Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Thả hồn chốn Hang Luồn - Ao Dong


Từ thị xã Phủ Lý qua cầu Hồng Phú, theo quốc lộ 21, đến cây số 11, rẽ trái 500m là tới hang. Trước cửa hang, có hai quả núi thấp đứng đối nhau tạo nên một cửa đá đồ sộ chắn ngang trước cửa hang. Đây là một điểm dừng chân lý tưởng để ngắm toàn cảnh khu vực núi non và hang Luồn.
Đây là khu vực được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi cao, ở giữa thung lũng này nổi lên một dãy núi thấp, dãy núi này có hang Luồn. Miệng hang Luồn chính là mặt trước của dãy núi nhìn ra cửa đá. Trước mặt hang là một bãi đất rộng có một con kênh lớn chứa nhiều nước. Về mùa mưa, đây là một bến thuyền.
Mùa cạn có thể vừa đi thuyền, vừa đi bộ xuống cửa hang. Nguồn nước ở đây từ các khe núi cao đổ xuống, tỏa vào các kênh, các mạch ngầm rồi dẫn ra sông Đáy. Chính vì vậy, nước rất trong và sạch, có thể nhìn thấu đáy. Về mùa mưa, nước dâng lên sát trần hang nhưng cũng chỉ chốc lát là rút hết, chỉ giữ lại một lượng nước vừa đủ để vào hang.
Toàn cảnh khu Hang Luồn.
Miệng hang Luồn có hình vòm vách núi, chỗ nhô ra, chỗ lõm vào, chỗ thì chạy thẳng xuống lòng hang, vách thì uốn cong. Đặc biệt có vô số các nhũ đá hình thù muôn vẻ, cái từ trần hang rủ xuống, cái từ vách đá chồi ra kéo dài suốt chiều dài cửa hang.
Chiều dài hang Luồn khoảng 400m, chiều rộng của hang vừa đủ cho một đoàn khách đi thuyền ngắm các vách núi với các nhũ đá kỳ lạ và nghe tiếng nước rỏ tí tách. Trong ánh sáng mờ ảo du khách sẽ cảm thấy bập bềnh, rồi du thuyền sẽ đưa du khách tới một không gian mở ra choáng ngợp khi gặp ao Dong.  
Ao Dong rộng khoảng 300 mẫu, nước trong vắt có thể nhìn thấy từng con cá bơi, thấy cả thảm thực vật, đặc biệt là các loài rong núi, ngay cả ở mực nước sâu tới 3m. Ao Dong được tạo nên bởi các dãy núi cao, với rừng cây bên sườn núi. Động vật ở đây khá đa dạng, cỏ trắng, sơn dương rất nhiều tạo thêm sự sinh động hấp dẫn cho cảnh quan. Các ngọn núi in bóng xuống làn nước trong vắt của ao Dong tạo nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình.  
Hang Luồn, ao Dong với sự kết hợp hài hòa của núi non cây cỏ, trời xanh, nước biếc, quần thể động thực vật hoang dã phong phú là điểm du lịch sinh thái có giá trị của tỉnh Hà Nam.
Theo Báo Hà Nam

'Tam Cốc - Bích Động' ở Hà Nam

Sự kết hợp hài hòa giữa Hang Luồn và Ao Dong mang đến cho Hà Nam một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, phù hợp với những dịp nghỉ ngắn ngày khi liền kề ngay Hà Nội.
Tuy không phải là thành phố du lịch nhưng Phủ Lý, Hà Nam sở hữu khá nhiều danh thắng hoang sơ với vẻ đẹp trữ tình. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến là điểm du lịch Hang Luồn - Ao Dong ở thôn Bút Phong, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng.
Từ thành phố Phủ Lý, bạn đi qua cầu Hồng Phú bắc qua sông Đáy, theo quốc lộ 21 đến cây số 11, rẽ trái 500 m là tới Hang Luồn - Ao Dong. Mặc dù chưa được khai thác du lịch nhưng nhờ vẻ đẹp tương đồng với danh thắng Tam Cốc - Bích Động của Ninh Bình, trong khi chỉ cách địa phận thủ đô hơn 20 km, nên những năm gần đây, Hang Luồn - Ao Dong đã trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách, đặc biệt là từ Hà Nội.
Hang Luồn - Ao Dong còn được biết đến với tên gọi là Động Thuỷ, bởi không chỉ nằm gọn trong một thung lũng nhỏ được bao bọc xung quanh bởi những dãy núi xanh ngút ngàn, nơi đây còn nhiều hang động huyền ảo, rộng mở theo con nước vơi đầy. Du khách cũng ngồi thuyền để khám phá thắng cảnh này.
hanoietoco-JPG-4331-1381999209.jpg
Cửa Hang Luồn có mái vòm bằng đá. Ảnh: Hanoietoco
Theo con thuyền nhẹ nhàng trôi trên dòng nước, bạn sẽ đến với một dãy núi có vết hổng hình vòm, đó chính là cửa Hang Luồn. Trước cửa hang là hai quả núi thấp đứng đối nhau như cổng chào bằng đá mời gọi du khách ghé thăm. Đây cũng là một điểm lý tưởng để ngắm toàn cảnh Hang Luồn trước khi vào trong khám phá.
Điểm đặc biệt cửa hang nằm ở con kênh lớn nằm ngay trước mặt. Do chảy từ các khe núi, mạch ngầm rồi dãn ra sông Đáy nên nước ở đây rất trong và sạch, có thể nhìn tận đáy. Vào mùa khô, ngoài đi thuyền, du khách có thể đi bộ xuống cửa hang những ngày nước cạn. Vào mùa mưa, nước dâng cao quá nửa cửa hang nhưng rút nhanh, nên thuyền bè vẫn có thể ra vào vãn cảnh.
Bên trong Hang Luồn có rất nhiều nhũ đá với muôn hình vạn trạng, cái trên trần rủ xuống, cái từ đáy trồi lên. Cộng với tiếng róc rách của những dòng nước nhỏ chảy ra từ các vách núi, bạn sẽ có cảm giác như đang lạc vào một trong những hang động kỳ thú của vịnh Hạ Long thu nhỏ. Tuy chỉ dài 400m, nhưng chiều rộng của hang đủ cho một chiếc thuyền chở trên 10 người tiến vào trong.
Trong hang không có hệ thống đèn chiếu nhiều màu như ở Hạ Long, nhưng với những tia sáng tự nhiên hắt vào, phản chiếu màu lấp lánh từ dòng nước, bạn vẫn cảm nhận đuợc không gian kỳ ảo. Trái ngược với không gian bó hẹp trong lòng hang núi, chiếc thuyền tiếp tục đưa du khách tới không gian rộng mở của Ao Dong.
vibavn-2852-1381999209.png
Đi thuyền trên Ao Dong mang đến sự thư thái cho du khách. Ảnh: vibavn
Ao Dong rộng khoảng 300 mẫu, là sự hòa quyện trữ tình của sông nước mây trời. Cũng như con kênh trước cửa Hang Luồn, nước Ao Dong trong vắt một màu. Do đó, ngồi trên thuyền du khách có thể nhìn thấy từng đàn cá tung tăng bơi lội, và các thảm thực vật nhiều màu sắc kỳ lạ dưới đáy ao.
Trên các sườn núi bao quanh Ao Dong không chỉ có chim và cò trắng mà còn có cả một số loài thú nhỏ và sơn dương. Trong khung cảnh yên bình với tiếng chim hót líu lo, du khách sẽ cảm nhận rõ rệt bức tranh sơn thủy hoang sơ mà lãng mạn. Cùng với không gian thoáng đãng và khí hậu mát mẻ, đây chính là lựa chọn tuyệt vời cho những ai yêu thích thiên nhiên.
Không mất quá nhiều thời gian để khám phá hết vẻ đẹp của Hang Luồn - Ao Dong, do đó du khách có thể kết hợp tham quan một vài điểm du lịch gần đây như chùa Bà Đanh, Ngũ Động Sơn, làng gốm Quế hoặc dừng chân lại Phủ Lý để thưởng thức đặc sản bánh cuốn chả.
Vy An

Ao Dong - hang Luồn sơn thủy hữu tình


TTO - Được sự sắp đặt khéo léo của tự nhiên, với mặt nước trong xanh, núi đá vôi, hang động thạch nhũ... ao Dong - hang Luồn đang trở thành điểm đến mới hứa hẹn thu hút du khách đến Hà Nam.
Không gian rộng thoáng của ao Dong với sắc xanh của nước và cây cỏ - Ảnh: Minh Đức
Không gian rộng thoáng của ao Dong với sắc xanh của nước và cây cỏ - Ảnh: Minh Đức
Từ Hà Nội, chúng tôi chạy dọc quốc lộ 1A cũ, qua địa phận huyện Thường Tín, Phú Xuyên để bắt đầu hành trình khám phá Hà Nam một ngày.
Hà Nam không phải là tỉnh được nhắc tới với nhiều điểm du lịch nổi tiếng, chủ yếu với hệ thống các ngôi chùa như chùa bà Đanh, Long Đọi Sơn cùng những nhà thờ có kiến trúc độc đáo. Vì vậy du lịch Hà Nam còn khá mới mẻ với nhiều người. Nhưng có lẽ từ bây giờ, những ai thích trải nghiệm sẽ có thêm một điểm đến trong sổ tay mỗi khi nhớ đến vùng đất này: ao Dong - hang Luồn.
Ngoài những địa điểm nổi tiếng không thể bỏ qua như chùa Bà Đanh, nhà Bá Kiến cũng như thưởng thức các món ăn nổi tiếng như bánh cuốn Phủ Lý, chuối ngự, cá kho làng Đại Hoàng, trong danh sách những nơi sẽ đi qua có một điểm khá mới mẻ mà tôi mới nghe lần đầu. Đó là ao Dong - hang Luồn
Ao Dong thuộc địa phận xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng. Từ trung tâm thành phố Phủ Lý, sau khi qua cầu Hồng Phú, chúng tôi hỏi đường tới Bút Phong khá dễ dàng vì người dân bên đường sẵn lòng chỉ dẫn.
Do chưa được khai thác du lịch nên phải chú ý quan sát mới nhìn thấy chỉ dẫn vào ao Dong viết trên tấm gỗ dựng ven đường. Là vùng khai thác đá cho ngành công nghiệp ximăng, việc tồn tại một nơi có vẻ đẹp yên bình có thể khiến nhiều người bất ngờ. 
Đi hết con dốc dẫn vào khu khai thác đá, cả nhóm gửi xe ở chân dốc rồi tìm đường tản bộ xuống ao. 
Con đường dẫn xuống ao Dong - hang Luồn - Ảnh: Minh Đức
Con đường dẫn xuống ao Dong - hang Luồn - Ảnh: Minh Đức
Cô lái đò ao Dong - Ảnh: Minh Đức
Cô lái đò ao Dong - Ảnh: Minh Đức
Do các dãy núi vòng cung bao bọc nên khu vực này trước kia không được nhiều người biết tới cho đến khi các hoạt động khai thác đá làm lộ ra con đường dẫn xuống khu vực hang Luồn.
Tiếp tục đi bộ hết con dốc, rẽ sang một lối nhỏ lần theo sườn núi toàn đá hộc mới tới được ao Dong.
Bỏ lại những ồn ào, bụi bặm bên ngoài khu công trường, quang cảnh trước mắt hiện lên thơ mộng và trong lành. Chỉ vỏn vẹn hơn 300 mẫu nhưng ao Dong có đầy đủ vẻ đẹp như các địa danh đá vôi nổi tiếng ở Tam Cốc, Tràng An (Ninh Bình).
Như một tấm gương lớn soi bóng thế núi hùng vĩ khắp phía, mặt nước ao xanh trong nhìn rõ những rong rêu đang uốn mình theo làn nước, bên trên là những thảm hoa súng bung nở... 
Không ai biết cái tên ao Dong có từ đâu, nhưng nhiều người cho rằng tên gốc là “rong” vì có nhiều rong rêu, sau đó đọc sai thành “Dong”. 
Ở đây chỉ có một ngôi nhà nhỏ bên núi của người trông coi ao. Chúng tôi hỏi thuê thuyền thì được biết khách từ xa tới đây thường phải trả 10.000 đồng tham quan và thêm tiền đò. 
Tuy nhiên, ngồi chuyện trò một lúc, người phụ nữ đồng ý giá 150.000 đồng cho sáu người dạo chơi trên thuyền, không thu thêm "vé vào cửa".
Mùa cạn du khách vẫn có thể đi vào hang Luồn
Mùa cạn du khách vẫn có thể đi vào hang Luồn
Vẻ đẹp nơi hang Luồn thông ra bên ngoài - Ảnh: Minh Đức
Vẻ đẹp nơi hang Luồn thông ra bên ngoài - Ảnh: Minh Đức
Đang mùa cạn nên thuyền đi vào hang khá dễ dàng. Hang Luồn có chiều dài khoảng 400m, kích thước khá nhỏ, nhưng vòm cửa hang rộng với những tán cây xòa bóng. Mùa nước lên thuyền không thể đi vào hang do nước ngập kín cửa. 
Vừa tiến tới cửa hang mọi người đã cảm nhận được không khí mát lạnh và gió hun hút thông qua hai đầu hang. Cô lái đò đưa chúng tôi đèn pin và vừa chèo vừa chỉ dẫn, giới thiệu từng thạch nhũ trên trần hang.
Chưa bị bàn tay con người tác động và không bị ánh đèn làm biến sắc nên những thạch nhũ đủ các hình dáng trong hang vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, cuốn hút.
Len lỏi sâu vào hang cảm giác như con thuyền đang khẽ khàng chạm vào thế giới cổ tích huyền ảo. 
Đi hết lòng hang, mọi người như hòa mình vào khung cảnh yên bình của những cánh đồng dưới chân núi đá vôi bên ngoài. Dừng chân một lúc, thuyền quay lại con đường cũ, đưa khách ghé thăm thêm hang động phía tay phải.
Qua một cây cầu đá nhỏ là tiến vào cổng hang nước thứ hai. Đây là hang kín và ngắn với những vùng nước sâu. Những khối nhũ đá trong hang tạo hình đa dạng hơn, từ những bông hoa hồng cho tới hình ảnh sóng nước, bầu ngực phụ nữ...
Những thạch nhũ muôn hình vạn trạng - Ảnh: Minh Đức
Những thạch nhũ muôn hình vạn trạng - Ảnh: Minh Đức
Cây cầu đá được người dân dựng lên, tạo điểm nhấn cho bức tranh thủy mặc - Ảnh: Minh Đức
Cây cầu đá được người dân dựng lên, tạo điểm nhấn cho bức tranh thủy mặc - Ảnh: Minh Đức
Thỏa thích ngắm cảnh, chụp ảnh... chúng tôi vừa lên bờ thì gặp mấy người dân địa phương ghé xuống ao thư giãn sau giờ làm việc về. 
Trò chuyện với họ mới hiểu nhiều hơn về mảnh đất này. Đây cũng là nơi mà chiều chiều người dân xung quanh tụ tập chuyện trò, tắm mát hoặc tận hưởng chút yên bình cuối ngày.
Sau những giờ ngao du sơn thủy, cả nhóm vui vẻ nán lại, lắng nghe tiếng chim hót và tiếng nước chảy róc rách từ trên đỉnh núi. 
Rời ao Dong - hang Luồn khi nắng chiều dần dịu lại, khung cảnh thiên nhiên như tĩnh lặng, u tịch hơn bao giờ hết. Có lẽ từ bây giờ chúng tôi đã có thêm một điểm đến trong sổ tay mỗi khi nhớ đến đất Hà Nam.
MINH ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét