Thứ Hai, 4 tháng 4, 2011

Hồng Anh thư quán - Di tích lịch sử, văn hóa

Cuối năm 1927, Đào Hưng Long được Kỳ Bộ Nam Kỳ Hội Việt Nam thanh niên cách mạng cử về thị trấn Cà Mau hoạt động tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin cho nhóm thanh niên yêu nước, có ý thức giác ngộ cách mạng. Qua thời gian ngắn tuyên truyền giáo dục, tháng 1/1929, chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng thị trấn Cà Mau được thành lập, gồm: Lâm Thành Mậu, Nguyễn Văn Chánh, Trần Hải Thoại, Tăng Văn Hai... do Đào Hưng Long làm Bí thư.
Vừa được thành lập, chi hội xác định nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, giáo dục ý thức cách mạng trong nông dân, công nhân, học sinh, trí thức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ.

Trong phong trào đấu tranh đó, chi hội còn mở hiệu sách "Hồng Anh Thư Quán" và quán cơm "Tâm Đồng", phổ biến những sách báo có nội dung tiến bộ, giáo dục tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời làm nơi tập hợp, sinh hoạt của những người hoạt động cách mạng.
 
  Phòng trưng bày trong Khu di tích Hồng Anh Thư Quán.                                  Ảnh: T. NGHĨ
Ngôi nhà làm "Hồng Anh Thư Quán" được xây dựng đầu thế kỷ 20, dưới thời chủ quận người Pháp Metaye, là một căn trong dãy nhà lầu hai tầng được làm nhà hàng, phòng ngủ có tên Á Châu. Tầng dưới bán sách gồm văn xuôi và thơ, ca; trong đó có cuốn sách mang tên "Trai Nam Việt - Gái Lạc Hồng" được nhiều người ưa thích.

Nói chung, hiệu sách Hồng Anh Thư Quán được độc giả mến mộ và được những người yêu nước, những người hoạt động cách mạng làm chỗ dựa cho các hoạt động của mình và về sau này trở thành địa chỉ của bọn mật vụ, mật thám, lính kín "chiếu cố" tìm cách đánh phá. Tầng trên làm địa điểm hội họp, trao đổi ý kiến của chi hội Thanh niên cách mạng, là nơi nói chuyện thời cuộc của những người yêu nước.

Những hoạt động này đã gây ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là dân nghèo của thị trấn, lực lượng thanh niên và nhân dân các xã xung quanh.
Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền vận động cách mạng, chi hội Thanh niên cách mạng còn tích cực vận động, lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ; đòi giảm thuế chợ, thuế đò, thuế thân; đòi tự do vào rừng đốn cây cất nhà; chống cướp đất, chống tăng lúa tô diễn ra nhiều nơi.
Tiêu biểu là cuộc đấu tranh chống thuế thân ở làng Tân Thành, do một số thanh niên yêu nước được ảnh hưởng từ sự truyền bá của Hội thanh niên cách mạng và qua ảnh hưởng sách báo của Hồng Anh Thư Quán. Ngày 30/4/1929, tên Cò Tây dẫn lính mả tà dùng ca-nô chạy vào Tân Thành nhằm bắt một số người cầm đầu chống thuế thân.

Nắm được âm mưu của địch, hơn 100 nông dân kéo đến Nhà Việc đấu tranh. Tên Cò Tây hăm he đòi bắt bà con về quận. Lập tức hàng chục bà con nông dân tràn xuống ca-nô đòi cùng nhau về quận chớ nhất định không đóng thuế thân. Trước áp lực mạnh mẽ của bà con, buộc tên Cò Tây phải chấp nhận, công bố: "Hoãn lại... cho bà con tiếp tục làm mùa".
Các phong trào đấu tranh ở quận Cà Mau tuy diễn ra chưa nhiều, nhưng những cuộc đấu tranh đó trở thành "hạt nhân" loan tỏa nhiều nơi, thức tỉnh tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động ở Cà Mau. Qua các cuộc đấu tranh, thực dân Pháp đánh hơi biết được dấu hiệu hoạt động cách mạng, chúng tăng cường bọn lính làng, mật thám theo dõi để khủng bố phong trào và tìm đầu não của cách mạng để tiêu diệt.

Tại thị trấn Cà Mau, chúng để mắt đến Nhà sách Hồng Anh Thư Quán. Ở đây ngày càng có nhiều người đến đọc sách, báo, nhiều người lui tới rất khả nghi nên bọn thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa hiệu sách. Nhưng sau đó, bằng nhiều lý lẽ sắc bén, có lý, có tình, nhiều cán bộ cách mạng và quần chúng vẫn lui tới Hồng Anh Thư Quán đọc sách, hội họp, trao đổi quốc sự.
 
  Khu di tích Hồng Anh Thư Quán, tọa lạc phường 2, TP Cà Mau.   
     Ảnh: TRẦM NGHĨ
Tháng 9/1929, tên thống đốc Nam Kỳ ra lệnh cho tên Chủ tỉnh Bạc Liêu và tên Chủ quận Cà Mau tập trung thật đông lính mả tà và lính kín vây ráp, bắt bớ nhiều cán bộ cách mạng trong Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng thị trấn Cà Mau và một số người yêu nước khác. Qua trận bố ráp này của giặc, hầu hết các đồng chí trong chi hội còn sót lại đều tránh khỏi địa bàn thị trấn và tạm ngừng hoạt động.
Dù cơ sở bị địch khủng bố và bắt bớ nhưng phong trào cách mạng trong thị trấn Cà Mau và ở các làng quanh vùng luôn được nhen nhóm và phát triển vững chắc theo phương hướng lãnh đạo của chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng thị trấn Cà Mau, chứng tỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng phát huy mạnh mẽ trong cuộc sống, là niềm tin và là nhân tố phát triển phong trào cách mạng của quần chúng được hình thành, ăn sâu bắt rễ trong nhân dân.
Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng thị trấn Cà Mau thành lập và hoạt động thời gian không bao lâu, nhưng việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng gây một ảnh hưởng rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân thị trấn Cà Mau và các xã quanh vùng. Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng làm tròn vai trò, nhiệm vụ lịch sử của mình, tạo được hạt nhân và tiền đề cho sự ra đời của Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam thị trấn Cà Mau vào năm 1930.
Tháng 1/1930, đồng chí Ung Văn Khiêm, Bí thư Đặc ủy Hậu Giang trực tiếp làm thủ tục và kết nạp 4 hội viên ưu tú của Chi hội Hội Việt Nam thanh niên cách mạng thị trấn Cà Mau: Lâm Thành Mậu, Nguyễn Văn Chính, Tăng Văn Hai, Phạm Ngọc Cừ vào An Nam cộng sản Đảng và thành lập Chi bộ thị trấn Cà Mau do Lâm Thành Mậu làm Bí thư.

Đây là chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ở thị trấn Cà Mau và là tổ chức Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu. Sau khi thống nhất các tổ chức Đảng trong cả nước thành Đảng cộng sản, đổi thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thị trấn Cà Mau.
Hồng Anh Thư Quán được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 25/9/1992./.
Phạm Văn Tri

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét