Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Nàng Hai đảm đang

SGTT.VN - Người ta cứ quen gọi con cá có sớ thịt trắng, dai, ngọt là thát lát mà quên mất cái tên nghe khá đảm đang của nó là nàng Hai. Mà thật lạ, khi được “gả” về vùng sông nước Hậu Giang, nàng Hai lại trở nên nức tiếng giữa vùng sông nước lắm tôm nhiều cá này.
Mạo danh nàng Hai
Bởi vì nghe tiếng của con cá nàng Hai mà nhiều người kháo nhau rằng: “Về Hậu Giang mà không ăn cá thát lát cũng giống như vô biệt thự mà ngủ nền đất”.
Cá thát lát có nhiều ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung... Tương truyền, bà Từ Dũ đã từng mang cá thát lát ra Huế nuôi. Có lẽ do hợp với thuỷ nhưỡng của vùng sông Hậu nên con cá thát lát ở đây có đặc điểm nổi bật hơn các nơi khác: thân cá màu trắng sáng, vảy mịn, thịt trắng trong, sớ thịt mịn, dai. Cả những người nuôi cá thát lát ở Hậu Giang cũng khó giải thích vì đâu khi về đây nàng Hai trở nên xinh đẹp như vậy. Theo nghiên cứu của trường đại học Cần Thơ thì hàm lượng đạm thô có trong cá thát lát Hậu Giang chiếm 18%, trong khi ở các tỉnh khác chỉ đạt 16%.
Nàng Hai chịu thương chịu khó, thích sống ở những nơi nước tĩnh, chật hẹp, oxy thấp. Mùa nước lớn thì theo nước vào đồng ruộng sống, mùa khô “nàng” ra sông rạch. Nhưng không vì thế mà “nàng” bị mất giá, vậy nên mới có chuyện mạo danh. Cá mè, cá basa, cá tra… đều có thể nạo thịt làm chả nhưng cá thát lát có thịt dai dẻo, thơm, ngọt hơn hẳn nên làm chả là “số dách”. Con cá mè có thớ thịt gần giống cá thát lát nhất nên nó trở thành ứng cử viên số một trong “vụ án” mạo danh này.
Ông Lê Văn Dửng, phó chủ nhiệm hợp tác xã dịch vụ thương mại thuỷ sản Hậu Giang, kể, một lần ra chợ ông thấy mấy bà bán cá thát lát nạo sẵn rao giá rẻ hơn giá mà hợp tác xã nuôi bán cho thương lái. Ông bèn đặt mua năm ký cá chưa nạo để nguyên con. Vậy là các bà không chịu bán nữa!
Theo ông Dửng, phân biệt thịt cá thát lát nạo sẵn đã khó, đánh thành chả càng khó nhận ra hơn. Thậm chí nếu chỉ ăn một lần không thể nhận ra chả cá mè khác chả cá thát lát.
Không chỉ bị mạo danh, nàng Hai còn bị “vùi dập” bởi các loại nguyên liệu khác. Bí quyết nhận mặt nàng Hai mà chỉ dân sành ăn cá thát lát mới biết là cá nguyên chất khi vò viên chiên hoặc nấu có dạng tròn nhưng khi nguội thì vô hình dạng, méo mó.
Đảm đang qua từng món ăn
Chế biến theo kiểu dân dã, đơn giản là cá thát lát tẩm muối chiên sả ớt. Cũng chỉ ướp chút muối, chút ớt, chút sả nhưng cá chiên vàng ươm, thơm giòn nức mũi, chấm chút nước mắm y dằm ớt, ăn với cơm nguội thôi cũng như... cao lương mỹ vị.
Cá thát lát chiên đã ngon, nạo thịt nấu canh càng ngon hơn. Hầu như bất cứ loại rau củ nào nấu với cá thát lát đều hợp, đều cho ra món canh ngon ngọt. Húp canh bầu cá thát lát khiến người ta nhớ quê hương da diết. Canh cá thát lát tần ô, cải bẹ xanh, khổ qua… đều là những món canh nhất hạng với nước canh thơm ngọt đậm đà, thịt cá dai mịn, rau cải tươi xanh.
Ở Hậu Giang, chỉ những đám tiệc nhà giàu mới có các món chả làm từ cá thát lát như chả chua, chả lưỡi bò, chả ngũ sắc… Cho dù con cá thát lát có trở thành món gì đi nữa thì cái “khí chất” của một nàng Hai sang trọng, đảm đang, chịu thương chịu khó mà ngon ngọt lạ lùng vẫn nguyên vẹn.
Gần đây, dân chơi cá cảnh còn thích chọn những nàng Hai có “tám nút” trên lưng để nuôi trong hồ phong thuỷ.
BÀI: MINH CÚC, ẢNH: THANH HẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét