km đường xe, khách có thể ngắm nhìn sự bao la của biển, của trời. Biển Bạc Liêu không có những bãi cát trắng phau như Nha Trang, Vũng Tàu… nhưng lại có những nét riêng của mình bởi nơi đây những bãi bồi xa tít có thể cung cấp những đặc sản miền biển. Rất thú vị khi bạn thả bộ trên những bãi cát còn non mùi sình để đón những ngư dân và rồi chọn cho mình những đặc sản miền biển còn tươi như nghêu, cua, ghẹ…để bổ sung cho tiệc nhẹ trên biển của chuyến du hành. Sảng khoái không khém khi bạn thích ngồi ngóng những cơn gió biển, thả tầm mắt xa tít về phía biển để thấy sự bao la của biển. Lúc này đây hãy ghé lên khu nhà nổi mà ngành du lịch Bạc Liêu mới xây dựng - Nhà hàng Hương Biển được xây ngay trên con sóng biển Bạc Liêu sẽ là nơi dừng chân cho bạn.
Sân chim Bạc Liêu
Hưởng những gì mà biển ban phát đã làm cho bạn thêm phần hứng khởi, và bạn sẽ cảm thấy đầy đủ hơn khi hành trình đến một khu du lịch sinh thái khác, gần thôi - cách biển Bạc Liêu non 2 km là khu Vườn nhãn Bạc Liêu. Nơi mà trái ngọt của nó đã có mặt khắp thị trường cả nước và tiếng lành về độ ngọt thanh cũng lan tận nước bạn Trung Quốc. Vườn nhãn Bạc Liêu sẽ giúp khách nhàn du có những phút thư giãn dưới những chiếc võng được treo dưới những gốc nhãn trăm tuổi, tận hưởng vị ngọt của nhãn và nếu muốn lâng lâng đôi chút thì những cốc rượu nhãn hậu ngọt sẽ là mỹ tửu giúp bạn dễ dàng hòa cùng mọi người trong một chuyến đi. Du lịch sinh thái Bạc Liêu sẽ có một tuor khám phá những nét văn hóa Khmer với những đặc thù riêng. Hãy đến với chùa Xiêm Cáng - ngôi chùa Khmer cổ được xây dựng cách đây hơn trăm năm, sẽ phần nào lý giải cho bạn những nét văn hóa dân tộc đặc sắc. Chùa Xiêm Cáng còn là nơi thường có những lễ hội để du khách đắm chìm trong màu sắc của Phật pháp, của cộng đồng dân tộc Khmer sống chan hòa trong lòng dân tộc Việt.
Du lịch sinh thái Bạc Liêu là thế ! Trong hành trình của mình, chắc hẳn bạn còn khám phá những điều thú vị hơn, lạ lẫm hơn, hấp dẫn hơn từ vùng đất mới Bạc Liêu trù phú...
ĐÀO MINH TUẤN
Ảnh : ĐẶNG QUANG SANH
ĐÀO MINH TUẤN
Ảnh : ĐẶNG QUANG SANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét