(Đất Việt) - Là bậc quân vương của một nước nhưng vua Bảo Đại vẫn bị thách cưới như thường. Để lấy được Nam Phương Hoàng Hậu (tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan), ông đã phải chấp nhận các điều kiện gắt gao mà nhà gái đặt ra.
Phá luật hoàng gia
Vào khoảng năm 1932, Bảo Đại gặp Nguyễn Hữu Thị Lan trong một buổi dạ tiệc tại khách sạn La Palace tại Đà Lạt do Toàn quyền Đông Dương và viên Đốc lý thành phố tổ chức. Vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn ngay lập tức say mê Nguyễn Hữu Thị Lan và nhanh chóng hỏi cưới bà.
Gia đình Nguyễn Hữu Thị Lan đưa ra 4 điều kiện mới đồng ý cuộc hôn nhân này. Đó là: phải tấn phong cho Nguyễn Hữu Thị lan làm Hoàng hậu chính cung ngay trong ngày cưới (các bà vợ của 12 đời vua trước đó chỉ được phong tước Vương phi, đến khi chết mới được truy phong Hoàng hậu); lễ cưới của hai người phải được tòa thánh La Mã cho phép một cách đặc biệt; sau khi cưới Nguyễn Hữu Thị Lan có quyền được giữ nguyên đạo công giáo và các con, khi sinh ra, phải được rửa tội theo luật công giáo và giữ đạo; Bảo Đại thì vẫn giữ đạo cũ là Phật giáo.
Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu. |
Để lấy được Nguyễn Hữu Thị Lan, Bảo Đại đã chấp nhận những điều kiện trên. Ông đặc biệt phá lệ, sắc phong Hoàng hậu, chỉ sau 1 ngày tổ chức hôn lễ, cho bà. Khi đó, Bảo Đại đúng 21 tuổi, còn Nguyễn Hữu Thị Lan 19 tuổi.
Lễ tấn phong Hoàng Hậu được diễn ra rất trọng thể ở điện Dưỡng Tâm. Nhà vua phong Nguyễn Hữu Thị Lan tước vị Nam Phương Hoàng Hậu với ý nghĩa ví nàng như là hương thơm của miền Nam (Parfume du Sud).
Vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn này cũng ra một chỉ dụ đặc biệt cho phép Nam Phương Hoàng hậu được phục sức màu vàng - màu trước đó vốn chỉ dành riêng cho Hoàng Đế.
Sau lễ cưới, vua Bảo Đại cùng hoàng hậu Nam Phương dọn về ở tại điện Kiến Trung thuộc khu vực cấm thành. Điện này xây cất từ thời vua Khải Định nhưng được sửa chữa và tân trang các tiện nghi Tây phương vào đầu triều vua Bảo Đại.
Điều gì đã khiến Vua phá lệ?
Chân dung Nam Phương Hoàng hậu. (Ảnh tư liệu) |
Xét về gia thế cũng như con người, Nguyễn Hữu Thị Lan có rất nhiều điểm vượt trội so với những phụ nữ đương thời. Bà vốn sinh năm 1914 tại Gò Công, Tiền Giang, trong một gia đình Thiên Chúa giáo giàu có bậc nhất miền Nam thời bấy giờ. Cha bà là đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào; ông ngoại là Lê Phát Đạt, tức Huyện Sỹ, người bỏ tiền xây dựng Nhà Thờ ở đường Bùi Chu cũ. Ngoài tên Việt, bà còn có tên thánh là Marie Thérèse.
Từ nhỏ, Nguyễn Hữu Thị Lan đã được gia đình chăm lo giáo dục cẩn thận. Năm 1926, Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan, khi đó 12 tuổi, được gia đình cho sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng ở Paris do các nữ tu điều hành. Bà đã thi đậu Tú tài (cấp 3 hiện nay) và trở về nước tháng 9/1932.
Không chỉ danh giá, Nguyễn Hữu Thị Lan còn nổi tiếng xinh đẹp. Bà từng ba năm liền đạt giải hoa hậu Đông Dương.
Sau này, khi trở thành Hoàng hậu, Nguyễn Hữu Thị Lan không chỉ chăm lo dạy dỗ các hoàng tử, công chúa và các công việc hậu cung một cách chu toàn mà bà còn tham gia các việc xã hội và từ thiện hiệu quả. Việc bà thường xuyên bên cạnh Bảo Đại trong các nghi lễ ngoại giao cũng giúp cho vị vua này rất nhiều trong việc giữ gìn mối quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng và tôn giáo khác…
Lịch sử cũng đánh giá Nguyễn Hữu Thị Lan là người có tấm lòng thiết tha với đất nước. Vào thời điểm quân Pháp dựa vào thế lực của Anh quốc gây hấn ở miền Nam với ý đồ tái chiếm thuộc địa Việt Nam, vua Bảo Đại đã thoái vị, bà đang ở tại An Định cung bên bờ sông An Cựu. Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào đang trực tiếp gánh chịu, cựu Hoàng hậu Nam Phương đã gửi một thông điệp cho bạn bè ở Á châu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp. Trong đó có đoạn viết: “Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mảnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. Hành động này của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi..."
Nam Phương Hoàng hậu rời Việt Nam năm 1947. Những năm cuối đời, bà sống lặng lẽ cùng các con tại Perche, một làng cổ ở Chabrignac, tỉnh Corrèze, vùng Limousin nước Pháp. Bà mất ngày 16/9/1963 và được chôn cất tại nghĩa địa Chabrignac. Ngôi mộ đơn sơ với tấm bia đá hai mặt ghi hai hàng chữ bằng hai thứ tiếng khác nhau, mặt trước viết chữ Hán, mặt sau viết chữ Pháp với nội dung: Mộ phần của Hoàng hậu Nam Phương nước Đại Nam và Đây là nơi an nghỉ của Hoàng hậu An Nam nhũ danh Maria Têrêsa Nguyễn Hữu Thị Lan.
Hoàng hậu Nam Phương cùng Bảo Đại có tất cả 5 người con: Thái tử Bảo Long, sinh ngày 4 tháng 1 năm 1936 Công chúa Phương Mai, sinh ngày 1 tháng 8 năm 1937 Công chúa Phương Liên, sinh ngày 3 tháng 11 năm 1938 Công chúa Phương Dung, sinh ngày 5 tháng 2 năm 1942 Hoàng tử Bảo Thắng, sinh ngày 9 tháng 12 năm 1943 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét