Cây Ô môi có tên khoa học là Cassia grandis L.F. Đây là loài cây gỗ to, thuộc họ Vang, thân cao tới 10 - 12m, vỏ thân nhẵn, những cành non có lông màu rỉ sắt, cành già màu nâu đen. Lá kép lông chim, gồm hàng chục đôi lá chét dài 7 - 12 cm, rộng 4 - 8 cm, có phủ lông mịn.
Hoa màu hồng tươi mọc thành chùm ở những kẽ lá đã rụng. Chùm hoa thõng xuống, dài tới 20 - 40cm. Quả hình trụ, cong như lưỡi liềm, dài 40 - 60cm, đường kính 3 - 4cm, có 50 - 60 ô, mỗi ô chứa một hạt dẹt, quanh hạt có cơm màu nâu đen, vị ngọt, mùi hắc. Chính thứ cơm đặc sền sệt chứa trong quả ô môi này được nhân dân ta ngâm rượu làm thuốc bổ để uống, hoặc nấu cao mềm để kích thích tiêu hóa, nhuận tràng.
Hạt Ô môi ngâm nước nóng tới khi lớp vỏ cứng bong mềm ra, lấy nhân bên trong, đem nấu với nước đường cho mềm, dùng trong chè giải khát, tương tự như các loại hạt trong sâm bổ lương. Cao cơm quả Ô môi là thuốc kích thích tiêu hóa, nhuận tràng. Lá Ô môi dùng tươi đem giã nát, xát vào những vết hắc lào, lở ngứa, có thể chữa khỏi. Lá Ô môi sắc nước làm thuốc cũng có công dụng chữa đau lưng, nhức mỏi như cơm quả. Với nhiều công dụng làm thuốc, cây Ô môi còn được ví như là Canh ki na của Việt Nam, khiến nhiều người lầm tưởng cây Ô môi là cây Canh ki na.
Cách chế biến rượu Ô môi: Về mùa thu, khi quả ô môi đã chín, hái quả về, bỏ vỏ, bỏ hạt, chỉ lấy cơm ngâm rượu. Trung bình một quả có thể ngâm với 500ml rượu 25 - 30 độ. Ngâm trong 15 - 20 ngày là dùng được, nhưng càng để lâu càng tốt.
Rượu Ô môi: Làm thuốc bổ, giúp tiêu hóa, ăn ngon miệng, ngoài ra còn có tác dụng chữa đau lưng, đau xương. Liều dùng: Ngày uống hai lần, mỗi lần một chén nhỏ trước bữa ăn.
Chữa trị đau thấp khớp: Vỏ Ô môi 50g, dây đau xương 100g, cốt toái bổ 100g, nhục quế 30g. Ngâm trong 1 lít rượu 30 - 40 độ cồn trong 15 - 20 ngày. Mỗi ngày uống 2 lần từ 30 - 60ml.
Ds Mỹ Nữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét