Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Ngôi mộ đá cổ ở Nghệ An là con vua Quang Trung?


Hiện các nhà sử học đưa ra giả thuyết rằng, chủ nhân ngôi mộ đá cổ trên núi Đại Huệ ở Nghệ An chính là vua Cảnh Thịnh, con trai hoàng đế Quang Trung.
 
Hàng trăm năm nay, cứ đến ngày 20/10 (âm lịch) người dân họ Hồ ở Nam Đàn, Hưng Nguyên (Nghệ An) lại tổ chức ngày giỗ cho vua Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) trên núi Đại Huệ (xã Nam Anh, Nam Đàn).

Các nhà sử học còn phát hiện cạnh chùa cổ Đại Tuệ (núi Đại Huệ) có một ngôi mộ đá cổ vô chủ rất lớn. Giả thuyết cho rằng, đây là nơi an nghỉ của vua Cảnh Thịnh. Sau khi ý đồ phục quốc bất thành, ông phải đi tu đến cuối đời và mất tại đây.

Đây thực sự là dấu hỏi lịch sử, không chỉ người dân sở tại mà giới sử học đến nay vẫn đau đáu tìm lời giải.

Ngọn núi thiêng


Dãy Đại Huệ mang trong mình bao dấu ấn lịch sử nằm cuối xã Nam Anh (Nam Đàn), sừng sững như một quả chuông úp khổng lồ đội trời (cao gần 500 mét so với mực nước biển).

Trong quan niệm của người dân, đỉnh cao nhất của hệ thống núi, nơi có nghi vấn ngôi mộ của vua Cảnh Thịnh là điểm khởi phát long mạch của vùng đất thiêng.

Do hội tụ khí nhuệ của đất trời, nên mảnh đất này sản sinh ra nhiều nhân tài, quan văn, tướng võ có công lớn với dân tộc.

Sư thầy Thích Minh Định bên bia đá cổ có từ thời Tây Sơn
Sư thầy Thích Minh Định bên bia đá cổ có từ thời Tây Sơn

Ngày xưa, khi Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa đã dựa vào thế núi làm căn cứ luyện tập quân sỹ.

Thời nhà Hồ, cha con Hồ Qúy Ly từng xây dựng Hồ Vương thành trấn Nghệ An châu, hòng chống lại quân Minh xâm lược.

Đến thời hoàng đế Quang Trung, trong cuộc hành quân thần tốc từ Huế ra Bắc đại phá 29 vạn quân Thanh thành công, cũng từng trú chân ở chùa Đại Tuệ, dựng trại trên núi tuyển và rèn luyện quân sỹ.

Không những thế, khi chết đi, người ta cũng muốn được gối đầu vào núi, để họ hàng sau này vạn đời hưng thịnh. Mộ của mẹ Mai Thúc Loan, mộ bà Hoàng Thị Loan (mẹ Bác Hồ), cùng rất nhiều dòng họ khoa bảng ở những vùng xã làng lân cận cũng đều được an nghỉ ở dãy núi này.

Nói như vậy để thấy rằng, dãy Đại Huệ có gì đó như là "điểm hẹn" thiêng liêng của lịch sử, có vai trò quan trọng trong tâm thức của người dân, nên mỗi khi nhắc đến, người dân nơi đây đều thể hiện tình cảm tôn kính, tự hào.

Ông cha ta thường nói "lá rụng về cội", một vị vua gốc gác xứ Nghệ (dòng dõi vua Cảnh Thịnh nguyên gốc huyện Quỳnh Đôi, sau đó di cư lên huyện Hưng Nguyên), khi mất đi có nguyện vọng an nghỉ trên mảnh đất quê hương không phải không có lý. Huống hồ đây là ngọn núi được người dân xem là rất linh thiêng.

Giả thuyết về ngôi mộ đá bí ẩn

Thật lạ, như sự sắp đặt của tạo hóa, ở núi Đại Huệ trong khi tứ bề đều dốc đứng thì hướng Tây Nam của núi lại có một khoảng đất khá rộng.

Ở đó, hơn 600 năm trước, ngôi chùa Đại Tuệ đã mọc lên, cho đến nay vẫn còn nguyên đó.

Yên vị hàng trăm năm gió bụi, chùa vẫn chỉ như một ngôi chòi nhỏ, mái lợp tranh, bên trong đặt bia đá và 5 bộ kinh cổ.

Thấy chúng tôi lên núi tìm hiểu ngôi mộ, sư thầy Thích Minh Định (tu tại chùa Đại Tuệ) nhiệt tình dẫn chúng tôi đến ngôi mộ đá, cách bên trái mặt chùa khoảng 20m.

Thầy cho biết, nhiều người đến thăm chùa Đại Tuệ thì đều đến thắp hương cho ngôi mộ cổ này. Nhưng thật buồn là cho đến nay việc xác định chính nhân vẫn còn bỏ ngỏ.
 
Bí ẩn ngôi mộ đá cổ trên núi Đại Huệ
Bí ẩn ngôi mộ đá cổ trên núi Đại Huệ

Cũng theo sư thầy Thích Minh Định thì người dân trong vùng lâu nay vẫn cho rằng đó là mộ của vua Cảnh Thịnh. Nhưng thời gian gần đây, chuyện đến tai một số nhà sử học, đã có những đoàn đến ghi chép, chụp ảnh khảo cứu gì đó rồi lại thôi. Hiện vẫn chưa có cơ quan nào khẳng định rằng đó là mộ của vua.

Theo quan sát của phóng viên, ngôi mộ hình vuông, rộng khoảng 5m2, mặt trước mộ hướng về phía Tây Nam, có xếp một tấm đá làm bia nhưng không khắc chữ.

Sư thầy Minh Định cho biết, cứ đến ngày lễ lạt, chùa Đại Tuệ và người dân đều đến hương khói cẩn thận và coi đó là ngôi mộ của một vị nào đó sinh thời đã giữ những chức tước rất lớn.

Vì sao ngôi mộ hàng trăm năm vô chủ, thời gian gần đây lại được đặt trong nghi vấn là nơi an nghỉ của một vị hoàng đế giai đoạn cuối của thời Tây Sơn?

Theo sử liệu do Quốc sử quán triều Nguyễn (cơ quan soạn sử của nhà Nguyễn) ghi lại thì cái chết của hoàng đế Cảnh Thịnh là do bị Nguyễn Ánh bắt sống, sau đó bị hành hình.

Tuy nhiên, theo tài liệu của dòng họ Hồ ở Nam Đàn, Hưng Nguyên (Nghệ An) ghi lại thì người bị hành quyết năm đó chỉ là vua giả.

Thực tế, khi vua Cảnh Thịnh từ Huế chạy đến Nghệ An, thì có người nguyện đóng giả vua và tàn quân tiếp tục chạy ra Bắc rồi bị bắt tại Lạng Sơn.

Còn vua Cảnh Thịnh đã lên núi Đại Huệ xuống tóc, lặng lẽ vào tu tại chùa Đại Tuệ với ý định chờ thời phục quốc. Tuy nhiên, sau khi Nguyễn Ánh giành lại ngôi vị thì ý định đó bất thành, nên ông đành an phận sống nốt phần đời còn lại ngay tại chùa.

Về câu chuyện này chúng tôi có hỏi trụ trì chùa Đại Tuệ, nhưng vị sư trụ trì cũng lắc đầu bảo không biết bởi từ trước đến nay chùa không có sử liệu gì liên quan đến ngôi mộ đá trên. Cũng như hàng trăm năm qua, vẫn chưa có ai đứng ra nhận là chủ nhân của ngôi mộ.

Người luôn đau đáu với giả thuyết trên là PGS.TS Nguyễn Quang Hồng, công tác tại khoa Sử, ĐH Vinh, Nghệ An).

Là người con của đất Nam Đàn, sống gần núi Đại Huệ, ông đã có hàng chục năm nghiên cứu về lịch sử quê nhà nói chung và núi Đại Huệ nói riêng.

Ông cho rằng giả thuyết ngôi mộ đá trên đỉnh núi là mộ của vua Cảnh Thịnh không phải không có cơ sở vì không phải ngẫu nhiên dòng dõi họ Hồ (được xem là hậu duệ vua Quang Trung) ở hai huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn cứ đến ngày 15 tháng 5 lại kéo nhau lên núi làm giỗ cho vua Cảnh Thịnh. Đây là nguồn sử liệu rất đáng lưu ý.

Mặt khác, xét về hoàn cảnh lịch sử lúc đó chúng ta sẽ thấy, khoảng thời gian khi vua cha Quang Trung mất, thì vua con Quang Toản lên ngôi là rất ngắn.

Một lực lượng quân đội mạnh từng làm cho quân Thanh phía Bắc khiếp vía, quân Chiêm Thành phương Nam bạt hồn, và bè cánh Nguyễn Ánh bao phen suýt mất mạng thì không dễ gì một sớm một chiều lại tan rã. Hơn nữa lúc đó lực lượng quân đội của vua có rất nhiều tướng giỏi, trung thành, sẵn sàng chết thay vua để phục quốc.
 
Theo NĐT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét