Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Kỳ tích Mo So

Hang núi Mo So - Ảnh: T.V
Không phải đến khi nhà biên kịch Phan Nhật Thu và ê kíp làm phim “Con đường 1 C huyền thoại” khởi quay cảnh đầu tiên tại Mo So tháng 12-2007 và NSƯT Đồng Anh Quốc thực hiện bộ phim tài liệu “Tiểu đoàn 207 anh hùng”, cũng thực hiện những cảnh quay ở Mo So giữa tháng 9-2008 này, người dân Kiên Giang và những ai yêu một vùng núi non, hang động kỳ thú của Kiên Lương mới cảm hết cái đẹp, mới hiểu những kỳ tích về Mo So…
Có thể nói ngay từ khi những người con đất Nam bộ đưa chiếc gậy tầm vông, chiếc nóp vào lịch sử chiến đấu oai hùng của dân tộc ta bằng câu hát hừng hực khí thế “Mùa thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”, tháng 9-1945, thì Mo So đã trở thành niềm kiêu hãnh của người dân Rạch Giá - Hà Tiên, là địa danh khiến quân xâm lược khiếp vía, kinh hồn.
Trong ký ức của ông Nguyễn Ngọc Lầu 95 tuổi, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính (UBKCHC) tỉnh Hà Tiên trong kháng chiến chống Pháp, thì trước đây cả khu vực xã Bình Trị, Bình An thuộc quận Hòn Chông (một trong 4 quận) của tỉnh Hà Tiên (cũ) là một vùng rừng tràm bạt ngàn. Núi Mo So (Mo So tiếng Khmer là đá trắng) nằm trong cụm 3 ngọn núi Sơn Trà, Núi Mây nên người địa phương gọi đây là vùng 3 núi. Núi Mo So có hơn 20 hang động lớn nhỏ, hiểm trở. Chính địa hình này, trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Tư lệnh Khu 9 đã cho thành lập Đội công binh xưởng 18, đặt trong hang núi Mo So, để đảm bảo bí mật cho cơ quan sản xuất vũ khí của Quân khu. Ông Trần Dũng Chiến - nguyên chiến sĩ Đội công binh xưởng 18 kể lại: “Đội gồm 8 thợ chuyên môn, 20 người tập sự và 14 người phụ việc, Đội đã chế tạo vũ khí tự tạo, cải tiến vũ khí thu được của giặc, đảm bảo cung ứng kịp thời cho các đơn vị chiến đấu”.
Năm 1948,  UBKHHC tỉnh HàTiên quyết định đào một con kinh tắt để nối liền giao thông đường thủy giữa trung tâm hành chính của tỉnh đặt tại khu vực Núi Trầu (xã Hoà Điền) với căn cứ Mo So. Kinh bắt đầu từ ngã ba Ba Hòn nối với Rạch Đùng, đi ngang khu vực Mo So chiều dài khoảng 10 km, chiều ngang 8 mét. Ngày khởi công đào kinh đúng ngày sinh nhật Bác 19-5-1948, với lực lượng dân công của 11 xã quận Hòn Chông và Giang Thành tham gia, con kinh đã hoàn thành chỉ có 42 ngày. Trong khi các xã tập trung lực lượng đào kinh, Đại đội 64 của Tiểu đoàn 363 đơn vị chủ lực tỉnh, đưa lực lượng chặn các đồn địch theo tuyến lộ xe, Xà Ngách, Ba Hòn, khiến bọn giặc biết ta đào kinh, dùng pháo cối bắn bâng quơ, bị ta đánh trả cảnh cáo vào đồn Ba Hòn, khiến giặc rút chạy bằng đường biển về Hà Tiên. Đây là một kỳ tích về tinh thần sáng tạo, ý quyết thắng của quân dân Hà Tiên trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1969, Huyện ủy Hà Tiên quyết định xây dựng một căn cứ vững chắc cho Huyện ủy và các cơ quan ban ngành của huyện tại Mo So, khi đã phân tích kỹ tình hình: vừa để giải tỏa cho tuyến đường 1 C, vừa chọn địa hình thuận lợi để ta bảo toàn lực lượng, sử dụng địa hình này để chiến đấu tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch như kinh nghiệm chiến đấu của quân và dân xã Thổ Sơn sử dụng hang hòn trong căn cứ Ba Hòn của Châu Thành A. Với địa hình hiểm trở của Mo So, các cơ quan được bố trí theo các hang: Huyện ủy, xưởng vũ khí, pháo binh, quân y, kinh tài, điện đài, văn hóa… Hang Quân y được bố trí chu đáo các phòng mổ dã chiến, chỗ chữa trị thương binh nặng, dưỡng thương…Có những hang rộng có sức chứa vài trăm người.
Ngày 11-7-1969, khi các cơ quan ổn định chỗ nơi ăn ở, bắt đầu làm việc tại căn cứ Mo So, hôm sau bọn giặc phát hiện toàn bộ cơ quan đầu não của Hà Tiên đã vào đây. Đoán trước điều này sẽ xảy ra, ta đã bố trí lực lượng, sẵn sàng chiến đấu. Bọn giặc huy động trên 200 quân bảo an đang có mặt tại Kiên Lương tấn công vào Mo So. Tổ giao liên 6 chiến sĩ đóng ở núi Mây kiên cường chiến đấu suốt 2 ngày đêm, đẩy lùi hàng chục đợt tiến công của giặc, làm bị thương 40 tên, bẻ gãy trận càn đầu tiên của chúng. Ba chiến sĩ giao liên hy sinh.
Sau những lần đánh vào Mo So năm 1969, đều vấp phải thất bại. Tháng 2-1970, địch tập trung 2 trung đoàn thuộc sư đoàn 21 bộ binh, 1 tiểu đoàn công binh, 2 thiết đoàn xe M.113, 1 đại đội thám báo, 10 cụm pháo mặt đất, 2 chiến hạm ngoài khơi tập trung đánh vào Mo So. Lực lượng của ta gồm bộ đội địa phương huyện Hà Tiên, một bô phận cơ quan Tỉnh đội, 1 tiểu đoàn 61 quân chủ lực của miền Bắc mới chi viện cho chiến trường Khu 9. Suốt 45 ngày đêm kiên cường chiến đấu, ta đánh bại hoàn toàn cuộc bao vây quy mô của giặc, loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.800 tên giặc, làm rã ngũ hơn 1.200 tên. Căn cứ quan trọng Mo So được giữ vững. 15 đồng chí của ta đã ngã xuống trong đợt chiến đấu bảo vệ căn cứ Mo So. Ông Nguyễn Văn Khoảnh (Ba Ca) nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành A và Bí thư Huyện ủy Hà Tiên năm 1969- 1970 khi kể về những trận chiến đấu kiên cường của quân và dân huyện Châu Thành A vùng Ba Hòn (Thổ Sơn) và Mo So vẫn còn xúc động: “Bọn giặc sử dụng lực lượng quy mô, phương tiện vũ khí tối tân quyết hủy diệt ta ở trong hang hòn mà chúng biết lực lượng ta không lớn. Nhưng ý chí và tinh thần quyết chiến đấu của chúng ta mạnh hơn sự hủy diệt tàn khốc này”.
Tháng 2-1995, Mo So được Bộ VH-TT công nhận di tích cách mạng cấp quốc gia. Hiện nay khu di tích này thuộc xã Bình Trị (Kiên Lương). Đường về Mo So không còn khó khăn, cách trở nữa, mà xe du lịch đã đi đến núi Sơn Trà, xe hon đa đã đi vòng quanh chân núi Mo So, đến một con đường mới mở để đến khu nuôi trồng thủy sản hàng trăm ha. Điện đã về đến những khu nuôi tôm công nghiệp và quản canh này. Thêm một kỳ tích mới của Mo So - Kiên Lương trong công cuộc xây dựng đất nước. Bí thư xã Bình Trị - Phù Minh Bôn nói: “Mong một tương lai gần, khu di tích cách mạng Mo So tổ chức được những tour du lịch, có hẳn phòng trưng bày hiện vật, có cán bộ thuyết minh…như khu di tích địa đạo Củ Chi, Bảy Núi…”. Đây cũng là mong ước của nhiều thế hệ người dân Kiên Giang, trong đó có những người từng góp phần làm nên huyền thoại Mo So hôm qua.
Thanh Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét