Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Lợi hại từ đặc sản đồng quê


PNCN - Chuột đồng, ếch, rắn hay lươn, cóc đã trở thành món ăn từ quán bình dân bước vào nhà hàng đặc sản với không ít lời đồn đại về tính “thần dược” của các loại thức ăn này.Theo dân gian, một số món vừa là “thuốc bổ” cho trẻ em và người lớn, song thực tế, không phải ai ăn cũng “bổ”.
    Đầu bếp trẻ Nam Thành (nhà hàng Hoa Biển - Q.2, TP.HCM) tư vấn: Trong các quán nhậu, chuột đồng, ếch, lươn nằm trong menu với nhiều cách chế biến vô cùng hấp dẫn: xào lăn, rô ti, kho nước dừa… Ở các nhà hàng, chuột đồng còn được đưa lên hàng “vị thuốc”, chế biến cầu kỳ với món chuột nấu hà thủ ô hay chuột mới đẻ (gọi là chuột bao tử, còn đỏ hỏn) ngâm rượu và các vị thuốc Đông y 100 ngày để tăng cường sức mạnh cho nam giới. Ếch, lươn hay lịch có rất nhiều chất đạm, chất béo, sắt, can xi, các loại vitamin A, B, D… bổ dưỡng hơn cả thịt bò nên mệnh danh là “sâm” dưới nước, là thực phẩm nằm trong thực đơn của các vận động viên. Trong Đông y, lươn được chế biến cùng với các loại thảo dược như nấm linh chi hay đỗ trọng, hạt sen, hà thủ ô để chữa các bệnh bất lực về sinh lý, đau nhức xương cốt hay bồi bổ khí huyết, suy nhược cơ thể. Đặc biệt, lươn là thực phẩm cung cấp năng lượng rất cao, các loại vitamin và khoáng chất vô cùng phong phú như: kali, magie, natri… Tương tự, ếch và cóc chứa lượng dinh dưỡng dồi dào và được xem như “thuốc bổ” cho trẻ nhỏ còi xương, chậm lớn.
    Đến nay, cả dân gian và khoa học không thể phủ nhận thực dưỡng từ các sản vật đồng quê này, nhưng việc chế biến và sử dụng chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn, có thể dẫn đến tử vong tức thời. Các loài vật này đều sống trong môi trường ô nhiễm, bùn lầy nước đọng và ăn tạp nên khả năng nhiễm vi khuẩn, giun sán rất cao, thậm chí chúng hấp thu nhanh và mạnh nhất các ký sinh trùng cực độc. Vì thế, chuột luôn được dùng thí nghiệm các loại bệnh dịch. Loài cóc và ếch có bộ da cùng nội tạng vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe con người, có thể dẫn tới tử vong ngay lập tức nếu người làm thịt không đúng quy cách. Thịt ếch lành hơn cóc nhưng phải loại bỏ hết phần nội tạng và làm sạch các đường gân cơ trên đùi ếch, nơi ẩn chứa rất nhiều ấu trùng, giun sán nguy hiểm. Riêng việc làm cóc, nếu để gan hay trứng dính vào thịt có thể dẫn đến tử vong. Hằng năm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cấp cứu không dưới 10 trường hợp ngộ độc vì ăn thịt cóc, ếch hay giun sán sống cộng sinh trong cơ thể bệnh nhân, trở thành các khối u di động, chạy qua mạch máu tạo thành các ổ ký sinh trùng làm biến dạng cơ thể. Vì thế, việc ăn loại thực phẩm đồng quê này trong các quán nhậu hay nhà hàng, nếu không được làm kỹ từ khâu chế biến sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe con người. Việc sử dụng trong bữa ăn gia đình cũng cần cẩn trọng, làm sạch, nấu sôi, và không nên dùng thịt đông lạnh.
    Rắn là món ăn được các “đệ tử Lưu Linh” nâng lên tầm “nghệ thuật”. Khách uống tim rắn còn đập thình thịch trong ly rượu hay chén tiết canh rắn nóng hổi, rồi rắn được làm “tam, tứ, ngũ, lục… món” khoái khẩu cho dân nhậu. Trong thiên nhiên có khoảng 450 loài rắn độc, trong đó có khoảng 250 loài có nọc độc gây chết người nên việc ngâm rắn với các loại rượu tùy thuộc vào kinh nghiệm từng người, món nọc rắn tươi có thể gây nguy hiểm. Tùy vào sức khỏe, cơ địa từng người để có nên ăn thịt rắn hay không. Đối với người có bệnh nội khoa như thận, tim, gan, cao huyết áp thì không nên ăn thịt rắn.
    Phi Nguyễn

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét