Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2011

Đường lên Ngũ Hồ Sơn

Dân gian thường gọi Ngũ Hồ Sơn bằng cái tên thân quen núi Dài Năm Giếng, là một trong bảy địa danh nổi tiếng của Thất Sơn hùng vĩ, nơi có nhiều giai thoại về khí phách con người ở vùng đất này vào những ngày đầu mở cõi và sự kiên trung, đoàn kết của nhân dân Thới Sơn, Nhà Bàn, An Phú, Nhơn Hưng… thuộc huyện Tịnh Biên qua các thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.


Đối diện với núi Két – Anh Vũ Sơn, Ngũ Hồ Sơn – núi Dài Năm Giếng sừng sững ở phía nam, trông thật hấp dẫn bởi màu xanh của cây ăn trái chen với cây rừng chập chùng từ chân đồi lên tới đỉnh xen kẽ có những vồ đá lộ thiên, thưa thớt, chất chồng quanh sườn núi, khiến du khách phải tò mò, leo thử một chuyến để thưởng ngoạn và khám phá những điều kỳ thú về ngọn núi này. So với Ngọa Long Sơn – núi Dài Lớn, Phụng Hoàng Sơn – núi Cô Tô, Thiên Cấm Sơn – núi Cấm… thì Ngũ Hồ Sơn ở dạng trung bình và có độ cao vừa phải, không dốc đứng nên ai cũng có thể leo thoải mái. 


Cư dân Ngũ Hồ Sơn giải thích, địa hình quả núi trải dài giống y như tên dân gian thường gọi “núi Dài nhỏ” và điểm chính là năm giếng đá… Trời sanh. Nếu tính từ mép đường ô cạn, trai tráng đi rẫy núi lội khoảng một tiếng đồng hồ, người mới lên lần đầu lội từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng mới tới. Suốt quãng hai, ba cây số đi theo đường hầm, độ sâu dưới mặt đất cỡ hai thước, cây rừng um tùm cao vút phủ đầu người. Điều thú vị nhất là xuyên qua rừng le cỡ ba, bốn cây số; cây le già giao đu thành vòm tròn, đi dưới đường mòn, ô cạn trơ đá, có cảm giác như đi giữa rừng le nguyên sinh hiếm có trên vùng Thất Sơn. Sau mấy năm trồng rừng phòng hộ đồi núi, Ngũ Hồ Sơn ngày nay hầu hết cây đã khép tán xen kẽ với một số loại cây bản địa cho thu hoạch thời vụ như xoài, điều, mít; đất thịt còn lại để trồng rau màu rất ít.

Khắp các sườn núi gần như không có giếng, mấy đường ô thì cạn kiệt, trơ đáy và khi nào mưa lớn mới có nước chảy róc rách. Cư dân hai bên đường lên Ngũ Hồ Sơn đều sử dụng lu chứa nước mưa, hồ tự tạo vài ba mét khối, kể cả nước của năm giếng Trời sanh. Cứ mỗi khu vườn đồi, vườn rừng đều có những căn chòi, căn nhà xuất hiện thì kèm theo hồ nước tự tạo để dùng sinh hoạt, bơm nước xịt xoài (dưỡng lá, kích thích ra hoa và chống sâu bệnh) và chăn nuôi gà, vịt. Chị Nguyễn Thị Duyên (gốc ở Nhà Bàn) cho hay, hầu hết bà con đi rẫy núi và mần vườn ở đây đều xuống trong ngày; lúc cao điểm trái cây thì đàn ông ở lại giữ, đàn bà sáng lội lên và chiều lội xuống. Họ coi căn chòi, căn nhà trên núi là chỗ trú nắng, trú mưa để mần ăn theo thời vụ. Sinh hoạt vốn đã tĩnh lặng lại trở nên đìu hiu, hoang vắng hơn.

Chị Cao Thị Diệp (gốc ở Thới Sơn), canh tác vườn điều khu vực năm giếng kể lại rằng, vắng vẻ như vậy, mà trung bình mỗi ngày vẫn có vài chục người đến cúng và viếng “Năm Giếng”; họ toàn là khách hành hương ở xa tận Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp… Còn trùng hợp vào các ngày lễ, Tết và dịp vía Bà Chúa Xứ núi Sam … họ lại leo lên rất đông, có lúc lên đến cả trăm người. 



Mùa mưa năm nay đến sớm, cây ăn trái và cây rừng ở Ngũ Hồ Sơn rất sum suê, nào là nhãn, hồng quân, mãng cầu ta, ổi… cho nhiều hứa hẹn bội thu. Còn mấy hộc đá bên triền núi, những vồ đá cheo leo cũng phủ đầy thanh long và bắt đầu ra hoa kết trái. Anh Trần Văn Quang (gốc ở Thới Sơn) nói, dân núi Dài Năm Giếng sống nhờ mần vườn, trồng cây ngắn ngày dưới tán rừng, ngải bún và cây huyền là hai loài chủ lực. Bột huyền hiện bán hơn 30.000đ/kg, du khách và người hành hương rất thích dùng bởi có tính mát và ngon miệng. Ngải bún thì dùng để pha chế nấu bún cá, có hương vị cũng rất riêng, quyến rũ người ta dùng một lần thì sẽ tìm đến lần sau. Ngoài ra, còn có một số loài dược liệu quý hiếm được bảo tồn, sản xuất và mua bán. Đối với cây mãng cầu ta, điều, xoài bản địa (thanh ca), cát Hòa Lộc và cát chu cũng được xếp vào loại thế mạnh trên Ngũ Hồ Sơn. 

Những năm gần đây, rừng phòng hộ đồi núi được bảo vệ tốt, cây phát triển và tạo nên nhiều tầng tán trông mát mắt. Khách du lịch, người hành hương cứ mỗi lần đi ngang Tỉnh lộ 948, ngước nhìn núi Két lại quay sang núi Dài Năm Giếng mà thầm cảm phục cư dân ở đây đã cần cù, chịu khó để có được màu xanh ngọt lành, no ấm!

(ST)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét