Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Khu di tích khảo cổ Thần Sa, Thái Nguyên


Khu di tích Thần Sa nằm gọn trong địa phận xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, cách TP. Thái Nguyên khoảng 40km, đi theo quốc lộ 1B rẽ trái. Những dãy núi đá vôi dày đặc thuộc phần cuối của sơn hệ Bắc Sơn và những dải thung lũng hẹp dọc theo bờ sông Thần Sa là nét đặc trưng của địa hình nơi đây.
Chính trong các hang động tại nơi này, từ thập kỷ 70 đến cuối thập kỷ 80, các nhà khảo cổ đã phát hiện và phân định được một nền văn hoá khảo cổ học mới - "Văn hoá Thần Sa", có niên đại trên dưới 3 vạn năm, lần đầu tiên tìm được ở Đông Nam Á, thu hút sự chú ý của đông đảo các nhà khoa học trong nước và thế giới.
Hàng chục ngàn hiện vật từ các hang Phiêng Tung, Mái đá Hạ Sơn I, Hạ Sơn II, hang Thắm Choong, Nà Ngùn và Mái Đá Ranh... ở Thần Sa, với những công cụ cuội được ghè đẽo như: Mảnh tước, rìu tay, công cụ chặt hình núm cuội, công cụ chặt rìa, công cụ chặt 2 lưỡi, công cụ hình sừng bò... Đặc biệt là việc tìm thấy 3 bộ xương người cổ được mai táng ở Mái Đá Ngườm, xóm Kim Sơn là những tư liệu quý giúp các nhà khoa học tìm hiểu sâu hơn về nền văn hoá Hoà Bình nổi tiếng.
Mái Đá Ngườm, một di chỉ quan trọng bậc nhất của khu di chỉ khảo cổ học Thần Sa nằm trên sườn dãy núi Ngườm thuộc bản Trung Sơn, cách Phiêng Tung chừng 1km về phía Nam. Đây là một mái đá khổng lồ cao chừng 30m, rộng 60m. Hố khai quật di chỉ Ngườm cho thấy có 4 địa tầng văn hóa khảo cổ. Những di vật đá đặc trưng của các nền văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, Sơn Vi nằm ở tầng 1, tầng 2... ở tầng thứ 3 thuần các công cụ đặc trưng của Ngườm. Và ở tầng văn hóa thứ 4 là hàng vạn công cụ đá kiểu Phiêng Tung và Ngườm. Những công cụ mũi nhọn, công cụ nạo và kỹ thuật gia công lần thứ 2 giống như công cụ và kỹ thuật điển hình của văn hóa Mút-xchi-ê, nền văn hóa tiêu biểu cho thời đại trung kỳ đá cũ.
Do có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học, có một vị trí đặc biệt trong việc tìm hiểu về lịch sử tiến hóa của con người nguyên thủy trên đất nước ta nói riêng và cả vùng Đông Nam á nói chung, khu di tích khảo cổ học Thần Sa đã được Nhà nước xếp hạng quốc gia.
Đến với Thần Sa hôm nay, ta như đến với một phong cảnh hùng vĩ của những dãy núi đá với những cánh rừng nguyên sinh trên các tầng đá vôi cao ngút thả bóng xuống dòng sông Thần Sa xanh biếc. Ta có thể thả hồn trong tiếng gió hú trong mái đá và tiếng nước chảy để suy ngẫm về cuộc sống người xưa, chỉ có ở nơi đây ta mới có cảm giác con người quả là nhỏ bé so với cảnh núi non hùng vĩ. Đến với Thần Sa để tận mắt ngắm những bản người Tày với những mái nhà sàn xinh xắn nằm ẩn mình dưới tán cây sát chân núi đá vôi mà không đâu có được. Thần Sa xưa và nay vẫn luôn tiềm ẩn biết bao điều.
Theo Dulichvn


Về Thần Sa ngắm thác Mưa Rơi

Thái Nguyên là một tỉnh nằm liền kề với Hà Nội, có địa hình chủ yếu là đồi núi, sông, suối xen kẽ với những đồng bằng nhỏ. Chính địa hình này đã tạo nên nhiều thắng cảnh độc đáo, trong đó có thác Nậm Rứt, nằm cách TP. Thái Nguyên 30km, thuộc xã Thần Sa, huyện Võ Nhai.
Thác Nậm Rứt với tên gọi thân thuộc của dân tộc Tày " Thác Mưa Rơi" Một thắng cảnh ẩn hiện độc đáo. Sở dĩ có tên gọi này vì vào những ngày tạnh ráo chỉ có một dòng thác nhỏ đổ từ vách đá cao xuống sông Thần Sa.
Nếu có dịp đến đây, cách thác 80m du khách đã được nghe tiếng nước réo rắc, âm hưởng vang vọng của vách đá, như một bản nhạc rừng, cùng với bầu không khí trong lành, mát rượi càng làm cho cảnh vật nơi đây kỳ ảo và hoang sơ tựa như Sa Pa hay Đà Lạt vậy. Khi du khách được nhưng hạt nước bay vào mạt ta có cảm giác như sương khói mơ màng. 
Vào mùa hè thác Rậm Rứt được hiện ra như  một nàng "Công chúa rừng xanh" hiện ra đôi ba ngày, rồi lại ẩn mình trong vách núi. Thác có nét đặc thù huyền ảo bởi sự đan xen của nhiều dòn thác lớn và vô số dòng thác nhỏ phun từ kẻ đá như vòi hoa sen phun nước xuống hoa lá đầy vẻ quyến rủ thanh bình, cùng với bầu không khí trong lành mát mẻ, càng tạo nên một vẻ đẹp hoang sơ của nàng sơn nữ với bản nhạc rừng chỉ có ở thác ...mưa rơi.
Dưới ánh sáng mặt trời, cả dòng thác được khúc xạ thành vô số những cầu vồng đủ màu sắc chiếu rọi xuống dòng sông Thần Sa trong xanh. Tiếng nước réo rắt giao hòa với âm hưởng vang vọng của vách đá tạo thành một bản nhạc rừng khá thú vị. Đoạn sông Thần Sa ở ngay đầu thác có bãi cát mịn xen bãi đá lô nhô và bãi sỏi thoải dài thuận tiện cho việc tắm nắng, bơi lội. Dọc hai bên bờ sông nơi thác đổ có các tảng đá cao thấp nhấp nhô như bàn ghế có thể ngồi ngắm cảnh hoặc câu cá. Cách thác Nậm Rứt chừng 700m là bản Nậm Rứt của người Mông. Đến đây, du khách có thể được chủ nhà mời uống rượu ngô, thưởng thức nhiều món ăn đậm chất dân tộc như mèn mén, ngô luộc, rau cải mèo, gà rừng nướng hoặc thịt lợn cắp nách…
Cách thác Nậm Rứt 5km về phía Đông Bắc là khu di chỉ khảo cổ Thần Sa cách ngày nay từ 40.000 - 23.000 năm đã được xếp hạng bảo tồn quốc gia từ năm 1982. Từ cuối thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học đã tổ chức nhiều cuộc khai quật quy mô lớn và tìm thấy hàng chục ngàn công cụ được ghè đẽo như rìu tay, công cụ chặt hình núm cuội, công cụ chặt rìa, công cụ chặt 2 lưỡi, công cụ hình sừng bò, 3 bộ xương người cổ… Đặc biệt, tại mái Đá Ngườm cao 30m, rộng 60m nằm trên sườn dãy núi Ngườm thuộc bản Trung Sơn, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 4 địa tầng văn hóa khảo cổ: Bắc Sơn, Hòa Bình, Sơn Vi và Ngườm. Những phát hiện khảo cổ học ở Thần Sa đã cho những luận cứ khoa học hết sức thuyết phục để khẳng định Thần Sa là nơi cư trú của nhiều thế hệ người cổ. Do đó, Thần Sa có một vị trí đặc biệt trong việc tìm hiểu về lịch sử tiến hóa của con người nguyên thủy trên đất nước ta nói riêng và cả vùng Đông Nam Á nói chung. Ngoài ra, đến với Thần Sa, du khách còn có dịp chiêm ngưỡng những nét đẹp sinh hoạt văn hóa và kiến trúc nhà sàn dân tộc Tày, Nùng.

Bảo Anh (TTVN)
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét