SGTT.VN - Từ xa xưa, lựu được ca tụng về cả hai phương diện dinh dưỡng và trị liệu. Những nghiên cứu y học hiện đại còn phát hiện thêm nhiều công năng kỳ diệu khác của lựu. Trên sách báo nước ngoài, đã có nhiều tác giả gọi lựu là “siêu thực phẩm”.
Lý lịch trích ngang
Lựu “siêu thực phẩm”. Ảnh: Thomas Lê
|
Cây lựu còn có tên thạch lựu, an thạch lựu, tháp lựu, đan nhược, kim bàng, kim tương, tạ lựu... tên khoa học Punica granatum L., họ lựu (Punicaceae). Cây nhỏ, cao 5 – 6m, thân thường sần sùi, màu xám. Hoa lựu màu đỏ tươi hoặc trắng. Trái lựu vỏ dày, hình cầu, bên trong có vách ngang chia thành hai tầng, các tầng này lại chia ra các ô chứa nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt, thơm. Khi chín, trái lựu màu vàng, đỏ lốm đốm. Lựu hiện được trồng khắp nơi trong nước ta bằng hạt hoặc cành chiết để làm cảnh, làm thuốc và lấy trái ăn.
Về thành phần hoá học, vỏ thân, vỏ cành, vỏ rễ lựu có độ 22% chất tanin. Ngoài ra còn có 0,5 – 0,7% alcaloid toàn phần là pelletierin, isopelletierin, methylpelletierin và pseudopelletierin. Isopelletierin là alcaloid có hoạt tính trị giun cao. Đây là thuốc độc bảng A. Vỏ thân cũng chứa pelletierin và các alcaloid khác nhưng hàm lượng thấp hơn. Vỏ quả có 28% chất tanin và granatin, axít betulic, axít ursolic và isoquercetin. Dịch quả chứa axít citric, axít malic và các chất đường glucose, fructose, maltose.
Chữa nhiều bệnh, bổ đủ thứ
Theo dữ liệu khoa học của bộ Nông nghiệp Mỹ, trong 100g lựu có 68 kcal; 17,17g carbohydrat; 16,57g đường; 0,6g chất xơ; 0,3g chất béo; 0,95g chất đạm; 0,030mg thiamin (vitamin B1); 0,063mg riboflavin (vitamin B2); 0,300mg niacin (vitamin B3); 0,596mg axít pantothenic (vitamin B5); 0,105mg vitamin B6; 6,1mg vitamin C; 3mg canxi; 0,30mg sắt; 3mg magiê; 8mg phốtpho; 259mg kali; 0,12mg kẽm…
Theo đông y, vỏ trái lựu vị chua, chát, tính ấm, chỉ tả, chỉ huyết, khử trùng, dùng chữa lỵ, viêm amidan, ngứa ngáy do phong thịnh, huyết nhiệt... Vỏ thân, vỏ rễ vị đắng chát, tính ấm, sát trùng, sắc uống diệt giun sán. Thịt trái lựu dùng cải thiện tiêu hoá, dịch trái tươi làm mát, hạ nhiệt. Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại ghi nhận lựu có tác dụng chống ký sinh trùng: chất isopelletierine và pelletierin có tác dụng mạnh đối với giun móc. Ngoài ra, lựu còn có tác dụng kháng khuẩn: gây ức chế tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, phẩy khuẩn tả, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn mủ xanh, lao và nhiều loại nấm gây bệnh.
Trái lựu rất giàu vitamin A, C, E, sắt và chất chống oxy hoá. Những chất này giúp trung hoà các phân tử gốc tự do. Nghiên cứu của các nhà khoa học ở đại học California – Los Angeles (Mỹ) với 53 đàn ông mắc bệnh rối loạn cương, cho thấy có tới 47% cải thiện sức khoẻ tình dục nhờ uống một ly nước lựu ép mỗi ngày, trong khi tỷ lệ này ở người sử dụng thuốc trị rối loạn cương chỉ là 32%. Nghiên cứu lý giải, chất chống oxy hoá trong trái lựu ngăn chặn các hoạt động làm tổn hại đến các mạch máu giúp cho sự cương cứng dương vật. Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm bước đầu cũng đã ghi nhận nước lựu nguyên chất có khả năng phòng chống các bệnh tim mạch, xương khớp, giảm stress... Một nghiên cứu của hiệp hội Nghiên cứu ung thư Mỹ ghi nhận chất ellagitannins trong trái lựu có vai trò tích cực ngăn chặn sự sản xuất các oestrogen, yếu tố nguy hiểm kích thích sự phát triển tế bào ung thư. Một nghiên cứu khác trị giá 2 triệu bảng Anh do TS Sergio Streitenberger, trưởng nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ProbelteBio (Tây Ban Nha) thực hiện, cho biết uống chiết xuất nước trái lựu hàng ngày có thể làm chậm quá trình lão hoá của ADN.
Ăn lựu sinh con má lúm đồng tiền?
Do trong vỏ thân, vỏ cành, vỏ rễ có chất alcaloid toàn phần nên việc sử dụng lựu làm thuốc phải thận trọng, nhất thiết phải đúng liều và có chỉ định của thầy thuốc. Liều thường dùng uống là 3 – 10g. Khi dùng vỏ trái khô, vỏ thân, vỏ rễ khô thì phải bảo quản nơi khô ráo, không để lâu quá hai năm. Những người yếu, trẻ em nhỏ, phụ nữ có thai nhất thiết phải có ý kiến của thầy thuốc nếu muốn dùng các bài thuốc có lựu. Các chuyên gia thuộc đại học y khoa Mariland (Mỹ) khuyến cáo chỉ nên uống 236 – 354ml nước lựu. Do nước lựu có tác dụng hạ huyết áp nên có thể tăng phản ứng phụ của thuốc chữa huyết áp, nên người đang điều trị huyết áp phải thận trọng khi ăn lựu.
Trên internet có một số bài viết chia sẻ kinh nghiệm khi mang thai, nếu thai phụ tích cực ăn lựu hoặc uống nước ép lựu, thì con sinh ra sẽ có... má lúm đồng tiền (đồng điếu). Đây là thông tin không có cơ sở khoa học. Má lúm đồng tiền là một vết lõm nhỏ xuất hiện trên má khi cười, đó là đặc điểm bẩm sinh và có tính chất di truyền trội. Cho đến nay, y văn cả đông và tây y chưa có nghiên cứu nào cho thấy có mối liên hệ giữa ăn lựu với má lúm đồng tiền.
TS.DS LÊ THỊ HỒNG ANH
THẦY THUỐC ƯU TÚ, TRUNG ƯƠNG HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM
THẦY THUỐC ƯU TÚ, TRUNG ƯƠNG HỘI ĐÔNG Y VIỆT NAM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét